Nông nghiệp địa phương còn thiếu định hướng
Hiện nay lãnh đạo Chính phủ và Bộ, ngành rất quan tâm và chú trọng phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao.
Tuy nhiên, chính quyền địa phương lại chưa thật sự tâm huyết, chưa có định hướng, thúc đẩy các mô hình sản xuất mới cho nông dân.
Lĩnh vực nông nghiệp đặc thù phụ thuộc thời tiết và thời vụ, do đó rủi ro cao hơn các lĩnh vực khác. Trong khi các nhà máy sản xuất tại các khu công nghiệp đang thu hút lao động với mức lương tương đối. Do vậy, hiện nay tuy diện tích đất nông nghiệp tại Hải Dương rất lớn nhưng thực trạng bỏ hoang rất nhiều.
Công ty TNHH MTV Hưng Việt đang đồng hành cùng người dân trồng cây bắp cải, cà rốt, súp lơ cung cấp các bếp ăn công nghiệp, các hệ thống siêu thị trong cả nước và còn vươn tới các thị trường xuất khẩu kỹ tính như Hàn, Nhật, Pháp, Đài Loan… Tới đây, Hưng Việt cũng sẽ đầu tư nhà máy chế biến nước ép, sấy, cấp đông nhanh… với công nghệ châu âu để mở rộng thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, cái khó là Hưng Việt đầu tư giống, bao tiêu sản phẩm cho người dân nhưng chiều hướng sản xuất, canh tác theo lối truyền thống của người dân, Hợp tác xã vẫn không thay đổi. Do đó sản phẩm chất lượng không được như mong muốn.
Theo tôi, để khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch công nghệ cao rất cần có sự định hướng của các nhà quản lý. Cần có chính sách hỗ trợ người nông dân để tránh việc sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Đặc biệt là cần có cơ chế, chính sách để hỗ trợ các trang trại, HTX để khuyến khích các mô hình sản xuất lớn, quan tâm hơn về vấn đề tích tụ ruộng đất.
Nhà nước cũng cần xem xét, xác định các loại hàng nông sản nào thị trường ngoại cần thì nên khuyến khích hỗ trợ giống, kỹ thuật sản xuất giống cây đó.
Bên cạnh đó, các nhà quản lý trong lĩnh vực này cũng cần đi sâu, đi sát để hiểu quy trình, đồng hành liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân thì khi đó nông nghiệp mới phát triển được.
Tăng Xuân Trường - Giám đốc Công ty TNHH MTV Hưng Việt