Chuẩn bị kỹ nhân lực cho cách mạng công nghiệp 4.0

Nguyễn Đức Thuấn - Chủ tịch TBS Group (Tuấn Anh ghi) 09/02/2019 06:00

Nhân lực cho CMCN 4.0 đang là một thách thức không nhỏ đối với các quốc gia và cộng đồng doanh nghiệp.

Trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 đang trở thành một xu thế toàn cầu, và Việt Nam cũng đang đẩy mạnh thực hiện thì việc chuẩn bị kỹ các yếu tố, trong đó có nguồn nhân lực là việc mà không chỉ các nhà quản lý mà ngay cả các doanh nghiệp cũng đang đẩy mạnh thực hiện. Câu chuyện này đang là một thách thức không nhỏ đối với các quốc gia và cộng đồng doanh nghiệp.

Còn nhớ đầu tháng 5/2017, Chính phủ đã ban hành chỉ thị số 16/CT-TTg với 6 nhóm giải pháp lớn nhằm tăng cường năng lực tiếp cận với cuộc CMCN 4.0.

Đây có thể xem là một “đòn bẩy” quan trọng để doanh nghiệp có định hướng và kế hoạch xây dựng nguồn nhân lực. Tuy nhiên, để thực hiện tốt vấn đề này, tôi cho rằng, cần tập trung vào 4 nhóm giải pháp:

Thứ nhất, Nhà nước cần Điều tra rõ những yêu cầu cốt lõi từ cuộc CMCN 4.0 trước khi đề ra chính sách đào tạo, tránh chủ quan duy ý chí

Thứ hai, cần có Ngân sách hỗ trợ cho quá trình nâng cao năng lực đào tạo vì có rất ít đơn vị đào tạo có khả năng tự trang trải ngân sách nhằm nâng cao năng lực đào tạo. Đặc biệt là chi phí nghiên cứu, học tập năng lực từ các đơn vị đào tạo đứng đầu trên thế giới và ứng dụng vào Việt Nam; Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá năng lực đào tạo, định hướng cho xã hội, doanh nghiệp chọn đúng nơi đưa con em, nhân viên đến học tập.

Thứ ba, có sự hỗ trợ nhất định cho các đơn vị đào tạo, đặc biệt là những kỹ năng cứng, liên quan đến sử dụng thiết bị mà phần lớn là những công nghệ mới, đòi hỏi phải có sự nghiên cứu, tìm tòi để biến thành giáo trình đào tạo. Đồng thời, hỗ trợ trực tiếp cho các ngành (thông qua các Hiệp hội) xây dựng giáo trình đào tạo những kỹ năng chuyên biệt.

Thứ tư, có chích sách khuyến khích doanh nghiệp sử dụng nhiều sinh viên được đào tạo từ những ngành công nghệ tương lai. Từ đó, tạo môi trường cho sinh viên phát huy khả năng ứng dụng các kỹ năng đã đào tạo vào thực tế sản xuất kinh doanh.

Về phía mình, các doanh nghiệp cần chủ động đưa ra những yêu cầu của ngành mình, những nhu cầu về lượng cũng như về chất để các trường hiểu biết mà nâng cao năng lực đào tạo. Từ đó, tạo sự kết nối tốt với các trường. Đặc biệt là cho phép các giảng viên, sinh viên đến nghiên cứu tìm hiểu những thành tựu của CMCN 4.0 đang áp dụng vào từng doanh nghiệp, qua đó, xác lập các chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Doanh nghiệp là người đưa ra yêu cầu về những nhóm kỹ năng chủ yếu như là những đầu bài cho các đơn vị đào tạo tìm cách giải. Doanh nghiệp cũng tham gia vào quá trình đào tạo các kỹ năng này vì nó mang tính thực tiễn và phù hợp với quá trình ứng dụng CMCN 4.0 vào bản thân từng ngành, từng doanh nghiệp…

Nguyễn Đức Thuấn - Chủ tịch TBS Group (Tuấn Anh ghi)