[Emagazine] Doanh nhân khai sinh chiếc "ATM gạo": Yêu thương cho đi là yêu thương còn mãi

Nha Trang 16/04/2020 13:00

Những ngày qua, chiếc "ATM nhả gạo" cùng chủ nhân của nó đã "nổi như cồn" trên các trang báo trong nước và quốc tế.

Một tuần sau khi ra đời, "ATM gạo" dành cho người nghèo, khó khăn do dịch COVID-19 ở TP.HCM đã tạo thành làn sóng mạnh mẽ, lan tỏa khắp cả nước. Những mô hình tương tự đã nhân bản ở Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Tây Nguyên…

Không thể phủ nhận, nhờ ATM gạo mà PHGLock - doanh nghiệp do anh Hoàng Tuấn Anh đang làm Tổng giám đốc được mọi người biết đến nhiều hơn. Sự nghiệp kinh doanh của anh cũng là một câu chuyện hấp dẫn, nhưng trên tất cả, sự nhân ái và sẻ chia được doanh nhân này truyền tải là điều mà ai cũng cảm nhận được.

"Cánh tay của mẹ đã kéo tôi đứng dậy"

Học tập và làm việc tại Úc từ khi 15 tuổi, với niềm đam mê kinh doanh, ngay khi còn học đại học, doanh nhân sinh năm 1986 đã bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ. Vượt qua nhiều khó khăn, sau thời gian dài dành dụm, tiết kiệm, Hoàng Tuấn Anh tích lũy được số vốn nhỏ và đầu tư toàn bộ vào thực hiện dự án lắp đặt tấm cách nhiệt miễn phí cho các hộ dân, theo chủ trương của Chính phủ Úc.

Ban đầu, anh dự tính tham gia khoảng 1,5 năm thay vì 2 năm theo chương trình, nhưng không ngờ....

Chỉ 1 năm, Chính phủ Úc cho dừng chương trình này.

"Tôi còn nhớ như in thời điểm đó là năm 2007, chỉ trong 6 tháng, tôi đã kiếm được 1 triệu USD. Song phải chịu khoản lỗ khá lớn do đã nhập hàng trăm container hàng, mỗi container trị giá tầm 25.000 - 30.000 USD. Mỗi container đối với tôi "quý như vàng", nhưng chỉ vài tiếng đồng hồ…Tôi mất trắng!", anh Hoàng Tuấn Anh nhớ lại.

Thiệt hại lúc ấy quá nặng nề, bởi ngoài vốn liếng đã đổ vào nhập nguyên liệu, anh còn phải chịu thêm chi phí tiêu hủy khoảng 2.000 USD/container. Trong 5 giờ đồng hồ, anh chẳng còn gì trong tay…

"Tôi rơi vào trạng thái khủng hoảng tinh thần. Trong tôi bị đè nặng suy nghĩ: mình sẽ tự tử! Nhưng thật trùng hợp, trong giờ phút "lâm chung", như vị cứu tinh, mẹ tôi gọi điện sang và nói: Con có khó khăn gì thì nói mẹ sẽ giúp!", Hoàng Tuấn Anh bùi ngùi.

Ngay lúc sự tuyệt vọng nhấn chìm, cú điện thoại của mẹ từ Việt Nam đã khiến anh bừng tỉnh.

25 tuổi, mất trắng 1 triệu đô Úc, phá sản,...Hoàng Tuấn Anh lại bắt đầu lại từ đầu với bài học "Mọi chuyện đều có thể xảy ra".

Hoàng Tuấn Anh chia sẻ: "Tôi tự hào mình đã học được nhiều đức tính từ cha mẹ: sự mềm mại, dịu dàng, quan tâm, tinh tế của mẹ; sự quyết đoán, cứng rắn của cha. Dung hòa giữa hai người tạo nên tôi ngày hôm nay.

Sau chiến tranh, gia đình tôi cũng đã có thời gian rất khó khăn. Khi tôi được sinh ra, gia đình đã ổn định, khá giả, nhưng cha mẹ tôi vẫn luôn dạy anh em chúng tôi giá trị của lao động.

Tháng 3 này cũng là dịp giỗ tròn năm của mẹ. Tôi ước muốn sự truyền cảm hứng của mẹ cho tôi ngày nào, sẽ giúp tôi lan tỏa sang những mạnh thường quân khác, sẽ có những cánh tay khác chìa ra giúp đỡ cho nhiều người đang khó khăn hơn mình".

Bắt đầu sự nghiệp tại Việt Nam bằng chiếc khóa cửa

"Khi còn du học bên Úc, tôi nghe tin chị gái bị mất tiền trong phòng riêng của chị. Phòng riêng là không gian riêng tư của mỗi người, nhưng nếu đi ra đi vào đều phải khóa cửa cầm chìa thì quá bất tiện.

Thêm vào đó, nhà tôi có hệ thống nhà trọ cho thuê. Mỗi lần nhìn thấy sự mệt mỏi của mẹ khi phải quản lý cả một đống chìa khóa có thể được tính bằng ki-lô-gam, tôi đã nghĩ liệu rằng có một giải pháp nào đó giúp cả nhà được thoải mái hơn trong việc quản lý tài sản của mình hay không?" – Hoàng Tuấn Anh kể lại.

Năm 2010, thị trường Việt Nam bắt đầu xuất hiện một vài thương hiệu khóa điện tử nhưng việc tiếp cận thị trường vẫn nằm ở mức độ thăm dò, số gia đình biết đến và sử dụng loại khóa này khi đó cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Với kinh nghiệm nhiều năm học tập và kinh doanh tại Australa, Tuấn Anh sớm nhận ra: “Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển và chuyển đổi sang nền kinh tế số một cách mạnh mẽ. Những sản phẩm mới luôn được đón nhận và là mảnh đất màu mỡ để phát triển. Khi về nước tôi thấy nhiều sản phẩm ở Australia đã phổ biến từ lâu nhưng ở Việt Nam thì còn khá mới mẻ”. Đó cũng là lí do anh về Việt Nam với tham vọng dẫn đầu thị trường khóa điện tử vào năm 2010.

Với kinh nghiệm nhiều năm học tập và kinh doanh tại Australa, Tuấn Anh sớm nhận ra: “Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển và chuyển đổi sang nền kinh tế số một cách mạnh mẽ. Những sản phẩm mới luôn được đón nhận và là mảnh đất màu mỡ để phát triển. Khi về nước tôi thấy nhiều sản phẩm ở Australia đã phổ biến từ lâu nhưng ở Việt Nam thì còn khá mới mẻ”. Đó cũng là lí do anh về Việt Nam với tham vọng dẫn đầu thị trường khóa điện tử vào năm 2010.

Nhìn thấy cơ hội, Hoàng Tuấn Anh về Việt Nam thành lập công ty Vũ Trụ Xanh chuyên kinh doanh mặt hàng khóa điện tử, lựa chọn thương hiệu PHGLock, một thương hiệu nổi tiếng của nước Úc. Qua đàm phán, Vũ trụ Xanh trở thành nhà phân phối độc quyền của PHGLock tại thị trường Việt Nam.

Theo doanh nhân, với một thị trường mới, việc đào tạo cho người tiêu dùng là vô cùng quan trọng. 3 năm đầu, Vũ trụ Xanh tập trung xây dựng hệ thống bán hàng và trung tâm dịch vụ bảo hành, đồng thời đào tạo nhân viên bán hàng và tư vấn chuyên nghiệp. Đến 2013, công ty mới chính thức bán hàng.

Họ cũng thực hiện quảng bá hình ảnh đến người tiêu dùng qua các kỳ hội chợ và tổ chức các chương trình dùng thử sản phẩm để người tiêu dùng quen dần với sản phẩm mới.

Chia sẻ mới đây, anh Hoàng Tuấn Anh cho biết, trong năm nay, mảng dự án chung cư là nhóm khách hàng mục tiêu, bên cạnh mảng dân sinh vốn có quy mô thị trường rất lớn.

Một kế hoạch từng được Hoàng Tuấn Anh tiết lộ là dự án "Khu ươm mầm cho các startup về ẩm thực, thời trang".

Anh chia sẻ, Thái Lan có hàng chục dự án khu container nơi các startup về ẩm thực, thời trang có điều kiện giới thiệu sản phẩm tự mình với chi phí mặt bằng cực thấp. Họ không có đủ tiền để vào các chợ hay trung tâm thương mại với chi phí đắt hơn cả chục lần.

"Chúng tôi cũng muốn phát triển dự án khách sạn bằng container để phục vụ khách du lịch, đưa giá thuê phòng về mức có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực ( Thái Lan, Malaysia...). Các quận trung tâm của TP. HCM sẽ không bao giờ có giá phòng 15 - 20 USD/phòng như ở Thái Lan nếu làm theo cách truyền thống, vì giá đất hiện cao hơn nhiều Thái Lan hay Malaysia." – Hoàng Tuấn Anh nói.

Mong chữ THIỆN sẽ giúp được nhiều người

Mặc dù được gia đình đưa sang Úc du học và tập tành kinh doanh từ năm 15 tuổi, tính đến nay đã 20 năm trong ngành kinh doanh, đã trải qua ba lần khủng hoảng kinh tế thế giới, chưa kể những lần thất bại, trắng tay của riêng mình nhưng chưa lần nào anh cảm được sự tác động khủng khiếp như bệnh dịch lần này.

"Các mảng kinh doanh của tôi và gia đình đều bị ngưng trệ, không thể lấy cái này đỡ cái kia như những lần trước. Nhìn ra xã hội cũng vậy, không có ai, không có lĩnh vực nào thoát khỏi khủng hoảng, và lại là khủng hoảng toàn thế giới." – CEO cho biết.

Tuy nhiên, Hoàng Tuấn Anh nghĩ, mình vẫn còn may mắn hơn những người lao động làm bữa nay ăn bữa mai. Khi mọi dịch vụ ngưng lại, họ để kiếm sống bằng cách nào?

Chiếc máy

Chiếc máy "ATM gạo" đã giúp cho hàng ngàn người nghèo vượt qua khó khăn mùa dịch

"Đói ăn có thể khiến người ta quẫn trí. Nghĩ đến việc còn nhiều bất ổn do dịch bệnh kéo dài, lượng người thất nghiệp đông. Nghĩ đến ai đó vì thiếu một bữa ăn mà thấy mình vào đường cùng đến phải tự tử, phải sa ngã, phạm tội tôi nghĩ mình phải đưa một bàn tay cho họ nắm, và phải ngay lập tức" – Hoàng Tuấn Anh nói.

Sự nghiệp kinh doanh thành công của Tuấn Anh – như anh không ngần ngại thừa nhận – là nhờ sự trợ vốn từ gia đình. Nhờ vậy, anh mới có thể kiên trì đi qua 10 năm để khai phá thị trường khóa điện tử mới mẻ. Khi anh phá sản, trắng tay, cũng là nhờ bàn tay của gia đình kéo anh dậy đi tiếp.

Sau Tết Nguyên đán 2020, trong nước và cả trên thế giới, dịch COVID-19, diễn biến phức tạp. Hưởng ứng lời kêu gọi từ Chính phủ, từ lãnh đạo TP HCM, Hoàng Tuấn Anh không ngần ngại, "xuất kho" góp hơn 100 chiếc chuông cửa camera - là sản phẩm của công ty - cho bệnh viện dã chiến ở huyện Củ Chi, bệnh viện dã chiến huyện Cần Giờ và Viện Pasteur TP HCM ...

Bởi, theo Hoàng Tuấn Anh, việc tặng những thiết bị thông minh có thể giúp các y, bác sĩ - những người đang ở tuyến đầu - hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân có khả năng lây nhiễm.

Và, qua nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, Hoàng Tuấn Anh quyết định "tận dụng những thứ mình đang có" để tạo nên cây ATM gạo "đình đám" đầu tiên trong cả nước.

Ngay khi cây "ATM gạo" ra đời, nhiều ý kiến cho rằng "ông này chắc giàu có lắm" hoặc "ông này làm màu, đánh bóng tên tuổi"...

Bỏ ngoài tai tất cả, anh Tuấn Anh cho rằng, những nỗ lực của Chính phủ khi hỗ trợ cho những người bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, khám chữa bệnh miễn phí, thực hiện cách ly, ăn uống miễn phí, thậm chí còn có những chuyến bay miễn phí để đưa đồng bào mình trở về quê hương, đã truyền cảm hứng cho anh và từ đó anh cũng mong muốn chính bản thân mình có thể truyền lại cảm hứng cho những cá nhân, doanh nghiệp khác để mọi người cùng chung tay giúp ích cho xã hội.

Ngay điểm phát gạo này khi xưa là trang trại của gia đình

Ngay điểm phát gạo đầu tiên cũng chính là trang trại của gia đình Hoàng Tuấn Anh khi xưa.

Doanh nhân trẻ và vài anh em trong công ty cũng từng trải qua những khó khăn, nhưng không thấm tháp gì với những mảnh đời đang phải vật lộn, kiếm từng miếng ăn trong thời buổi dịch bệnh. Dù Nhà nước đã nỗ lực hỗ trợ, nhưng làm sao kham hết.

Ngay điểm phát gạo này khi xưa là trang trại của gia đình. Cứ cuối tuần anh lại theo ba từ nhà ở quận 5 đến đây làm việc: tắm bò, cho bò ăn, vắt sữa, dọn chuồng...

Từ đó, anh hiểu những giọt mồ hôi từ ngày ấy, cũng biết quan tâm đến những nỗi niềm, tâm trạng của người lao động từ đấy.

Với tôi, chữ THIỆN nhiều ý nghĩa lắm!

THIỆN là giúp đỡ được cho những người quanh mình khi họ gặp khó khăn.

Phật giáo dạy rằng, lương thiện cũng là một loại trí tuệ, hơn nữa còn là trí tuệ đỉnh cao bởi để thiện thì cần có sự hiểu biết, phân biệt tốt xấu đúng sai và kiềm chế được bản thân, không bị hoàn cảnh xung quanh làm ảnh hưởng. Vì thế, làm người khó nhất không phải là giàu có, thành công, nổi danh mà khó nhất là lương thiện.

"Nếu bạn hỏi vì sao tôi làm chiếc máy ‘ATM’ gạo này, vì sao tôi tham gia hết hoạt động an sinh xã hội này đến hoạt động khác thì câu trả lời nằm ở đó. Khi rơi vào hoạn nạn, sự cùng quẫn bế tắc, chỉ cần một bàn tay chìa ra đúng lúc cũng có thể ngăn người ta đến với những ý nghĩ tồi tệ, cho họ thấy ánh sáng dù chỉ là một chút để đứng dậy mà bước tiếp".

Mong muốn sẽ có nhiều cây "ATM gạo" hơn nữa

Nhận mình chỉ là một hạt cát góp phần làm nên bãi cát đẹp trước biển, Hoàng Tuấn Anh cho rằng hiện đã có nhiều mạnh thường quân đứng ra tặng tiền bạc, nhu yếu phẩm cho những người có hoàn cảnh khó khăn, tuy nhiên, cách tặng quà "truyền thống" bộc lộ nhiều bật cập: tay trao tay, tụ tập đông người, đôi khi còn xảy ra giành giật để lấy những phần quà... từ đó nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất cao.

"Vốn chuyên môn kỹ thuật, tôi nghĩ cách khắc phục: chuyền gạo tự động bằng ống và đảm bảo khoảng cách 2m/người như quy định", Hoàng Tuấn Anh chia sẻ.

Đội ngũ kỹ thuật công ty xúm vào tìm giải pháp. Sau một ngày làm việc, máy "ATM gạo" đầu tiên được thiết kế bằng các vật liệu có sẵn. Ngày chủ nhật, không mua kịp, anh tháo luôn môtơ bạc tỉ trong máy test khóa của công ty để lắp tạm.

Nhìn núi gạo trong khuôn viên khiến nhiều người cảm thấy ấm lòng vì sức lan toả của

Nhìn núi gạo trong khuôn viên khiến nhiều người cảm thấy ấm lòng vì sức lan toả của "ATM gạo" trên cả tuyệt vời.

Lượng sức mình, ban đầu anh dự định phát 500kg gạo mỗi ngày cho tới cuối tháng, khi ấy hi vọng dịch đã qua, nhịp sống sẽ trở lại bình thường. Anh còn định nhờ mấy người quen biết rao lên giúp để mọi người biết "ATM gạo" mà đến nhận, thế nhưng, hàng ngàn người đến nhận gạo mỗi ngày hoàn toàn nằm ngoài dự kiến của anh.

Máy "ATM gạo" hoạt động cả ngày lẫn đêm, các nhân viên của Hoàng Tuấn Anh phải chia ba ca trực điều hành máy, giữ trật tự, an toàn.

Lượng gạo dự trữ mang ra phát tiếp, những tưởng phải dừng sớm hơn dự kiến, nhưng không, tin tức loan đi, cùng với dòng người đến xếp hàng nhận gạo là những chiếc xe chở gạo đến. Người 50kg, người 100kg, lại có đến cả tấn. Các mạnh thường quân đã tiếp sức cho chiếc ATM hoạt động không ngừng nghỉ.

Người nhận gạo đến từ khắp nơi, người góp gạo cũng đến từ khắp nơi, chỉ kịp cười với nhau qua chiếc khẩu trang rồi đi. Việc phát gạo với chúng tôi không còn chỉ là tấm lòng của mình nữa, mà thành một gánh trách nhiệm.

Tạm gác nỗi lo thiếu gạo, anh Hoàng Tuấn Anh lại trăn trở làm sao để có nhiều mạnh thường quân chung tay hơn nữa, làm sao để có nhiều ATM gạo hoạt động giúp được nhiều người có hoàn cảnh khó khăn hơn nữa.

"Với sự ủng hộ lớn lao và nhu cầu rộng rãi ở các địa phương, tôi mong sẽ tặng hoặc chuyển giao công nghệ để có 100 "ATM gạo" khắp mọi nơi. Khi ấy, người nhận gạo không phải tìm kiếm quá xa, người ủng hộ cũng bớt phần vất vả" anh Hoàng Tuấn Anh chia sẻ.

Nha Trang