“Thú điền viên” của Anh hùng Ba Sương
Năm nay bà Ba Sương bước sang tuổi 72, nhưng bà vẫn tự mình điều hành Công ty TNHH Ba Sương-Thống Nhất, chuyên chế biến nông sản xuất khẩu với nhiều dự tính mới mẻ.
LTS: Tại cuộc gặp mặt các nữ doanh nhân tiêu biểu, là thành viên Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 109 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 tại trụ sở Chính phủ vừa qua, Thủ tướng dẫn lại lời của nhà văn Nga Macxim Gorki: “Đời vắng mẹ hiền, không phụ nữ - Anh hùng, thi sĩ hỏi còn đâu?”. Nhân dịp này, DĐDN xin được khắc họa chân dung các doanh nhân nữ từ những góc nhìn mới, đã không ngừng nỗ lực, đóng góp vào sự phát triển, vươn tầm của Việt Nam trên trường quốc tế. BBT mong nhận được các bài viết về họ - những nữ anh hùng trên mặt trận kinh tế về địa chỉ: toasoan@dddn.com.vn
Đầu năm mới, hay tin bà Ba Sương (Trần Ngọc Sương- Anh hùng Lao động, nguyên Giám đốc Nông trường Sông Hậu) sau nhiều sóng gió, đang “vui thú điền viên” ở tỉnh Đồng Nai, chúng tôi đi thăm đã gặp cảnh chế biến nông sản xuất khẩu.
Cơ sở chế biến nông sản xuất khẩu ở ấp Võ Dõng, xã Gia Kiệm (Thống Nhất, Đồng Nai), cách trung tâm TP. Hồ Chí Minh chừng 80 cây số.
Ba Sương - Thống nhất
Ông Nguyễn Sơn Phát, nguyên Trưởng trạm ở TP. Hồ Chí Minh kiêm phụ trách Phân xưởng Đồ hộp Gia Kiệm của Nông trường Sông Hậu, nhớ lại hơn hai chục năm trước, vùng Gia Kiệm còn nhiều mỏ khai thác đá, dân cư thưa thớt nên đất rẻ.
Cha của bà Ba Sương là ông Trần Ngọc Hoằng (Anh hùng Lao động, Giám đốc Nông trường Sông Hậu trước bà Ba Sương) nhìn thấy tương lai phát triển vùng đất, khi có cơ hội đã quyết định mua hơn 8.000 m2. Mua bán đất cần nhanh chóng nên bà Ba Sương xuất tiền túi trả và đứng tên sổ đỏ mảnh đất, dự tính sau đó Nông trường Sông Hậu hoàn lại tiền và sang tên.
“Có đất, Nông trường Sông Hậu mở Phân xưởng Đồ hộp Gia Kiệm làm chuối sấy khô xuất khẩu, khá hiệu quả. Tuy nhiên, diễn ra việc thanh tra Nông trường Sông Hậu thì lãnh đạo Cần Thơ không cho Nông trường trả tiền mua mảnh đất. Đến khi khởi tố vụ án ở Nông trường, Phân xưởng Đồ hộp Gia Kiệm dừng hoạt động, nhà xưởng hoang tàn. Rồi vụ án được đình chỉ, bà Ba Sương không có nhà cửa ở đâu, nhờ còn mảnh đất tại Gia Kiệm đứng tên nên đến sinh sống. Bà khôi phục việc chế biến nông sản xuất khẩu với sự ra đời Công ty TNHH Ba Sương-Thống Nhất”, ông Phát kể.
“Công ty chủ yếu chế biến sấy khô xoài và đóng hộp chôm chôm xuất khẩu, hiện có hơn trăm công nhân”, anh Lê Bảo Quốc là cán bộ văn phòng Công ty TNHH Ba Sương -Thống Nhất cho biết.
Anh Quốc 29 tuổi, tốt nghiệp cao đẳng kế toán, vốn là cán bộ phụ trách công tác lao động-thương binh-xã hội xã Gia Kiệm, thành người của Công ty từ một câu chuyện nghĩa tình.
Khi bà Ba Sương trở lại mảnh đất thì nhà cửa đã hoang tàn, dột nát, muốn xây dựng lại cần 2-3 tỷ đồng. Bà không có tiền, người quen thân hỗ trợ chỉ mức độ, thì gặp cha của Quốc làm nghề xây dựng, cho biết có thể sửa chữa với hơn một tỷ. Sửa chữa thành công, gia đình Quốc trở nên thân thiết với bà Ba Sương và Quốc về Công ty làm việc. Quốc giới thiệu vùng đất Gia Kiệm nói riêng và huyện Thống Nhất nói chung từ khi dẹp bớt các mỏ khai thác đá đã trồng nhiều loại cây ăn trái như chôm chôm, xoài, điều, bơ, bưởi, chuối và nhiều cơ sở chế biến nông sản mọc lên, tuy nhiên theo thời gian hầu hết cũng phá sản.
Riêng cơ sở chế biến nông sản của Công ty TNHH Ba Sương-Thống Nhất hoạt động đang tấn tới. Anh cán bộ kỹ thuật Nguyễn Phú Khánh của Công ty cho biết, xoài được sấy bằng lò, trước chỉ một lò nay đã có hai với tổng công suất một ngày sấy 14 tấn, tức là gần 100 tấn xoài trái nguyên liệu. Một năm chế biến xoài trong 9 tháng, còn 3 tháng chế biến chôm chôm đóng hộp. Với chôm chôm, một ngày chế biến khoảng 7 tấn nguyên liệu, được 1,7 tấn sản phẩm đóng chừng 1.000 hộp xuất khẩu.
“Vẫn giong thuyền ra khơi”
Văn phòng Công ty NHHH Ba Sương-Thống Nhất được sửa từ nhà xe thời làm chuối sấy xuất khẩu. Gian nhà rộng, bên này đặt các máy vi tính cho nhân viên văn phòng làm việc, bên kia là chiếc bàn dài để họp hành, ở giữa đặt bàn trà và phía trong là bàn ăn cơm. Không khí ấm áp như gia đình. Anh Nguyễn Phú Khánh tươi cười, vợ và con 8 tuổi ở tỉnh Hậu Giang, anh lên đây làm việc, ăn nghỉ tại chỗ, tháng về quê lần.
Anh Khánh năm nay 37 tuổi, trước đây đã làm việc cho bà Ba Sương nhưng ở Công ty TNHH Ba Sương-Long Mỹ tại tỉnh Hậu Giang. Bởi khi thoát khỏi vòng tố tụng, ban đầu bà Ba Sương lo khôi phục cơ sở chế nông sản của Nông trường Sông Hậu ở huyện Long Mỹ sắp phá sản, bằng cách tìm người có tiền mua lại. Cơ sở ở Long Mỹ hoạt động ổn định với hơn 200 công nhân, bà mới tập trung lo cơ sở ở Gia Kiệm. Hiện bà là chủ cơ sở ở Gia Kiệm còn cơ sở ở Long Mỹ chỉ làm Giám đốc, nhưng giao hai phó giám đốc trực tiếp giải quyết công việc hàng ngày, bà điều hành qua mạng và thỉnh thoảng đi xuống kiểm tra.
Dẫn khách tham quan hoạt động chế biến xoài đang vào mùa, bà khoe, nhà xưởng chưa khang trang nhưng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng của các thị trường. Sân bãi vào ra hàng cao ráo, có cây xanh tỏa bóng mát xen lẫn những khóm hoa tươi. Trong nhà dây chuyền sản xuất sắp xếp khoa học từ cắt gọt, sấy, thanh trùng đến bao gói. Qua nhiều công đoạn, từng lát xoài sau khi sấy trở nên thơm dẻo, vàng ươm và bà cho biết, chế biến đang không đủ đáp ứng đơn đặt hàng.
Bà bộc bạch: “Chế biến xoài một năm chỉ được 9 tháng vì theo mùa trái cây, tôi đang có kế hoạch trữ vào kho lạnh để chế biến được 3 tháng còn lại, sản xuất quanh năm, nâng cao đời sống công nhân”. Hiện công nhân chủ yếu còn làm công nhật, có người làm buổi. Khi dự trữ được nguyên liệu, sản xuất ổn định hơn sẽ hợp đồng lao động dài hạn, thực hiện đầy đủ các chế độ bảo hiểm.
Chuyện trò vui vẻ, bà tâm sự, lo được việc làm ổn định cho nhiều người là điều bà đang thỏa mãn nhất. Lời tâm sự khiến nắng xuân thêm ấm áp. Đường đến đây nếu tính từ ngã ba Dầu Giây ngoài Quốc lộ 1A, rẽ Quốc lộ 20 hướng lên Đà Lạt vài chục cây số có con đường nhỏ đi vào. Đoạn đầu con đường nhỏ gập ghềnh sỏi đá nhưng vào trong phẳng phiu thảm nhựa, đi vài cây số tới Công ty TNHH Ba Sương-Thống Nhất.
Vượt đoạn đường nhỏ ấy cũng như cả chặng đường từ TP. Hồ Chí Minh hoặc xa hơn là từ Nông trường Sông Hậu ở Cần Thơ để thăm bà Ba Sương sau bao sóng gió cuộc đời, chúng tôi ngỡ sẽ gặp cảnh “vui thú điền viên”. Năm nay bà bước sang tuổi 72. Nhưng lại gặp không khí nhộn nhịp chế biến nông sản xuất khẩu với nhiều dự tính mới mẻ của bà. Cựu phóng viên TTXVN Trần Khánh Linh xúc động, đã làm bài thơ tặng bà, có câu: “Tưởng về vui thú điền viên/Nhưng không! Chị vẫn giong thuyền ra khơi”.