Cần tăng cường đối thoại, lắng nghe ý kiến doanh nghiệp

Lê Thanh Hải - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ tỉnh Bắc Kạn; Giám đốc Công ty CP Hồng Hà 22/08/2018 05:00

Những năm gần đây tỉnh Bắc Kạn đã rất nỗ lực để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhưng theo khảo sát, đánh giá của VCCI về PCI cho thấy doanh nghiệp chưa thật sự hài lòng và chưa đánh giá cao.

Toàn tỉnh Bắc Kạn hiện nay có 1.168 doanh nghiệp được thành lập, hoạt động chính thức có gần 800 doanh nghiệp nhưng nếu có lợi nhuận và thực hiện các nghĩa vụ về thuế, an sinh xã hội thì chỉ khoảng 400 doanh nghiệp, mà đa số là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ.

Qua khảo sát ý kiến các doanh nghiệp, tôi được biết để duy trì hoạt động các doanh nghiệp đang đối mặt với vô vàn khó khăn, về nguồn vốn, mặt bằng, lao động, thi trường… và cả thủ tục hành chính. Doanh nghiệp vẫn đang loay hoay còn các cấp, các ngành vẫn “chậm rãi”, mỗi năm cũng chỉ có 1 cuộc đối thoại với doanh nghiệp, chưa thật sự gần gũi và lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp.

Tôi nghĩ rằng, đối thoại doanh nghiệp chính là để tăng cường sự gắn bó giữa doanh nghiệp với chính quyền, giúp cho các chủ trương, chính sách của Trung ương và địa phương bám sát hơi thở của doanh nghiệp. Qua đó, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, như tinh thần của Nghị quyết 19-2017/NQ-CP và Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ.

Theo tôi, tỉnh Bắc Kạn cần tăng cường công tác đối thoại, ít nhất 2 lần/năm. Bên cạnh việc cần đơn giản hóa các thủ tục hành chính, các quy trình, quy định pháp luật về điều kiện kinh doanh, các doanh nghiệp ở hầu hết mọi lĩnh vực và quy mô hoạt động đều được tạo thuận lợi về chính sách tiếp cận đất đai, tín dụng hay cơ chế thuế… và hơn hết là tiếng nói của doanh nghiệp cần được lắng nghe.

Có như thế mới hiện thực hóa chủ trương xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, đồng hành cùng doanh nghiệp.

Lê Thanh Hải - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ tỉnh Bắc Kạn; Giám đốc Công ty CP Hồng Hà