Doanh nhân Thổ Nhĩ Kỳ 11 năm đón Tết ở Việt Nam
Ông Cengiz Gunaydin, Trưởng đại diện văn phòng Công ty Armondi có 11 năm sống và làm việc tại Việt Nam, đã trải qua rất nhiều lần được đón Tết cổ truyền, đến giờ mỗi lần dịp Tết đến ông lại háo hức mong chờ như chính người Việt vậy.
Ông Cengiz Gunaydin xuất thân là một cầu thủ chuyên nghiệp của đội tuyển quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi giải nghệ nhận được lời mời về công ty Armondi ông đã quyết định đến Việt Nam.
Những ngày đầu khi làm quen với một vùng đất mới, con người mới, văn hóa mới, tập quán mới, Cengiz rất bỡ ngỡ. Từ thói quen ăn uống đến nếp sống sinh hoạt tất cả đều rất khó khăn. Ông chỉ biết nói mỗi tiếng Thổ Nhĩ Kỳ nên đi đâu ông cũng sử dụng một “trợ thủ” rất đắc lực đó là “google translate”. Ông nói tiếng của quê hương ông và thông qua hỗ trợ của công nghệ để có thể diễn đạt điều ông mong muốn.
Nhưng sau hơn một thập kỷ gắn bó với Việt Nam ông tự nhận mình đã là người Việt Nam. Ông đã hiểu và thấy yêu Việt Nam như chính quê hương của mình. Ông biết được văn hóa, sở thích, thói quen của người Việt. Ông biết đi mua hàng và “mặc cả”. Ông biết nấu những món ăn của Việt Nam. Đặc biệt câu nói ấn tượng của ông mà bất kỳ ai tiếp xúc cũng thấy dí dỏm và hài hước, đó là sau mỗi lần mời bạn bè đi ăn ông đều nói rất to “em ơi, tính tiền”.
Những ngày nghỉ ông dành thời gian để khám phá các vùng miền của Việt Nam. Ông từ thiện cho các em nhỏ ở vùng cao hoặc đi cổ vũ bóng đá.
Năm nay với ông là năm đặc biệt nhất, sau rất nhiều năm đón Tết cổ truyền ông đã được một người bạn mời về nhà đón Tết cùng gia đình và trở thành một thành viên trong gia đình. Được hiểu hơn, rõ hơn về tết ở Việt Nam cũng như văn hóa của người Việt. Ông chia sẻ cảm giác ngồi trên xe khách để về nhà người bạn cho ông quá nhiều cảm xúc, ông thấy mình như một người con đi làm xa trở về với gia đình. Cũng mong ngóng và xúc động.
Khi được trực tiếp trải qua một Tết cổ truyền, được đi sâu vào trong “gia đình Việt” ông mới thấy văn hóa của người Việt rất đẹp, coi trọng văn hóa truyền thống gia đình, Tết có bữa cơm tất niên để sum vầy ấm cúng.Tết để tưởng nhớ đến cội nguồn.Tết bạn bè người thân có dịp thăm hỏi sức khỏe chúc nhau những lời chúc tốt đẹp nhất.
Được trải nghiệm một Tết cổ truyền thực sự, ông biết đến những món ăn không thể thiếu của người Việt trong những ngày Tết như bánh chưng, dưa hành hay ngày Tết phải có hoa đào, cây quất, mâm ngũ quả… đặc biệt là tục xông nhà. Ông được sống trong những ngày bản thân như một người Việt, được chúc mừng bình an, được tặng lì xì, được đón tiếp ân cần và được hiểu về sự khác biệt văn hóa vùng miền trong Tết cổ truyền.
Trao đổi với phóng viên Báo Diễn đàn doanh nghiệp về dự định có gắn bó ở Việt Nam lâu không? Ông Cengiz đã không ngần ngại trả lời: “Tôi sẽ ở Việt Nam đến khi nào tôi không còn khả năng làm việc. Đây là quê hương thứ hai của tôi. Tôi yêu mảnh đất nơi này và con người nơi này, tôi sẽ cố gắng xúc tiến nhiều hợp tác thương mại giữa hai nước hơn nữa”.
Ông cũng rất muốn chia sẻ về Tết của Thổ Nhĩ Kỳ, một đất nước có một lịch sử hào hùng, một đế chế biểu tượng cho một tính cách điển hình cũng rất mến khách và có một nền văn hóa đặc sắc, đặc trưng. Ông kỳ vọng trong tương lai không xa Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là một điểm đến du lịch được ưa chuộng của người Việt Nam và sẽ được nhiều người Việt Nam đón nhận.
Ông Cengiz thông qua báo Diễn đàn doanh nghiệp được chúc mừng năm mới : “Tôi chúc đất nước Việt Nam xinh đẹp, hiếu khách một năm mới có nhiều thay đổi, kinh tế phát triển, nhân dân no đủ. Tôi cũng chúc những người nước ngoài ở Việt Nam đón Tết giống tôi được mạnh khỏe, hạnh phúc. Chúc các kiều bào xa quê chưa về kịp cũng đón Tết vui vẻ. Đặc biệt tôi chúc các doanh nhân như tôi năm mới "phát tài" hơn nữa”.