Khát vọng ô tô Việt và hiện thực phũ phàng của ông chủ Vinaxuki

Theo Giao thông 15/02/2019 07:42

Ông chủ Vinaxuki chỉ cần 40 tỷ đồng khôi phục lại toàn bộ máy móc, dây chuyền sản xuất và 20 tỷ nữa để đào tạo cho 5.000 công nhân trong 2 năm.

Chị P. - bảo vệ duy nhất của nhà máy Công ty CP Ô tô Xuân Kiên - Vinaxuki tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, Vĩnh Phúc mời khách cắn hạt hướng dương, rồi gọi điện thoại, sau đó hướng dẫn PV băng qua đoạn đường nhà xưởng hoang lạnh để vào gặp Chủ tịch công ty Bùi Ngọc Huyên.

Ông Huyên bên chiếc xe còn lại

Ông Huyên bên chiếc xe còn lại

“Họ bán máy móc nhà máy với giá sắt vụn”

Ông Bùi Ngọc Huyên, Chủ tịch Vinaxuki ở sâu trong khuôn viên nhà máy. Căn nhà 3 tầng màu vàng hoen ố tĩnh mịch chỉ cách cánh đồng một bức tường mười. Trong bộ vest chỉn chu, ông chủ thương hiệu Vinaxuki nhớ lại: Từ nhà máy sản xuất khuôn mẫu và phụ tùng ô tô, tháng 4/2004, doanh nghiệp được Thủ tướng Chính phủ cấp giấy phép sản xuất, lắp ráp xe ô tô các loại. Theo công suất thiết kế, nhà máy có thể sản xuất ra 30 nghìn xe/năm, tạo công ăn việc làm cho hơn 9.000 lao động. Vinaxuki có thể nội địa hóa xe 4 chỗ với tỷ lệ 50%, xe tải trên 40%.

Ông Huyên cho biết, đến giai đoạn 2011-2012 đã lên kế hoạch cổ phần hóa nhà máy tại Thanh Hóa cho hai nhà đầu tư sản xuất xe khách và xe tải nhẹ. Còn nhà máy Thái Nguyên mời nhà đầu tư vào phát triển thành cụm công nghiệp sản xuất phụ tùng ô tô. Nhà máy ở Vĩnh Phúc sản xuất thân, vỏ xe hình thành chuỗi sản xuất liên tục. “Hồi đó có hai đối tác nước ngoài tha thiết muốn tham gia. Nếu không xảy ra vụ việc như thế thì đến nay tôi đã thu hút hàng chục đối tác chiến lược và bán cổ phiếu trên thị trường”, ông Huyên lần đầu nói về kế hoạch dài hơi hồi đó trong sự tự hào xen lẫn tiếc nuối.

“Vụ việc” mà ông Huyên nhắc tới là khoản nợ ngân hàng 1.472 tỷ đồng từ năm 2012. Nguyên nhân, theo ông Huyên là do 3 ngân hàng đồng loạt dừng cho vay giữa chừng khiến nhà máy bị chặn vốn lưu động đột ngột, hoạt động doanh nghiệp đóng băng. Năm 2015, Vinaxuki đã phải rao bán nhà máy ở Mê Linh để trả nợ, thậm chí bán phần lớn phế liệu, phụ tùng, máy móc để duy trì lương công nhân…

Trong hai năm 2017 và 2018, một ngân hàng TMCP Nhà nước đã bán tài sản đảm bảo là một số máy móc thiết bị trừ nợ và còn lại số nợ 1.315 tỷ đồng. 2 năm qua cũng có một số nhà đầu tư tìm đến nhà máy gặp ông Huyên đàm phán nhưng họ chủ yếu muốn mua lại máy móc dưới dạng chẻ nhỏ và giá... sắt vụn. Thậm chí, có nhà đầu tư chỉ quan tâm tới đất và muốn mua để chuyển thành dự án bất động sản thương mại. Ông Huyên không đồng ý. Thương vụ đáng chú ý nhất là một doanh nghiệp ô tô lớn trong nước đã khảo sát và đưa ra giá mua lại toàn bộ các dây chuyền của nhà máy ô tô với giá 670 tỷ đồng để phát triển thương hiệu ô tô của họ nhưng đáng tiếc đối tác ngoại của doanh nghiệp này đã không đồng ý và yêu cầu nhập khẩu toàn bộ dây chuyền từ chính quốc.

Rìa sân nhà máy, cỏ mọc um tùm chen lấn vài cụm hoa còi cọc còn lại

Rìa sân nhà máy, cỏ mọc um tùm chen lấn vài cụm hoa còi cọc còn lại

"Một người tâm huyết như thế thất bại rất đáng buồn…”

Trong nhà máy của ông Huyên còn một chiếc xe con 4 chỗ duy nhất vẫn để trong nhà xe. “Cái xe này tôi đã chạy trong nhà máy, chạy thử 20 nghìn cây số rồi, rất ổn, rất bền. Thân, vỏ xe không bị bong tróc, hư hỏng chỗ nào, suốt từ năm 2011 đến giờ cũng không han gỉ”, ông nói với cảm xúc trìu mến.

Trong căn phòng làm việc rộng hơn 10m2 có một chiếc ô tô mô hình mới được bóc ra khỏi hộp. Ông Huyên vừa dọn vừa nói, đây là mô hình xe tải nặng của liên doanh ô tô giữa đơn vị của Việt Nam với công ty Trung Quốc tên J. “Họ mới từ miền Nam ra thăm nhà máy và tặng tôi mô hình này”, ông Huyên nói. Ông kể, khi thương hiệu này mới sang Việt Nam thành lập liên doanh cũng là thời điểm tiêu thụ dòng xe tải của Vinaxuki ở vị trí top đầu thị trường trong nước. Tuy nhiên, nay Vinaxuki đóng cửa nhà máy thì thương hiệu này đã phát triển vững chắc ở cả ba dòng tải nặng, tải nhẹ và xe du lịch, đồng thời tiến thẳng ra thị trường miền Bắc.

Câu chuyện “đứt gánh giữa đường” của Vinaxuki rộ lên, thu hút rất nhiều sự quan tâm của dư luận. Ông Phạm Anh Tuấn, khi đó là Phó vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (nay là Cục Công nghiệp), Bộ Công thương đã thẳng thắn nhìn nhận: Ngày trước, doanh nghiệp làm xe tải ở nhà máy tại Thanh Hóa rất tốt và nếu tiếp tục giờ có thể có hàng nghìn tỷ đồng. Nhưng Vinaxuki lại chuyển hướng sang đầu tư lớn chế tạo khuôn mẫu để sản xuất xe con, chế tạo 4.000 tấn khuôn mẫu. Ngay sau đó, thị trường khó khăn, gặp hạn về tài chính nên dự án không khả thi, không ra được sản phẩm.

“Cái khó của bác Huyên là làm xe tải nội địa hóa rồi chuyển sang xe con. Xe con thì các hãng khác làm nhiều quá rồi, Vinaxuki đi sau làm sao cạnh tranh được. Chúng tôi đã xuống tận nơi xem sản phẩm. Khó đánh giá chất lượng, vì đánh giá phải hoàn chỉnh sản phẩm rồi qua đăng kiểm để xác nhận có đủ tiêu chuẩn kỹ thuật không, sau đó mới đưa ra thị trường. Tuy nhiên, cũng phải nói thật, ôtô con của Vinaxuki chỉ là giống... ôtô thôi, trong khi ôtô là sản phẩm cực kỳ phức tạp, đòi hỏi công nghệ cao”, ông Phạm Anh Tuấn nói.

Được biết, khi đó Bộ Công thương cũng đã nhiều lần hỗ trợ doanh nghiệp về mặt chính sách như các năm: 2010, 2012, 2013, 2015, Bộ có gửi văn bản lên Văn phòng Chính phủ đề nghị xem xét cho doanh nghiệp cơ cấu chuyển khoản nợ vay đầu tư cả gốc và lãi là 630 tỷ đồng nhưng không có cơ sở pháp lý để xem xét. Hay, Bộ Công thương đã ít nhất là 5 lần xuống công ty xem xét các dự án, đồng thời mời một số công ty khác xem xét, mua lại dự án của Vinaxuki để tạo tài chính cho họ làm ăn tiếp, nhưng không hiểu sao khách hàng không muốn mua.

“Một người tâm huyết như thế thất bại rất là đáng buồn. Nhưng nó do thị trường, do nhiều cái bất khả kháng, cũng có thể là do doanh nghiệp không hiểu về quy trình đầu tư”, ông Phạm Anh Tuấn tiếc nuối.

Vẫn đau đáu giấc mơ ô tô

Ông Huyên bảo, ngày ấy nếu được tiếp tục vay vốn, thậm chí chỉ 200 tỷ đồng với chưa đầy 10% công suất, trong 3 năm nhà máy sẽ trả hết nợ. Nhưng nghiệt ngã vì thời gian không thể quay lại. Còn hiện tại? “Hiện tại, bán tài sản của nhà máy nhưng phải đấu giá qua công ty mua bán nợ (thay vì bán thỏa thuận như trước). Bán đấu giá xong thì tôi hết nợ.

“Nếu bán hết nợ xấu, xử lý xong câu chuyện nhà máy, ông sẽ làm gì?”, PV hỏi. “Lúc ấy, tôi sẽ xem tôi còn cái gì, còn tiền đầu tư không. Tôi sẽ bảo con cái tôi tiếp tục làm. Bây giờ có đối tác họ muốn đặt tôi sản xuất cho họ 1 năm 20 nghìn xe taxi, trong đó một nửa là xe chạy điện. Tôi nghĩ tôi làm được vì tôi có khuôn. Nếu đối tác nào đấu thầu mua nhà máy này thì những khuôn làm ra mẫu của tôi họ không làm được, họ sẽ bán ra sắt vụn. Còn nếu có tiền, tôi sẽ mua trở lại, để dập thân vỏ xe. Khi đã có thân vỏ xe rồi, tôi chỉ cần mua động cơ rồi lắp thành xe hoàn chỉnh”, ông Huyên nói và tự tin, ông chỉ cần 40 tỷ đồng khôi phục lại toàn bộ máy móc, dây chuyền sản xuất và thêm 20 tỷ nữa để đào tạo cho 5.000 công nhân trong 2 năm. “Tôi có thể khôi phục được, bởi vì tôi đầu tư, tôi đẻ ra nó, tôi sử dụng nó, tôi biết nó hư hỏng chỗ nào”, người kỹ sự già khẳng định.

Mùa hè năm 2016, khi nhà máy hoàn tất những chiếc xe cuối cùng trước khi ngừng hẳn, vẫn còn một số công nhân trung thành, kiên trì chờ đợi và hy vọng một ngày nhà máy sẽ có vốn và phục hồi sản xuất. Thậm chí, có công nhân bảo dưỡng còn thuê đất, dựng tạm lán tôn bán trà đá kiếm sống qua ngày ngay trước cửa nhà máy để chờ ngày trở về xưởng. Nhưng đến nay, khi liên hệ với những công nhân này, người đã về quê, người chuyển nghề.

Đoạn đường ra cổng nhà máy chỉ chừng 200m, ông Huyên kiên quyết tiễn PV. Ông Huyên nói: “Tôi không có tội. Đời tôi, tôi chưa làm hại, chưa lừa ai bao giờ!”.

Theo Giao thông