Năng lượng tái tạo sẽ thắng thế
Để giảm tải cho việc thiếu điện nhiều chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp đã kiến nghị, đề xuất nhiều giải pháp mang tính căn cơ để hạn chế tình trạng phải tăng giá điện thường xuyên.
Trong bối cảnh nhu cầu sử dụng năng lượng của nước ta đang tăng nhanh, Việt Nam đã chuyển từ một nước xuất khẩu sang nước nhập siêu về năng lượng sơ cấp và ngày càng phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu. Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình phát triển.
Chiến lược phát triển năng lượng Xanh là giải pháp để các quốc gia vượt qua thách thức nghiêm trọng của việc tài nguyên thiên nhiên bị cạn kiệt, đa dạng sinh học bị suy giảm, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.
Theo văn phòng Tổ chức kiểm soát năng lượng Anh (EWG), dưới lòng đất hiện còn khoảng 1.255 tỉ thùng dầu, đủ để cho con người sử dụng trong 42 năm. Với tốc độ khai thác như hiện nay, thế giới chỉ sản xuất được 39 triệu thùng/ngày vào năm 2030, so với 81 triệu thùng/ngày như hiện nay và trong vòng 50-60 năm nữa, nguồn dầu lửa dưới lòng đất sẽ hoàn toàn cạn kiệt.
Có thể nói, sức ép từ việc cạn kiệt các nguồn nguyên liệu hóa thạch đã tạo ra cơ hội phát triển cho ngành năng lượng tái tạo tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) vào tháng 6/2017, tiềm năng kỹ thuật điện gió của Việt Nam là khoảng 215.000 MW, điện mặt trời khoảng 340.000 MW. Với chiến lược phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Chính phủ đang khuyến khích, huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển năng lượng tái tạo. Tập đoàn Sơn Hà đã hợp tác với Pháp để xây dựng cánh đồng năng lượng mặt trời SoLaFarm tại miền Trung; hợp tác với tập đoàn WEGEN của Đức để đưa ra sản phẩm pin mặt trời lắp đặt trên hàng triệu mái nhà...