[eMagazine] Dấu ấn của ông Phan Tấn Đạt tại KSB
Năm 2019, thảm đỏ ở các Lễ vinh danh chào đón Doanh nhân Phan Tấn Đạt: Giữa tháng 12 là Giải thưởng Top 10 Sao Đỏ -Việt Nam.
Năm 2019, thảm đỏ ở các Lễ vinh danh chào đón Doanh nhân Phan Tấn Đạt: Giữa tháng 12 là Giải thưởng Top 10 Sao Đỏ -Việt Nam. Trước đó không lâu, ông cũng đoạt Cúp Thánh Gióng 2019 – Doanh Nhân Việt Nam tiêu biểu do VCCI trao tặng.
Những giải thưởng danh giá này đến với ông sau một quá trình thử thách, tạo cú nhảy đột biến tại Công ty CP Khoáng sản và xây dựng Bình Dương (KSB) và Công ty CP DRH Holdings (DRH) mà cả hai nơi ông đều là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc.
Sau ba năm nhận nhiệm vụ ở một lĩnh vực hoàn toàn mới, doanh nhân Phan Tấn Đạt đã tỏ ra khá bình tĩnh, đi từng bước, nhưng bước nào chắc bước đó. Có thể khái quát quá trình ba năm ấy như sau: Tái cơ cấu nhân sự, tiêu chuẩn hóa quy trình khai thác để tăng hiệu quả trong hoạt động sản xuất và kinh doanh và đẩy mạnh các hoạt động M&A với những doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực.
Trong các chiến lược đó, M&A sẽ là mục tiêu chính của năm 2020 để đưa KSB thành doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh đá xây dựng lớn nhất khu vực Đông Nam bộ.
Không ngẫu nhiên, KSB hiện là doanh nghiệp tiêu biểu trong ngành khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng, ba năm liên tục có mặt trong nhóm 200 doanh nghiệp có doanh thu dưới 1 tỷ USD kinh doanh hiệu quả nhất châu Á do tạp chí danh tiếng Forbes bình chọn. Và đây cũng là doanh nghiệp duy nhất trong số 3 doanh nghiệp của Việt Nam đạt được thành tích ấn tượng này. Ở trong nước, KSB được công nhận là nhóm 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam.
Chuyên gia tài chính đi làm khoáng sản
Doanh nhân Phan Tấn Đạt xuất thân là dân tài chính – ngân hàng. Ông từng làm việc tại Eximbank, kinh qua nhiều vị trí khác nhau từ nhân viên, chuyên viên, đến Phó giám đốc Đầu tư... Chuyên môn của ông gắn liền với các con số và quản trị về tài chính. Đùng một cái, ông nhảy sang một lĩnh vực chẳng liên quan gì đến chuyên môn lẫn kinh nghiệm của mình.
Ba năm trước, Phan Tấn Đạt tiếp quản vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Khoáng sản và xây dựng Bình Dương (KSB). Lúc ấy, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa thoái hết vốn. Đây là một thử thách cũng là cơ hội rất lớn với ông Phan Tấn Đạt.
Ý thức được khai thác khoán sản là một lĩnh vực đặc thù. Do vậy, ông Đạt chấp nhận phải học hỏi từ đồng nghiệp. Việc đầu tiên, Đạt mời những chuyên gia nhiều năm kinh nghiệm trong công ty để trao đổi. Bên cạnh đó, ông đọc tất cả những tài liệu liên quan đến ngành khoán sản để tích lũy thêm kiến thức cho mình. “Chẳng hạn như cách thức và quy trình khai thác một khối đá, tại sao lại tỷ lệ này mà không phải tỷ lệ khác. Đâu là một khối đá có chất lượng tốt và được phân loại là loại 1 trong ngành?”, ông Đạt chia sẻ thêm.
Một vấn đề lớn đặt ra cho ông Đạt là câu chuyện quản trị doanh nghiệp sau khi thoái vốn Nhà nước. Ông Đạt cũng không phải là ngoại lệ, bởi tư duy lãnh đạo của doanh nghiệp Nhà nước khác biệt so với doanh nghiệp tư nhân.
Đối với doanh nghiệp Nhà nước, câu chuyện hiệu quả là một phần quan trọng nhưng lại nằm trong khuôn khổ pháp lý nên cả nhân viên và lãnh đạo khó phát huy được năng lực. Chẳng hạn, lương của cán bộ công nhân viên KSB trước đây sẽ ở mức tương đối, phụ thuộc nhiều vào hệ số nên không thể có thu nhập cao mang tính đột biến, do đó rất khó tạo động lực.
Hơn nữa, khi là doanh nghiệp Nhà nước thì trách nhiệm trong câu chuyện bảo toàn vốn Nhà nước rất quan trọng. Ngược lại, sự sáng tạo và dấn thân để mang lại năng suất cao không mang tính quyết định. Trong khi doanh nghiệp tư nhân luôn đặt mục tiêu tối đa hoá lợi ích cho cổ đông trên cơ sở tuân thủ pháp luật.
“Tâm thế đó khác hẳn so với doanh nghiệp tư nhân. Do hai mục tiêu khác nhau nên việc quản trị chắc chắn sẽ khác nhau”, ông Đạt chia sẻ.
Ngoài ra, khi quản trị KSB ông Đạt còn gặp phải một vấn đề nan giải khác đó là tâm lý lo lắng sẽ có sự thay đổi văn hóa trong quá trình chuyển giao.
“Tư nhân hóa” đội ngũ nhân sự
Theo ông Đạt, đội ngũ lãnh đạo cũ của KSB là những người tâm huyết, kinh nghiệm, chuyên môn cao và làm việc có hiệu quả nhưng lại thiếu môi trường để phát huy năng lực. Chính vì vậy, ngay từ những ngày đầu về dẫn dắt Công ty, ông Đạt đã xác định yếu tố con người sẽ mang tính quyết định bên cạnh câu chuyện về năng suất. Ông cùng đội ngũ tập trung thay đổi môi trường làm việc và cách thức tương tác.
Là một lãnh đạo trẻ, sinh năm 1984, thế nhưng, giờ đây ông phải thay đổi những cán bộ cấp cao lão làng từ Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc rồi các trưởng phòng đã gắn bó với KSB từ những ngày đầu thành lập từ 26 năm trước để họ có thể dốc toàn tâm và phát huy hết khả năng. Đây là một bài toán không hề dễ với ông Đạt.
Theo ông, bản thân các lãnh đạo đó có một tình yêu mãnh liệt với KSB nên chiến lược lúc này là hướng mọi người cùng nỗ lực vì mục tiêu phát triển Công ty mà không phải là cống hiến cho bất kỳ cá nhân hay cổ đông nào. Trong đó, sự đóng góp được thể hiện một cách bình đẳng giữa các thành viên của tập thể thay vì duy trì một mối quan hệ giữa sếp và nhân viên, giữa người chỉ đạo và người thực thi.
Ông Đạt còn tập trung công tác đào tạo, đưa các cán bộ quản lý cấp trung và cấp cao đi học những lớp quản trị hiện đại. KSB cũng áp dụng các tư duy quản trị mới, tránh cơ chế quan liêu bằng việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ. Trước đây, mọi quyết định đều phải in ra giấy, viết tay và trình bẩm qua nhiều cấp lãnh đạo rất mất thời gian. Giờ đây, mọi thứ đều được đưa lên hệ thống thông qua các phần mềm chuyên dụng, gửi qua email.
Nếu trước đây, một đề nghị phải mất tới hai tuần để đến được Tổng giám đốc thì quy trình này hiện nay chỉ mất tối đa hai ngày. Điều này đã được đưa vào quy chế.
Chế độ lương thưởng cũng được ông Đạt đổi mới, công bằng trong công tác thưởng phạt, nhằm khuyến khích tinh thần làm việc của cán bộ nhân viên, giúp mọi người hiểu được hiệu quả tối đa trong công việc của họ sẽ được đền đáp xứng đáng. Mức lương của cán bộ nhân viên tăng rõ rệt so với trước đây cùng với nhiều chế độ phúc lợi.
“Tại KSB chúng tôi không nói về những thuật ngữ khó hiểu như KPI. Cái mà chúng tôi làm là cụ thể hóa nó trên tinh thần tin cậy và trao quyền. Đơn cử, có những nhân sự gắn liền với công ty từ ngày đầu thành lập cho đến nay là những “tài sản” quý. Chúng tôi trân trọng và nêu họ như những tấm gương đến các nhân sự trẻ hơn học hỏi”, ông Đạt trải lòng.
Đẩy mạnh các hoạt động M&A các doanh nghiệp dẫn đầu và phát triển hệ sinh thái khu công nghiệp
Chia sẻ về tầm nhìn, ông Phan Tấn Đạt cho biết đặt kế hoạch đến năm 2020 trở thành nhà cung cấp sản phẩm vật liệu xây dựng, đặc biệt là đá xây dựng chất lượng cao hàng đầu Đông Nam Bộ. Công ty sẽ tiêu chuẩn hóa các sản phẩm và dịch vụ và đặc biệt là thông qua mở rộng nguồn tài nguyên và quy mô hoạt động với việc đẩy mạnh hoạt động mua bán và sáp nhập.
Bước sang năm 2020, mỏ Tân Đông Hiệp của KSB sẽ bước vào giai đoạn cải tạo phục hồi môi trường để đóng cửa theo giấy phép khai thác. Từ đây đến cuối năm, KSB sẽ khai thác khoảng 1,5 triệu m3 đá ở mỏ Tân Đông Hiệp theo giấy phép còn lại của năm 2019. Với sản lượng này cùng với sản lượng có thể tận thu trong thời gian hoàn nguyên mỏ, Công ty vẫn còn lượng đá cung ứng cho thị trường trong cả năm 2020 và một phần trong năm 2021.
Về sản lượng, KSB tiếp tục tăng công suất khai thác tại hai mỏ đá Tân Mỹ và Phước Vĩnh để bù đắp phần nào thiếu hụt từ Tân Đông Hiệp trong năm 2020-2021. Công ty đang có đề án trình UBND Tỉnh xem xét đánh giá và điều chỉnh quy hoạch khai thác xuống sâu 150 m với mỏ Tân Mỹ và sâu 100 m với mỏ Phước Vĩnh. Tại hai mỏ này, theo quy hoạch hiện hữu, KSB được khai thác xuống sâu 100 m với mỏ Tân Mỹ và mỏ Phước Vĩnh là sâu 70m.
Để chuẩn bị cho việc đóng cửa mỏ Tân Đông Hiệp, KSB đã tiến hành M&A các mỏ đá, công ty cùng ngành. Các khoản phải thu lớn thể hiện trong báo cáo tài chính trong thời gian qua chủ yếu là các khoản ủy thác đầu tư liên qua đến việc M&A doanh nghiệp đá có quy mô mỏ lớn trong ngành. Doanh nghiệp này đang sở hữu nhiều mỏ đá có quy mô lớn ở khu vực Đồng Nai, thời gian khai thác dài, vị trí thuận lợi. Hiện nay, KSB cũng đã cử hai thành viên tham gia Hội đồng quản trị của một công ty. Gần đây, Hội đồng quản trị của KSB cũng thông qua Nghị quyết về việc lập công ty con (100% vốn KSB) nhằm quản lý khoản đầu tư này thông qua việc chuyển quyền sở hữu từ các cá nhân nhận ủy thác về cho công ty con.
Ngoài ra, công ty cũng đồng thời đẩy mạnh công tác đền bù, kinh doanh Khu công nghiệp Đất Cuốc giai đoạn mở rộng 2 với diện tích còn lại khoảng 200 ha.
Như vậy, KSB sẽ có hai nguồn bổ sung là doanh thu từ khu công nghiệp (dự kiến hoàn thành hạ tầng giai đoạn mở rộng 1 và bàn giao cho khách hàng trong năm 2020) và doanh thu dự kiến hợp nhất từ doanh nghiệp đá công ty đang thực hiện M&A.
Công ty đặt mục tiêu đến năm cuối năm 2020 sẽ trở thành doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh đá xây dựng lớn nhất khu vực miền Đông Nam bộ thông qua hoạt động M&A các mỏ đá, các doanh nghiệp sở hữu các mỏ đá chất lượng tốt.