Bất bình đẳng cơ chế giữa doanh nghiệp nhỏ với các doanh nghiệp lớn
Hiện nay, tại nhiều địa phương còn tồn tại sự bất bình đẳng, phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp nhỏ với các doanh nghiệp lớn.
Sự bất bình đẳng biểu hiện cụ thể trong tiếp cận thủ tục hành chính, đất đai, vốn tín dụng.
Tại một số địa phương xuất hiện cụm từ khá phổ biến khiến các doanh nghiệp nhỏ và vừa chúng tôi rất nản lòng. Đó là khái niệm “Nhà đầu tư chiến lược”. Nhà đầu tư chiến lược là các tập đoàn kinh tế lớn. Khi họ đến đầu tư luôn được chính quyền địa phương tạo điều kiện tối đa. Họ có thể chọn những mặt bằng đắc địa, triển khai dự án trước, hoàn thiện thủ tục hành chính sau. Họ có thể được giao mặt bằng sạch chỉ sau 30 ngày, trong khi doanh nghiệp địa phương chúng tôi phải mất 3 năm cũng chưa chắc đã xong. Những vị phạm của họ về môi trường thường được bỏ qua hoặc xử lý nương nhẹ. Tôi cho rằng ở đây có sự vi phạm Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường…
Ngoài ra, các tiêu chí dự thầu, tài trợ vốn tín dụng cũng vô tình dựng lên những rào cản khó thể vượt qua đối với doanh nghiệp nhỏ như: dự thầu yêu cầu phải có hồ sơ năng lực 3 năm kinh nghiệm, vay vốn phải có báo cáo tài chính 3 năm có lãi liên tục… Các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là các doanh nghiệp mới thành lập không thể tiếp cận được các cơ hội kinh doanh đó.
Sự phân biệt như nói trên rõ ràng chưa khuyến khích khởi sự kinh doanh và khơi thông nguồn lực trong dân để phát triển doanh nghiệp. Chính phủ đặt mục tiêu cả nước có 1 triệu doanh nghiệp trước năm 2020. Nếu còn sự phân biệt giữa doanh nghiệp lớn với doanh nghiệp nhỏ tôi cho rằng rất khó đạt được mục tiêu đó. Chúng tôi kiến nghị các cấp ngành cần sớm xóa bỏ sự phân biệt đối xử này, tạo môi trường bình đăng giữa các doanh nghiệp.