[Diễn đàn cảm xúc 30/4] Doanh nhân Nguyễn Bá Ngư: Từ chiến trường đến thương trường

Minh Hương 30/04/2019 05:00

Ở tuổi 75, thay vì vui vầy bên con cháu thì ông Nguyễn Bá Ngư vẫn nhạy bén kinh doanh,

điều hành hàng loạt cơ sở sản xuất kinh doanh gia đình, dạy nghề và giúp đỡ hàng ngàn con em gia đình chính sách có nghề nghiệp ổn định.

Gặp ông Ngư tại nhà riêng (Khu dân cư Cam Lộ 6, phường Hùng Vương, quận Hồng Bàng, Hải Phòng), ít ai có thể ngờ rằng ông lão giản dị, hơi lãng tai ấy lại là một chủ doanh nghiệp thành đạt, ngày ngày vẫn điều hành công việc kinh doanh.

br class=

Ông Nguyễn Bá Ngư hướng dẫn đoàn đại biểu cựu chiến binh thành phố Hải Phòng thăm xưởng sản xuất cấu kiện thép nhà tiền chế.

- Tháng 4/1964, đang ở cái tuổi “gân đang săn và thớ thịt căng da”, người thanh niên Nguyễn Bá Ngư nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ Quốc lên đường tòng quân.
- Tháng 12/1967, sau hơn 5 tháng đi bộ hành quân ròng rã từ Bắc vào Nam, ông được phân về Đoàn 349 Long An, trong đội trinh sát nội địa.
- Tham gia cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân – 1968, Nguyễn Bá Ngư một mình bắn cháy 2 xe thiết giáp, được phong tặng danh hiệu “Dũng sỹ diệt Mỹ”. Năm 1969, ông lại lần nữa được phong tặng Danh hiệu này.
- Trong những năm tháng chiến đấu, ông Nguyễn Bá Ngư hai lần bị thương. Lần nặng nhất vào năm 1969, trong một trận đánh ông bị bom vùi, gẫy xương đùi, một mảnh đạn găm vào sọ não, mảnh khác găm vào cột sống khiến ông bị liệt suốt 19 tháng. Mặc dù vết thương khá nặng nhưng phục viên trở về quê hương, ông chỉ nhận xếp thương binh hạng ¾ với lý do “để còn có điều kiện tham gia công tác, cống hiến cho xã hội”.
- Qua nhiều vị trí công tác, ông được điều về làm Trưởng ban Chính sách – Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP Hải Phòng. Những năm tháng tại chức, bàn chân ông ghi dấu khắp Hải Phòng để tìm hiểu và giúp đỡ những đồng đội của mình được hưởng chính của Nhà nước.
- Với mong muốn có đủ khả năng để giúp đỡ đồng đội và gia đình họ, ông nảy ra ý tưởng “phải làm kinh doanh”. Ông Ngư quyết định xin về hưu sớm và “khởi nghiệp” ở tuổi 50.

Từ “binh” đến “thương”

Trò chuyện với chúng tôi, ông Ngư chia sẻ: “Chứng lãng tai của mình là do ảnh hưởng của mảnh đạn hiện vẫn nằm ở sọ não”.

Những năm tháng chiến đấu tại chiến trường B2 đã tôi luyện cho người thanh niên đất Cảng bản lĩnh vượt mọi khó khăn, quyết tâm vượt lên hoàn cảnh. Ông Ngư tự nhủ, phải có tiền, có điều kiện giúp đỡ đồng đội. Nhưng làm cách nào? Câu hỏi đó khiến ông Ngư trăn trở suốt một thời gian dài.

Nhận thấy quê mình – làng Cam Lộ có nghề truyền thống cơ khí, ông Ngư quyết tâm học nghề. 50 tuổi ông mới bắt đầu lập nghiệp từ hai bàn tay trắng. Nhiều người không tin một người mang trên mình thương tật hạng ¾ lại vốn là công chức Nhà nước, có thể làm thành công một ngành đòi hỏi kỹ thuật, sự tinh xảo và sức khỏe.

Nghiên cứu sách vở và học hỏi thực tế, ông Ngư bắt tay vào sửa chữa máy móc thiết bị cho các công trình, các doanh nghiệp đánh cá và vận tải nhỏ… Sau một thời gian học và làm thuê cho các doanh nghiệp tư nhân, ông Ngư quyết định mở Xưởng sản xuất riêng, chuyên gia công, sản xuất linh kiện máy móc. Ông đã vận động một số con em của đồng đội cũ học nghề cơ khí vừa giúp xưởng sản xuất giải quyết vấn đề nhân công, vừa tạo việc làm cho họ.

Một xưởng sản xuất nhỏ ra đời đúng thời điểm Nhà nước đổi mới cơ chế kinh tế nhiều thành phần. Chính sách mới của Nhà nước đã giúp các doanh nghiệp nhỏ như doanh nghiệp ông được “cởi trói”.

Trong đà phát triển đó, năm 1995, ông Ngư quyết định thành lập Công ty Mạnh Huyền – Quyết Thắng, đến năm 2002 thành lập thêm Công ty Đức Hiếu và Công ty Trung Hiếu. Đến nay, ông đã thành lập Tổng công ty Thương binh Tự lập - Quyết Thắng với 7 cơ sở sản xuất và 2 cửa hàng kinh doanh các mặt hàng cơ khí, phụ tùng máy móc, xe cơ giới… Ông vẫn giữ vai trò chính trong chỉ đạo sản xuất kinh doanh của các cơ sở. Hơn 40 con em gia đình chính sách cùng hàng trăm lao động xã hội được ông giúp đỡ có việc làm với thu nhập bình quân 7-8 triệu đồng/tháng. Mỗi năm, doanh nghiệp luôn hoàn thành nghĩa vụ thuế cho Nhà nước (300-400 triệu đồng/năm) và đóng góp với địa phương.

Thấm nỗi đau của những đồng đội đã ngã xuống, người thương binh-CCB- doanh nhân Nguyễn Bá Ngư luôn cố gắng giúp đỡ con em đồng đội mình “đổi đời” bằng đào tạo nghề cho họ.

“Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng” - lượng sức mình, luôn tìm ra thị trường ngách và hướng đi riêng cho doanh nghiệp mình, ông đã đưa công ty của mình trụ vững, phát triển.

Khi ấy, những người thợ cơ khí cùng thời với ông chưa nghĩ tới một thị trường rộng mở hơn: các công ty đóng tàu vận tải nội địa, các công trình xây dựng, phụ tùng máy móc xe cơ giới, máy sản xuất nông nghiệp… Bởi vậy, ông quyết định đưa doanh nghiệp phát triển theo hướng chuyên gia công, sản xuất linh kiện máy móc, đặc biệt là máy tàu thủy nhỏ và sản phẩm xây dựng dân dụng. Theo ông, “tính chất lâu dài và nhu cầu của xã hội ảnh hưởng rất lớn tới sự sinh tồn của doanh nghiệp. Chỉ khi hiểu rõ thị trường, doanh nghiệp mới phát triển”.

Đau đáu nỗi lo cho đồng đội

Từ khi lập nghiệp tới nay, ông Ngư đã trực tiếp dạy nghề cho gần 2.000 con em thuộc diện chính sách. Trong số đó có nhiều người nay thành đạt, trở thành chủ doanh nghiệp.

Chia sẻ về sự tri ân của những học trò cũ, ông rưng rưng xúc động: “Ngày lễ tết, khi ốm đau, học trò cũ nay làm giám đốc, sự nghiệp vững vàng quay về thăm hỏi, coi tôi như ruột thịt… Con cháu quay quần thành đại gia đình. Tôi thấy mình may mắn, hạnh phúc hơn đồng đội nhiều lắm!”.

Từng là cán bộ chính sách, bản thân lại là Thương binh – CCB, ông Nguyễn Bá Ngư vẫn đau đáu về đồng đội và gia đình của họ. Ông cho rằng, những năm gần đây Hải Phòng đã quan tâm hơn đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, nhất là chế độ quà cáp, thăm hỏi. Tuy nhiên, những chế độ đó vẫn còn mang tính “nhỏ giọt”, chưa thực sự thỏa đáng, hiệu quả tới các đối tượng.

Theo ông, nên có sự phân loại theo mức độ thương tật và hoàn cảnh gia đình để có mức hỗ trợ hợp lý thay vì bình quân như hiện nay. Không chỉ thăm hỏi lễ tết mà địa phương cần có sự hỗ trợ, giúp đỡ, nhất là công ăn việc làm đối với con em gia đình chính sách. Ông Ngư cho rằng thanh niên xung phong hiện là đối tượng thiệt thòi nhất vì chưa có sự quan tâm đúng mức.

Thấm nỗi đau của những đồng đội đã ngã xuống, người thương binh-CCB Nguyễn Bá Ngư luôn cố gắng giúp đỡ con em đồng đội mình “đổi đời”.

Cùng với việc đào tạo nghề cho con em gia đình chính sách, ông Ngư vẫn luôn quan tâm đến công tác từ thiện, giúp đỡ người nghèo. Mỗi năm, ông chi gần 100 triệu đồng cho các hoạt động thiện nguyện vì cồng đồng. Năm 2018, ông đã xây nhà tình thương (trị giá hơn 120 triệu đồng) với đầy đủ tiện nghi tặng cụ Nguyễn Thị Thủy, một người tàn tật cô đơn tại phường Hùng Vương, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng

Chia tay ông Nguyễn Bá Ngư, chúng tôi thầm cảm phục sự nhạy bén trong kinh doanh và tấm lòng rộng mở của người lính bộ đội Cụ Hồ năm xưa. Nhờ có những người như ông mà tình đồng đội, tình người luôn được lan tỏa.

Minh Hương