Khởi nghiệp bằng chữ "Tâm", thành công nhờ chữ "tín"

Lan Phương 11/07/2018 16:21

"Vạn sự khởi từ tâm - Lấy chữ tín làm đầu", đó là triết lý kinh doanh thành công sau 14 năm điều hành doanh nghiệp của doanh nhân Lê Thanh Nghị - TGĐ Công ty Vietmed.

Doanh nhân Lê Thanh Nghị - TGĐ Cty TNNH Vietmed

Doanh nhân Lê Thanh Nghị - TGĐ Cty TNNH Vietmed

- Ra đời vào vào năm 2005, trước khi nền kinh tế Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO. Vietmed đã tận dụng được cơ hội gì vào thời điểm này, thưa ông?

Vào thời điểm đặc biệt đó, chúng tôi - một nhà nhập khẩu và phân phối trang thiết bị y tế công nghệ cao tại Việt Nam - đã tận dụng được những cơ hội rất tốt mà nền kinh tế mở cửa mang lại, cũng như đã phải nếm trải nhiều cung bậc khó khăn chung của các doanh nghiệp nhỏ để đến được những thành công.

Để có được thành công như ngày hôm nay, chúng tôi đã trải qua một hành trình thấm đẫm bao mồ hôi, công sức và sự tâm huyết, đặc biệt  người đứng đầu doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều đặc biệt hơn hết đó là sứ mệnh doanh nghiệp Vietmed cần mang lại cho xã hội - đó chính là các giá trị cốt lõi: Sản phẩm tốt – Dịch vụ chuyên nghiệp, luôn gắn liền với “Chữ Tâm”

Thị trường y tế hiện có rất nhiều các sản phẩm đa dạng khác nhau, chủ yếu nhập khẩu từ nước ngoài, người làm thương mại trong ngành y như chúng tôi cần có tâm và có tầm. Cụ thể, phải nghiên cứu sâu và chính xác về nhu cầu thực của thị trường trong nước, rồi ra nước ngoài tìm hiểu nguồn cung sản phẩm để đưa những sản phẩm phù hợp nhất về công nghệ, giá cả và đặc biệt đảm bảo được chất lượng tốt cho người sử trong nước.

- Ngành y tế Việt Nam có trên 80% là đầu tư công, trong khi tư nhân chỉ có khoảng 20%. Vietmed đã làm cách nào để vượt qua "rào cản" này?

Chúng tôi đã xác định, mở doanh nghiệp về thiết bị y khoa sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức, vì đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện liên quan trực tiếp đến sức khoẻ con người. Sau khi hoàn thiện năng lực đáp ứng các điều kiện của ngành, thách thức lớn tiếp theo đó là tạo dựng niềm tin trong mối quan hệ với các cơ sở y tế.

Việt Nam vẫn là nền kinh tế thiên về quan hệ, đặc biệt là mua sắm công. Ngành y tế Việt Nam có trên 80% là đầu tư công, trong khi tư nhân chỉ có khoảng 20%. Đây là rào cản rất lớn đối với các doanh nghiệp tư nhân bán hàng cho khối y tế công lập. Tuy nhiên, doanh nghiệp đã không ngừng vươn lên khẳng định uy tín qua chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ mình cung cấp và để tạo lợi thế riêng có cho Vietmed.

Các lãnh đạo đã đồng lòng tập trung đầu tư vào việc học hỏi để nâng cao hiểu biết về thị trường, nhu cầu thực tế, trình độ sử dụng thiết bị của bác sỹ Việt Nam, từ đó đánh giá thiết bị nào là phù hợp nhất với người vận hành để nhập khẩu.

- Để thành công thì doanh nghiệp cần hội tụ rất nhiều yếu tố. Đối với ông, yếu tố nào là quan trọng nhất?

Khi làm việc cho các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, tôi đã học được tính nhân văn và tính quản trị có kỷ luật rất tốt từ họ. Áp dụng mô hình quản trị doanh nghiệp hiện đại và các thước đo sử dụng thiết thực khi đánh giá hoạt động nội bộ theo mục tiêu đề ra đã giúp chúng tôi luôn đi đúng hướng.

Ngoài ra, để doanh nghiệp tăng trưởng và phát triển bền vững, mình phải biết chia sẻ những lợi ích doanh nghiệp đạt được cho đồng nghiệp, cho nhân viên của mình. Chúng tôi luôn có chế độ đãi ngộ tốt, lương, thưởng phân bổ rất xứng đáng để đảm bảo được đời sống cho cán bộ nhân viên yên tâm làm việc.

- Chiến lược phát triển của Vietmed trong thời gian tới là gì, thưa ông?

Hiện nay, các thiết bị y tế ở Việt Nam trên 80% là nhập khẩu. Cá nhân tôi mong muốn làm sao để nội địa hóa được một số sản phẩm trang thiết bị y tế tại Việt Nam. Vì vậy, chiến lược của Vietmed trong thời gian tới là hướng đến hợp tác với một số doanh nghiệp nước ngoài triển khai xây dựng cơ sở sản xuất, lắp ráp các thiết bị y tế tại Việt Nam.

- Xin cảm ơn ông!

Lan Phương