"Ngóng" nguồn tín dụng ưu đãi
Doanh nghiệp mong muốn Chính phủ có chính sách thông thoáng, nhất quán hơn nữa hỗ trợ cho khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là tiếp cận vốn.
Là doanh nghiệp nuôi trồng, chế biến các sản phẩm từ đông trùng hạ thảo, Phúc Thành An có kế hoạch xây dựng chiến lược tầm nhìn dài hạn đến năm 2030, cụ thể sắp tới doanh nghiệp sẽ mở rộng quy mô về hạ tầng, nhà xưởng và khu nuôi cấy.
Do đó, ngoài kinh phí duy trì, Phúc Thanh An cần thêm kinh phí để đầu tư về nguyên liệu, máy móc, nhân lực nhằm cải tiến đồng bộ, áp dụng khoa công nghệ trong sản xuất.
Để có nguồn vốn ổn định, lãi suất thấp, Phúc Thành An đã tìm đến dòng vốn ưu đãi từ phía ngân hàng. Tuy nhiên doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp cận. Mặc dù, ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo yêu cầu ngân hàng thương mại tích cực xây dựng chương trình hỗ trợ doanh nghiệp như: Tạo gói vay ưu đãi, vay tín chấp (không cần thế chấp tài sản), nhưng bản thân doanh nghiệp Phúc Thành An nói riêng và khối doanh nghiệp nhỏ và vừa nói chung đều gặp nhiều rào cản khi tiếp cận nguồn vốn này. Trong đó các doanh nghiệp đã gặp thất bại trong khâu duyệt hồ sơ, thẩm định dự án, bởi thủ tục, yêu cầu từ phía ngân hàng đưa ra còn mang tính chất "đặc thù" khắt khe, đòi hỏi quá nhiều về giấy tờ, điều kiện...
Vì vậy doanh nghiệp mong muốn Chính phủ có chính sách thông thoáng, nhất quán hơn nữa hỗ trợ cho khối doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chẳng hạn như đơn giản hoá thủ tục vay, giảm thiểu thời gian thẩm tra dự án, cho bên vay được thế chấp khối tài sản trên đất và thời gian dành cho những doanh nghiệp vay tín chấp được dài hơn so với mức 6 tháng như hiện nay.