Mùa xuân khởi nghiệp nghĩ về ông chủ VinGroup

Gia Huy 15/02/2018 16:30

Để Việt Nam bay cao, “những sếu đầu đàn” có thực lực, có ý chí và khát vọng đang được nhắc tới như động lực kéo các doanh nghiệp khác cùng cất cánh. Với Vingroup - doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam, khát vọng vươn xa vẫn đang được nối dài với từng bước đi cụ thể, chắc chắn của người đứng đầu – doanh nhân Phạm Nhật Vượng.

Phạm Nhật Vượng - cái tên thuộc diện được tìm kiếm hàng đầu ở Việt Nam, nhưng hiếm khi người ta thấy ông xuất hiện rình rang chốn đông người. Mọi thông tin về ông, cho đến giờ, phần nhiều là từ sự bàn tán sau những công trình, dự án “khủng” mà Vingroup không ngừng dựng xây trong hơn 10 năm qua. Người ta bảo ông giàu, ông chỉ mỉm cười. Có người nói ông đã… “chết”, ông cũng vẫn chỉ lặng lẽ nhấm nháp niềm hạnh phúc riêng của mình.

Khát vọng từ lòng tự tôn dân tộc

Là những du học sinh ưu tú được nhà nước cử đi tu nghiệp tại Đông Âu, sau khi tốt nghiệp đã chọn con đường ở lại lập nghiệp. Ông chủ VinGroup khi đó chỉ có một khát khao duy nhất là phải làm gì đó để không chỉ tồn tại được mà còn có thể giúp đỡ đồng bào nơi đất khách.

Đầu những năm 1990, với chỉ vẻn vẹn vài nghìn USD mượn từ bạn bè, ông cùng vợ đến Ukraine mở một nhà hàng rồi không lâu sau đó mở nhà máy Technocom chuyên sản xuất mỳ gói với thương hiệu đầy tự hào Mivina (Mì Việt Nam). Loại mì này nhanh chóng nổi tiếng trên thị trường thực phẩm Kharkov rồi sau đó lan ra toàn Ukraine, chiếm 85% thị phần. Mivina sau đó có mặt tại hơn 30 quốc gia như Estonia, Lithuania, Latvia, Moldova, Ba Lan, Đức, Israel... Không chỉ là bến đỗ của những lao động Việt Nam tại đây, Technocom còn là “ngôi nhà thứ hai” của gần 3.000 người lao động địa phương. Mivina - thương hiệu uy tín đến từ một đất nước nông nghiệp xa xôi vừa mới bước ra khỏi chiến tranh lại đang nhận viện trợ đã trở thành “huyền thoại khởi nghiệp tại Ukraine” - theo nhận xét của ông Michael Pilipchuk, cựu Thị trưởng Kharkov. Còn với người Việt Nam, có lẽ đây là lần đầu tiên có một thương hiệu Việt thành công đến thế tại thị trường Đông Âu.

Technocom đã góp phần nâng cao vị thế của cộng đồng người Việt tại Ukraine. Xóa đi hình ảnh những người Việt trở về Đông Âu thời kỳ đầu với những bàn là Liên Xô, quạt con cóc, áo măng tô, hay xe máy Simson… thế hệ doanh nhân cùng thời với Phạm Nhật Vượng đã trở về như những người chiến thắng với lòng tự tôn dân tộc, với tri thức, tư duy toàn cầu, trình độ quản lý hiện đại, quyết tâm viết tiếp bài ca xây dựng mà ước mơ “xây cho nhà cao cao mãi” của bao người còn dang dở.

Ông chủ VinGroup từng chia sẻ: “quan tâm của tôi là làm được cái gì cho đời, mang lại cái gì cho xã hội, cho khách hàng hoặc nói rộng ra là cho dân mình” hay như những lời bộc bạch rất chân thành trong một lần nói trò chuyện với chiến sĩ trong một Tập đoàn hàng đầu trong ngành viễn thông: “Tôi chỉ nghĩ phải làm gì cho bọn Tây nó sợ, nó không dám khinh mình”.

Tư duy toàn cầu và văn hóa “mãi mãi tinh thần khởi nghiệp”

Tại sao Technocom ngày đó lại thành công đến vậy? Có áp dụng mô hình đó vào quá trình khởi nghiệp hiện nay được không? Mỗi người trẻ khởi nghiệp đều có cho mình một câu trả lời, nhưng có một nguyên nhân thành công mà ai cũng phải thừa nhận là ngày đó Mivina đã giải quyết được “nỗi đau của thị trường”. Những gói mì mang thương hiệu Việt vừa rẻ vừa tiện lợi đã đáp ứng đúng nhu cầu mà thị trường đang rất thiếu của đất nước bên bờ biển Đen. Điều đó một lần nữa khẳng định nếu tìm ra “nỗi đau của thị trường” và đưa ra giải pháp giải quyết nó thì đó chính là điều kiện cần cho một startup thành công, câu chuyện về những gói mỳ ở Ukraine cũng một lần nữa nhắc lại bài học cho những người trẻ khởi nghiệp “hãy nghĩ thật lớn nhưng hãy bắt đầu từ việc thật nhỏ”.

Bắt đầu với tư duy toàn cầu, âu cũng là điều những người trẻ Việt Nam khởi nghiệp nên học. Với tư duy toàn cầu, tất cả các công trình, sản phẩm “mang họ VinGroup” đều được xây dựng, vận hành quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế. Nói như vậy không có nghĩa là vị doanh nhân tuổi Thân làm đâu thắng đó, ông đã từng phải nếm trải những thất bại khi đầu tư sang thị trường Ba Lan. Có lẽ cũng nhờ những bài học thời gian đầu mà trong quá trình phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, song song với tái cấu trúc, VinGroup đã thực hiện nhiều lần “khởi nghiệp” khi liên tiếp bước sang những lĩnh vực mới như y tế, giáo dục, thương mại điện tử, nông nghiệp và mới đây nhất là sản xuất ôtô và xe điện.

Có một “vết xe đổ” mà rất nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp mắc phải đó là quá trình “vượt sướng” luôn gian nan hơn quá trình “vượt khổ”. Vậy tại sao gã khổng lồ VinGroup tránh được “vết xe đổ” này? Đó chính là tinh thần, là văn hóa “mãi mãi tinh thần khởi nghiệp” lan tỏa từ vị thuyền trưởng trên “siêu chiến hạm” VinGroup.

Nói ông chủ VinGroup giàu khát vọng thật đúng và nói ông là vị doanh nhân yêu tinh thần khởi nghiệp thì càng không sai! Nhờ tinh thần “yêu” khởi nghiệp ấy mà người Việt Nam đã tiệp cận được chuẩn mực an cư của Thế giới, những bãi biển giàu tiềm năng du lịch của Việt Nam đã được trả lại đúng vị thế xứng đáng mà nó vốn có. Cùng với nhiều doanh nghiệp khác, VinGroup đã góp phần quan trọng đưa du lịch Việt Nam lên bản đồ du lịch khu vực và thế giới. Rồi một ngày không xa, những chiếc xe hơi mang thương hiệu Việt đầy tự hào sẽ lăn bánh khắp các nẻo đường đất nước, thỏa mãn khát vọng làm xe hơi còn dang dở mấy mươi năm của dân tộc.

Nếu lấy tiền là thước đo cho sự thành công của một người đàn ông, thì Phạm Nhật Vượng là một trong số những người Việt thành đạt nhất. Còn nếu cần một con số cụ thể, thì Tạp chí Forbes xếp ông ở vị trí 490 trong danh sách tỷ phú thế giới năm 2017, với tài sản 8,8 tỷ USD.

Trong cuốn sách “Quốc gia khởi nghiệp - Câu chuyện về nền kinh tế thần kỳ của Israel”, Saul Singer và Dan Senor viết: “Quốc gia khởi nghiệp luôn cần những doanh nghiệp, doanh nhân giữ mãi tinh thần khởi nghiệp”. Dù chưa xuất hiện ở bất cứ một diễn đàn startup nào nhưng “huyền thoại khởi nghiệp Ukraine” - doanh nhân Phạm Nhật Vượng đang là hình mẫu, là biểu tượng cho tinh thần khởi nghiệp của rất nhiều người trẻ Việt Nam hiện nay.

Gia Huy