Doanh nhân Mai Hữu Tín chia sẻ chuyện ứng xử với nhân sự

Theo Trí thức trẻ 14/05/2019 20:36

Câu chuyện là ông chủ không nên để “lộ” chuyện mình ứng xử với nhân sự mới như thế nào mà vẫn tôn trọng được nhân sự cũ.

Các ông chủ nhìn vào đội ngũ hiện tại của mình. Một người cũ làm một năm lãi 1 tỉ đồng, ông chủ doanh nghiệp nhìn thấy một nhân sự mới về chỗ đó có thể làm ra 3-5 tỉ đồng. Câu chuyện là ông chủ không nên để “lộ” chuyện mình ứng xử với nhân sự mới như thế nào mà vẫn tôn trọng được nhân sự cũ.

Tại buổi chia sẻ với doanh nhân trẻ mới đây, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch U&I Group đã có những quan điểm xung quanh việc ứng xử với nhân sự mới và cũ để đạt hiệu quả cao trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Ngay từ đầu đừng “lộ” chuyện mình ứng xử với nhân viên mới như thế nào

Theo ông Tín, việc mời nhân tài về làm việc luôn là bài toán của doanh nghiệp và liên quan rất nhiều đến câu chuyện ứng xử tế nhị của ông chủ doanh nghiệp với cả nhân sự mới và cũ. Nhân tài thực ra là cái tên gọi cho một người cho đến khi người đó tạo ra kết quả.

Khi đội ngũ nhân sự hiện tại của doanh nghiệp, 1 người làm một năm lãi 1 tỉ đồng. Đến một ngày, ông chủ nhìn thấy một nhân sự mới về vị trí đó có thể tạo ra 3-5 tỉ đồng/năm. “Bạn sẵn sàng chia sẻ chênh lệch với người mà tạo ra kết quả đó, nhưng đừng để “lộ” việc ứng xử với người mới ra bên ngoài”, ông Tín nhấn mạnh.

Thường thì chúng ta sẽ có một khoản thưởng “lớn” cho một nhân tài nào đó về làm việc chung. Khoản thưởng này có thể nhận vào thời điểm cuối, tức về hưu hoặc họ nghỉ việc. Tương ứng với khoản thưởng này là nhân sự đó phải tạo ra sự khác biệt hoàn toàn trong kết quả cuối cùng trong 1 năm. Người cũ đang làm lãi 1 tỉ/năm, người mới vào làm lãi 3 tỉ/năm. Sự khác biệt này là giá trị của nhân vật đó, đó gọi là nhân tài. Là chủ doanh nghiệp phải làm sao chia 2 tỉ đồng cho các nhân tài.

“Ông chủ ứng xử làm sao để vừa thuyết phục được đội ngũ nhân sự cũ, vừa tạo động lực cho nhân tài mới”, ông Tín nhấn mạnh.

Những người cũ chỉ biết ganh tỵ, đòi hỏi, nhưng không làm ra được kết quả thì giữ để làm gì?

Chủ tịch U&I Group cho rằng, những người thực sự có năng lực thì cũng đồng thời họ có niềm tin là làm khá hơn. Và khi có một người giỏi thực sự có thể dẫn dắt họ làm việc tốt hơn thì bản thân họ sẽ có những thú vị. Còn nếu những người chỉ biết ganh tỵ, đòi hỏi nhưng không làm ra kết quả thì giữ để làm gì?

“Nếu như người cũ đã từng gắn bó, dựng nghiệp với mình bao nhiêu năm nhưng họ đã đến điểm dừng, không thể tiến xa hơn nữa thì chúng ta nên có cách khác để đối xử với họ. Chẳng hạn, “cho ngồi trên xơi nước”, để người khác làm. Chức danh trong công ty chúng ta có thể tạo ra được nhưng lợi ích chung không thể vì họ mà đi xuống”, ông Tín chia sẻ.

Theo ông Tín, trong công ty có rất nhiều chức danh thú vị. Nếu không tạo ra kết quả, thà để họ sang một bên, sống một cách nhàn rỗi không gây hại là được. Còn hơn, để trong bộ máy mà khiến bộ máy lủng củng, nhân tài mới thì không thi thố được tài năng của họ thì đó là lỗi rất lớn của ông chủ doanh nghiệp.

“Trong kinh doanh, không tiếc nuối quá khứ, có sự tôn trọng nhưng đừng để quá khứ ảnh hưởng đến tương lai của công ty. Mình đang làm lợi ích chung cho tất cả mọi người chứ không riêng gì lợi ích của mình. Chủ doanh nghiệp hãy nhớ điều đó”, ông Tín chia sẻ.

“Thường trong 10 quyết định sai của một doanh nghiệp thì có 9 quyết định về con người. Ngay cả khi vận hành 56 công ty, 20 công ty thất bại thì lỗi lớn nhất là luôn nhìn nhận sau về con người”, Chủ tịch U&I Group bộc bạch.

Theo Trí thức trẻ