Đối phó với biến động thị trường thép
Trong 6 tháng vừa qua, lợi nhuận của doanh nghiệp thép giảm đáng kể vì sự tuột dốc của giá thép.
Đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, sản lượng cung của một số ngành hàng lớn hơn cầu gấp nhiều lần. Khi giá thép hạ, một số doanh nghiệp càng có khuynh hướng đẩy nhanh hàng tồn với mức giá thấp vì cần xoay chuyển vòng vốn để duy trì các hoạt động kinh doanh. Việc này đã làm giá thép trên thị trường đi xuống nhanh, tạo ra cuộc cạnh tranh về giá trên thị trường thép thiếu lành mạnh.
Các doanh nghiệp thép khi đầu tư cần phải xây dựng những luận chứng kinh tế kỹ thuật, nghiên cứu thị trường một cách chắc chắn; chú trọng vào thị trường nội địa và tạo ra giá trị cho khách hàng thay vì chỉ lệ thuộc vào thị trường xuất khẩu ngắn hạn. Vì so với các quốc gia chuyên về xuất khẩu thép như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga thì lợi thế cạnh tranh của thép Việt Nam là không cao lắm.
Thêm vào đó, do khuynh hướng bảo hộ thuế chống bán phá giá, thuế phòng vệ, nếu các doanh nghiệp tăng thêm công suất nhưng lại lệ thuộc nhiều vào thị trường xuất khẩu thì doanh nghiệp có thể gặp rủi ro cao. Vì bất cứ lúc nào, chính sách của các quốc gia nhập khẩu, chính sách giá của các quốc gia lớn chuyên xuất khẩu thép đều có thể biến động và ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xuất khẩu thép Việt Nam.