[GƯƠNG MẶT 30 UNDER 30] Khánh Trần: Chàng trai 9X bỏ lương triệu đô đi làm giày từ bã cà phê

Nha Trang 13/02/2020 09:29

Từ bỏ công việc ổn định tại tập đoàn lớn, Khánh Trần và người đồng sáng lập đã dấn thân vào con đường khởi nghiệp đầy mạo hiểm chỉ với 9 thành viên và một sản phẩm độc đáo: giày làm ra từ bã cà phê.

Trần Bảo Khánh - Tổng giám đốc và Đồng sáng lập Rens Original (30 tuổi) vừa được Forbes Việt Nam vinh danh trong danh sách 30 Under 30 (30 gương mặt dưới 30 tuổi nổi bật nhất của Việt Nam trong năm 2019).

Được biết Trần Bảo Khánh (Jesse Khánh Trần) và Chu Hoàng Sơn (Sơn Chu) đồng sáng lập Rens Original, thương hiệu thời trang bảo vệ môi trường dành cho giới trẻ.

"Xe điện Telsa" của ngành thời trang

Khánh Trần hiện đang sinh sống và làm việc tại Helsinki (Phần Lan). Đặt chân đến mảnh đất này vào năm 2012, chàng trai sinh năm 1990 đã theo học tại trường đại học Aalto, Mikkeli Campus - một trong những ngôi trường kinh tế có chương trình Cử nhân danh giá nhất châu Âu và có chương trình giáo dục rất sáng tạo và đặc biệt ngay cả khi so sánh với các đại học khác ở Phần Lan và châu Âu. Ở thời điểm đó trường còn không thu tiền học phí của sinh viên nước ngoài và thậm chí còn trả tiền ăn ở cho sinh viên khi đi trao đổi sinh viên nửa năm tại Đại học Bách khoa Hong Kong vào năm 2014. 

Trần Bảo Khánh - Tổng giám đốc và Đồng sáng lập Rens Original

Trần Bảo Khánh - Tổng giám đốc và Đồng sáng lập Rens Original

Tận dụng cơ hội, Khánh Trần theo học và đã tốt nghiệp cử nhân tại Aalto Mikkeli. Ngay sau khi ra trường Khánh Trần may mắn kiếm được việc làm trong một startup quốc tế rất thành công trong lĩnh vực Ecommerce (Thương mại điện tử) của Phần Lan. Đây là một điều mà cho đến bây giờ chàng trai này vẫn cảm thấy rất may mắn do tỉ lệ kiếm được việc làm của sinh viên quốc tế học ngành kinh tế /du lịch /thương mại tại Phần Lan rất thấp. Sau một thời gian làm việc tại công ty này, Khánh Trần đã xây dựng được nhiều mối quan hệ trong giới kinh doanh tại Phần Lan và tự tin tách ra mở startup đầu tiên tên là FactoryFinder nhằm giúp đỡ các thương hiệu thời trang nhỏ ở Bắc Âu làm việc với nhà máy sạch và xanh tại Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Ấn Độ.

Từ startup này, Khánh Trần tiếp tục mở rộng thêm mạng lưới đối tác và các mối quan hệ kinh doanh. Những kinh nghiệm làm việc quý giá, mạng lưới đối tác kinh doanh và có một người đồng sáng lập tốt và hợp sở trường như Sơn Chu (CTO, CMO của Rens) đã giúp cho startup Rens hiện giờ có được những thành công bước đầu.

Tự nhận bản thân là sneakerheads – những người cuồng giày sneaker, Khánh Trần và Sơn Chu với kinh nghiệm cùng hiểu biết của bản thân về giày, đã nhanh chóng nảy ra ý tưởng về một đôi giày độc đáo khi biết được ngành công nghiệp may mặc gây tác động cực xấu đến môi trường.

Khánh Trần cũng cho biết: “Những sản phẩm quần áo hay giày dép làm từ vật liệu sinh thái thì không mới, trước đây cũng đã có nhiều người làm rồi nhưng đa phần chúng không bắt mắt nên không thu hút được người tiêu dùng. Rens Original như Tesla của giới xe điện, những chiếc xe điện trước thời Tesla chỉ đơn thuần là xe điện đúng nghĩa”.

hjj

Chỉ với 21 tách cà phê và 6 chai nhựa, hai anh đã “hô biến” thành một đôi giày không chỉ vô cùng đẹp mắt và còn rất thân thiện với tự nhiên.

Được biết, mục tiêu Khánh Trần và Sơn Chu ngay từ đầu là biến Rens Original thành một thương hiệu giày “không chỉ chú trọng vào tính thân thiện môi trường, mà còn phải thật đẹp, thật độc đáo và khiến người ta sẵn sàng bỏ tiền ra để mua”.

Giải pháp của Rens, theo Trần Bảo Khánh, làm giày "môi trường" từ bã cà phê và vỏ chai nhựa tái chế.

Sử dụng 300 gram bã cà phê được lấy từ các cửa hàng tiện lợi và quán cà phê trong thành phố thủ đô Helsinki, “trộn lẫn” với 500 ml nhựa tái chế, một đôi giày Rens đã ra đời với khối lượng siêu nhẹ là 460 gram cùng khả năng chống nước, khử mùi chân, chống trơn trượt và rất cool ngầu với 9 màu sắc khác nhau.

Kết quả là, giữa năm ngoái Rens Original ra mắt những đôi giày sneakers làm từ bã cà phê và vỏ nhựa tái chế nhẹ, bền và chống thấm nước 100% trên Kickstarter, website gọi vốn cộng đồng lớn nhất thế giới. Sản phẩm này thu hút sự quan tâm của hơn 5.000 khách hàng đến từ 107 quốc gia, vùng lãnh thổ. Sau 24 giờ đầu tiên, đã có 177 người ủng hộ với số tiền 19.000 USD và vượt chỉ tiêu 101%, khiến Rens trở thành dự án gọi được vốn nhanh nhất Phần Lan trong 24 giờ đầu tiên vào năm 2016.

Kết thúc thời gian gọi vốn, nhóm đã nhận được 457.000 USD (khoảng 10,4 tỷ đồng) và được các kênh truyền thông mạng xã hội của Liên Hiệp Quốc, Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Unilever chia sẻ thông tin.

Ngoài chiến dịch gọi vốn cộng đồng trên Kickstarter, Rens còn nhận được tiền đầu tư chiến lược từ một nhóm các nhà đầu tư có ảnh hưởng nhất tại Phần Lan và khối Bắc Âu.

Ô nhiễm không khí và ô nhiễm rác thải nhựa đang trở thành một vấn đề rất nghiêm trọng hiện nay. Mỗi ngày có khoảng 2 tỷ tách cà phê được tiêu thụ trên khắp thế giới thải ra môi trường gần 600 ngàn tấn bã cà phê cùng với đó là 72 triệu vỏ chai nhựa trở thành rác mỡi ngày. Sử dụng những thứ bỏ đi, hai chàng trai trẻ người Việt Nam đã tạo nên sản phẩm giày thời trang có ý nghĩa đặc biệt với môi trường.

Thất nghiệp không đáng sợ bằng khởi nghiệp

Hai anh chàng chia sẻ khởi nghiệp không phải con đường đi dễ dàng, nhất là khi đứa con của mình là một sản phẩm mà chưa có ai làm trước đây nhưng lại là một đồ dùng quá quen thuộc với mọi người. Tại sao người ta không chọn Nike, Adidas và lại phải lựa chọn Rens?

Jesse Khánh Trần (trái) và Chu Hoàng Sơn, founder của Rens Original.

Jesse Khánh Trần (trái) và Chu Hoàng Sơn, founder của Rens Original.

“Rất nhiều người đã cười khi bọn mình tuyên bố rằng sẽ làm startup về giày sneaker, bởi đã có nhiều nhãn hàng giày nổi tiếng thế giới rồi. Quan trọng là bản thân phải giữ vững niềm tin về sự khác biệt của chính mình. Đối với Rens, thiết kế mẫu mã thật “chất” là điều rất quan trọng, thiết kế hiện tại của Rens cũng đã phải “đập đi xây lại” rất nhiều lần”, Jesse Khánh Trần chia sẻ.

Bạn đồng hành với Khánh Trần là Chu Hoàng Sơn - chàng trai 24 tuổi, người Hà Nội. Trước khi làm dự án riêng với Rens, Sơn Chu đã làm việc tại một tập đoàn lớn ở Phần Lan với mức lương cao hơn 100 lần so với mặt bằng chung của các công ty công nghệ lớn tại Việt Nam, nhưng công việc tốt cùng mức lương cao đi cùng với sự đánh đổi.

“Đi làm công việc tốt ở một môi trường năng động cùng mức lương đáng mơ ước, đây là những điều quá tuyệt vời cho một người mưu sinh trên đất khách như mình, nhưng thật ra mình đánh mất nhiều thứ đó là không tạo được sản phẩm với bản sắc cá nhân.

Khi khởi nghiệp, mình có thể tạo ra được những thứ cho riêng mình, mình hoàn toàn làm chủ được bản thân và tự do sáng tạo với những điều mình thích. Tuy vậy phải thừa nhận rằng quãng thời gian làm việc với Rens thật sự vất vả, mình phải thức dậy từ sớm để bắt đầu làm việc từ 8 giờ sáng rồi kết thúc một ngày vào lúc nửa đêm,” Sơn Chu bộc bạch.

Khánh Trần và Sơn Chu có nhiều điều bất đồng và không có quá nhiều sở thích giống nhau, nhưng cùng là du học sinh Việt Nam tại Phần Lan, hai người đã gặp gỡ nhau tại nơi đất nước Bắc Âu này để cùng có với nhau một hướng đi về nhãn hiệu giày thời trang vì môi trường.

Có thể bạn quan tâm

  • Forbes 30 under 30: Chàng trai bỏ học, biến công ty sắp phá sản thành doanh nghiệp 150 triệu USD

    Forbes 30 under 30: Chàng trai bỏ học, biến công ty sắp phá sản thành doanh nghiệp 150 triệu USD

    04:49, 12/02/2020

  • [GƯƠNG MẶT 30 UNDER 30] Amanotes và hành trình đưa phím đàn lên ứng dụng khởi nghiệp

    [GƯƠNG MẶT 30 UNDER 30] Amanotes và hành trình đưa phím đàn lên ứng dụng khởi nghiệp

    00:00, 12/02/2020

  • [GƯƠNG MẶT 30 UNDER 30] CEO MindX Education và giấc mơ đưa thung lũng Silicon thu nhỏ đi khắp Việt Nam

    [GƯƠNG MẶT 30 UNDER 30] CEO MindX Education và giấc mơ đưa thung lũng Silicon thu nhỏ đi khắp Việt Nam

    01:07, 11/02/2020

  • [GƯƠNG MẶT 30 UNDER 30] CEO Logivan Phạm Khánh Linh và hành trình đi tìm những giá trị đặc biệt

    [GƯƠNG MẶT 30 UNDER 30] CEO Logivan Phạm Khánh Linh và hành trình đi tìm những giá trị đặc biệt

    00:58, 10/02/2020

Chia sẻ về kế hoạch trong tương lai, startup bật mí sẽ dành sự ưu ái đặc biệt cho Việt Nam vì đây là quê hương của hai chàng trai. Hai chàng sáng lập cho biết kế hoạch trong tương lai tại quê hương không chỉ bán giày mà còn mong muốn có một dây chuyền sản xuất từ nguyên vật liệu đến thành phẩm hoàn chỉnh.

Khánh Trần cho biết, Việt Nam có nguồn cung bã cà phê lớn nhưng rất tiếc vẫn chưa có công nghệ để xử lý bã cà phê nhằm tạo ra vải giày phù hợp cho Rens. Ở thời điểm hiện tại, nếu chọn bã cà phê trong nước làm nguồn nguyên liệu thì vẫn phải xuất khẩu sang nước ngoài xử lý rồi nhập khẩu về, như vậy không còn thân thiện với môi trường.

“Trong tương lai, bọn mình mong muốn có thể mở trung tâm nghiên cứu và phát triển ở Việt Nam để có thể tận dụng bã cà phê trong nước, phát triển công nghệ cho nước mình và có thể sản xuất giày Rens tại Việt Nam rồi xuất khẩu đi khắp thế giới,” nhà sáng lập Jesse Khánh Trần hy vọng.

Nha Trang