Cần có chính sách hỗ trợ cho ngành nhôm Việt Nam
Các doanh nghiệp sản xuất nhôm trong nước đang gặp nhiều khó khăn bởi sự cạnh tranh khốc liệt từ thị trường nhôm giá rẻ Trung Quốc.
Hiện nay, việc nhập khẩu nhôm giá rẻ từ Trung Quốc vào thị trường Việt Nam đang tăng ồ ạt, khiến sản phẩm nhôm trong nước khó lòng cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu cùng chủng loại. Đặc biệt về giá thành, hiện nhôm Trung Quốc đang được hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào cho hàng hoá xuất từ 9% lên 13%. Thêm vào đó, với ưu đãi hoàn thuế cao của nhôm Trung Quốc đã ảnh hưởng xấu tới doanh thu của các các doanh nghiệp sản nhôm Việt Nam. Điều này khiến các doanh nghiệp nhôm trong nước phải sản xuất cầm chừng và bán với mức giá bù lỗ, thanh toán cho phần chi phí sản xuất và nhân công nhà xưởng.
Đây là nguyên nhân từ việc dư thừa sản phẩm nhôm tại Trung Quốc, khiến nước này đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường lân cận, trong đó có Việt Nam.
Không chỉ ảnh hưởng đến thị trường trong nước, nhôm thanh định hình của Trung Quốc tràn vào với khối lượng lớn sẽ khiến "hình ảnh" nhôm Việt bị ảnh hưởng trên thị trường thế giới. Nhiều đơn hàng của Việt Nam cũng bị nghi ngờ có xuất xứ từ Trung Quốc, nhập khẩu qua Việt Nam lấy xuất xứ rồi sau đó xuất khẩu đi các nước để được hưởng lợi thuế quan.
Nhằm cạnh tranh với thị trường giá rẻ, các doanh nghiệp trong nước không còn cách nào khác phải cải tiến công nghệ, cắt giảm chi phí, tối ưu hóa sản xuất để hạ giá thành. Đây là cách duy nhất để doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh với các thị trường giá rẻ.
Tuy nhiên, Chính phủ cần có chính sách thiết thực, chủ động hỗ trợ việc điều tra chống bán phá giá với nhôm định hình từ Trung Quốc. Đồng thời, Bộ Công Thương và các cơ quan quản lý Nhà nước cần nghiên cứu, ban hành các chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp sản xuất nhôm trong nước.
PHƯƠNG THANH - ghi