[Emagazine] Doanh nhân Lê Văn Kiểm: “Sứ giả của lòng nhân ái”
Nếu nói Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành là một con thuyền, thì Anh hùng lao động Lê Văn Kiểm chính là vị "thuyền trưởng" tài ba, bản lĩnh, hội đủ tâm - tầm - tài - đức.
Khởi nghiệp từ tay trắng, thành công vượt bậc năm 1990, để rồi suýt mất sạch trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, ông Lê Văn Kiểm - Chủ tịch HĐQT Công ty Golf Long Thành không chỉ tránh được vòng lao lý mà còn duy trì được một cơ nghiệp khổng lồ và được phong danh hiệu Anh hùng Lao động.
Bản lĩnh "Con nhà nòi"
Ông Lê Văn Kiểm là một trong những doanh nhân Việt đi đầu thời mở cửa kinh tế những năm 1980, là người đã trải qua thăng trầm của hai cuộc khủng hoảng kinh tế lớn trong suốt 3 thập niên qua.
Sinh năm 1945 trong một gia đình có truyền thống yêu nước trên quê hương Thừa Thiên Huế, tuổi thơ của ông lớn lên giữa chiến khu Ba Lòng.
Năm 1949, người cha của ông - liệt sỹ Lê Văn Lân đã anh dũng hy sinh, để lại cho người vợ trẻ và đứa con thơ mới 4 tuổi nỗi đau vô bờ bến. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, năm 1964, ông trúng tuyển vào Trường đại học Thủy Lợi.
Đến năm 1965, như bao thanh niên khác, ông hăng hái tham gia quân đội và đã trúng tuyển vào quân chủng không quân. Sau một thời gian bồi dưỡng sức khỏe tại sân bay Bạch Mai để sang Liên Xô học lái máy bay MIC 21, nhưng vì là con duy nhất của liệt sĩ, nên cấp trên đã đưa ông trở lại mái trường Đại học Thủy lợi (lúc này đang sơ tán tại Hà Bắc), để tiếp tục học tập nhằm đạo tạo lớp cán bộ tương lai cho miền Nam và đất nước.
Những năm tháng học tập tại đây đã đặt nền tảng tri thức và hình thành nhiều ước mơ, hoài bão trong ông. Trường đại học không chỉ là nơi trau dồi kiến thức, mà còn rèn luyện cho ông bản lĩnh vững vàng, tự tin.
Tốt nghiệp đại học, cầm tấm bằng kỹ sư trên tay, nhưng với lòng yêu nước, khao khát cống hiến sức trẻ và để báo đáp sự hy sinh của thế hệ ông, cha, một lần nữa chàng trai trẻ Lê Văn Kiểm đã chích máu viết đơn tình nguyện xin vào quân đội vào đầu năm 1971.
Sau đó, ông viết đơn xung phong đi vào chiến trường miền Nam – nơi đang diễn ra cuộc chiến tranh ác liệt. Ngày 30/4 lịch sử, ông đã có mặt tại Sài Gòn, vào tiếp quản Bộ Giao thông – Công chánh của chính quyền chế độ cũ, sau đó công tác tại Ủy ban Quân quản Thành phố Sài Gòn - Gia Định.
Sau đó ông được bổ nhiệm làm Phó Ban Kiến thiết cầu đường bộ miền Nam. Trong quá trình làm việc đó, ông đã có cơ hội học và xử lý công việc của các người chủ công ty tư nhân. Từ đó, ông đã muốn làm thử kinh doanh theo mô hình kinh tế tư nhân.
Ông Kiểm kể, ông tìm hiểu thấy đa số công chức chế độ cũ là những người tri thức trong đó có nhiều kỹ sư giỏi nên bảo lãnh cho họ học tập, cải tạo tại chỗ thay vì phải đi trại cải tạo. Việc này giúp rất nhiều cho công tác khôi phục hệ thống cầu đường miền Nam sau đó. Quá trình này cũng giúp ông Kiểm nhận ra, cơ chế làm ăn giao thầu cho tư nhân đem lại hiệu quả hơn kinh tế tập thể xã hội chủ nghĩa. “Đây là điều thôi thúc khiến tôi muốn làm kinh tế tư nhân. Cách làm ăn tư bản thoáng hơn”, ông Kiểm nói.
Được biết, bà Trần Cẩm Nhung vợ ông cũng là "con nhà nòi". Bố bà Nhung tham gia cách mạng bị Pháp tù đày và từng lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Ba Tơ. Mẹ bà Nhung từng tham gia kháng chiến chống Mỹ và chịu cảnh tù đày. Miền Bắc là nơi bà Nhung và ông kiểm gặp nhau, nên vợ nên chồng trước khi chiến tranh kết thúc.
"Kinh doanh thì phải vay nhưng... đừng vay nhiều quá"
Cong đường chính trị đang rộng mở, ông Kiểm không dám bỏ sự nghiệp với Nhà nước. Cho tới cuối thập niên 1970, kinh tế cả nước chật vật khó khăn, vợ chồng ông quyết định làm thức ăn gia súc để cung ứng cho thị trường. Đó là năm 1978, đánh dầu bước khởi nghiệp kinh doanh đầu tiên.
Ông bà bán chiếc xe Honda duy nhất lúc bấy giờ, mua một chiếc mô tơ chế tạo máy trộn thức ăn gia súc. Ông kể: “Hai vợ chồng tôi ngày làm việc Nhà nước, tối làm thức ăn gia súc. Công thức gồm cám, bột sò, vỏ đậu phộng, dầu dừa, bắp…trộn lên thành một hỗn hợp, bán rất chạy”.
Cơ sở sản xuất thức ăn gia súc nhãn hiệu Huy Hoàng của gia đình ông Kiểm hoạt động “chui” tại địa chỉ nhà riêng ở 39, Phan Xích Long, Phú Nhuận. “Hiệu quả cao, tiền vô thấy sướng quá trời”, ông Kiểm kể lại. Một thời gian sau, sản phầm Huy Hoàng xuất hiện khắp nơi.
Vợ chồng ông Kiểm nghiên cứu sản phẩm kế tiếp, ép dầu từ hạt cao su để làm sơn. Hạt cao su được thu mua ở khắp miền Nam về ép lấy dầu để sản xuất sơn, còn bã thì làm phân bón. Riêng tiền bán bã ép đã đủ trả tiền mua hạt, nhân công.
Công việc nhiều, vợ chồng ông Kiểm thuê các nơi khác gia công cho mình. Ông nhớ lại: “Tiền về rất nhiều, chưa bao giờ chúng tôi có nhiều tiền đến thế. Mỗi tháng phải làm được cả 10 lượng vàng, mà cái nhà phố ở Phan Đăng Lưu lúc đó chỉ đáng 10 lượng vàng”.
Sau sơn đến sản xuất bột màu xây dựng, gia đình ông Kiểm tiếp tục nghiên cứu sản xuất ngay trong nhà. Việc kinh doanh “1 lời 10” khiến cho ông tích lũy được tới cả ngàn cây vàng. Vào khoảng năm 1984 – 1985, ông Kiểm đưa Huy Hoàng lên thành một công ty tư nhân đầu tiên.
Đây là thời kỳ bắt đầu mở cửa, Việt Nam nhận được rất nhiều đơn hàng may mặc theo kiểu “hàng đổi hàng” với thị trường Đông Âu. Ông Kiểm cho biết, giữa 1988 – 1990, Huy Hoàng là công ty đầu tiên đầu tư đồng bộ hiện đại dây chuyền sản xuất với máy móc thiết bị nhập từ Nhật, không chỉ làm gia công mà còn xuất khẩu trực tiếp theo phương thức FOB. Xuất hàng may mặc, đổi lấy xi măng, sắt thép và nhiều loại hàng hóa khác nhập khẩu về nước, ông Kiểm kể, việc đổi hàng thường là lời “1 ăn 5”.
“Tiền nhiều kinh khủng. Tôi mua hai xe tải, mùa nhà mới ở số 9 Nơ Trang Long, Bình Thạnh, và mua dự trữ rất nhiều vàng”, ông Kiểm nói. Ông xây hầm trong nhà, bên trên xây một chuồng gấu ngựa, ban đêm khi thợ về chất vàng xuống giấu, rồi mua hai con gấu ngựa về nuôi.
Một trong những dấn ấn mà công ty Huy Hoàng đề lại cho TP.HCM là nút giao thông Hàng Xanh, được khánh thành ngày 30/4/1995. Đây là một trong những công trình đầu tư cơ sở hạ tầng đầu tiên do một công ty tư nhân thi công theo hình thức xây dựng – chuyển giao (BT).
Cờ đến tay, ông Kiểm cùng một số cổ đông thanh lập ngân hàng châu Á – Thái Bình Dương, nơi ông nắm 90% cổ phần. Đây là thời khai sinh của thế hệ ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên: Việt Hoa, VP bank, ngân hàng Vũng Tàu…
Ông Kiểm bắt đầu đầu tư vào bất động sản từ đầu những năm 1990, đặc biệt mua nhiều vị trí đắc địa ở trung tâm quận 2. Nhưng về sau, chính việc thế chấp đất đai, đầu tư từ tiền vay ngân hàng của ông đưa đến rủi ro, khi khủng hoảng tài chính xảy ra dẫn đến thị trường địa ốc đóng băng.
Ông Kiểm kể lại, đây là thời gian khó khăn nhất trong cuộc đời ông. Một năm, có tới 11 đoàn kiểm tra từ Trung ương đến địa phương tới công ty. Ông Kiểm bị bệnh gan hành hạ, bị cấm đi nước ngoài.
Trong khoảng thời gian tiếp sau đó, ông Kiểm đào số vàng tích lũy của gia đình lên để trả lại cho người gửi tiền ngân hàng và trả lương duy trì công việc cho hơn 1.600 công nhân. Những khoản nợ từ hợp đồng tín dụng L/C với nước ngoài trả được hết sau khi đạt thỏa thuận chỉ phải trả 30%.
Ông Kiểm hồi tưởng: “Hai vợ chồng ông nhiều đêm không ngủ, rất lo lắng vì không trả được nợ ngân hàng thì có thể bị tử hình hoặc án tù rất cao… uy tín và công sức của mình sẽ mất hết”.
Năm 1999, vợ chồng ông viết tâm thư gửi lên Chính phủ và Bộ Chính trị, chứng minh tài sản của gia đình có thể đàm bảo trả được nợ và xin giãn nợ, khoanh nợ lại trong vòng 3 -5 năm.
Để tránh tình trạng người gửi tiền đổ xô rút tiền làm ảnh hưởng tới hệ thống ngân hàng nói chung và ngân hàng châu Á – Thái Bình Dương nói riêng, sau khi đã trả lại cổ phần cho những cổ đông nhỏ, được giao toàn bộ cho Nhà nước xử lý, trả lại tiền cho người gửi và giải thế.
Ông Kiểm vận động một số người gửi có tiền và thân nhân cho vay bằng hình thức mua tài sản của ông với giá thấp bằng 1/3 thị trường. Ông cam kết mua lại bằng tiền gốc cộng lãi suất ngân hàng và thêm ½ số tiền họ nhận được trong vòng 3 năm. Tổng diện tích bất động sản của ông Kiểm vào thời điểm đó lên tới trên 1.500ha, chủ yếu ở TP.HCM, Bà Rịa – Vùng Tàu, Lâm Đồng.
Số phận đã ưu ái ông Kiểm và gia đình, khi Bộ Chính trị ra văn bản cho phép giãn nợ, khoanh nợ và không “hình sự hóa” vụ việc của công ty Huy Hoàng. Việc Chính phủ cho Huy Hoàng một cơ hội thứ hai cũng giúp cho một số doanh nghiệp khác nợ nần chồng chất vào thời điểm đó thoát hiểm.
Ba năm sau, thị trường địa ốc ấm lên, giá bất động sản tăng vọt, Giá đất ở quận 2, TP.HCM có lúc lên đên 40 -50 triệu đồng/m2. Ông Kiểm chuộc được gần hết đất, bán đất có tiền để trả toàn bộ số nợ, cộng cả lãi suất ngân hàng, theo ông cho biết, tổng cộng khoảng 500 tỷ đồng. Sự vận động của ông Kiểm đã góp phần dẫn đến việc Nhà nước tiến tới bỏ hình sự hóa các quan hệ kinh tế.
Trong một đoạn video tư liệu về ông Lê Văn Kiểm, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu nói: “Lúc đó có khi phải bò tù và lơ mơ là xử tử…Tinh thần họ rất cố gắng nhưng cũng khó vượt qua. Thủ tướng và tôi bàn, thống nhất giãn nợ cho người ta. Xử lý như thế là đúng”.
Ông Kiểm học được rất nhiều bài học về kinh doanh và nhân tình thế thái, bài học lớn nhất về kinh doanh là làm ăn đương nhiên phải vay, nhưng không nên quá 30 – 40% tài sản thực có. Ngoài ra, ông nói: “Chữ tín vô cùng quan trọng. Trước đây đã hứa với ai thì dù thua lỗ cũng phải giữ chữ tín, phải có trước, có sau”. Rồi ông lại nói thêm: “Đừng vay nhiều quá”.
Ông Kiểm kể lại, một trong những điều cảm động nhất là thời điểm khó khăn, có một số nhân viên công ty đến gặp ông, sẵn lòng giao giấy tờ sổ đỏ nhà của họ để ông cầm cố vay tiền trả nợ. Ông không nhận sự giúp đỡ ấy, nhưng ân tình đó thì suốt đời không quên được”.
Vừa trả được hết nợ, ông Kiểm lại đầu tư thành công dự án sân golf Long Thành. Khi xây dựng, bà Nhung vợ ông tự tay trồng cây trong sân golf. Hai người con tham gia quản lý các dự án đầu tư mới.
"Sứ giả của lòng nhân ái"
Có thể nói, hạnh phúc gia đình là nền tảng để vợ chồng doanh nhân Lê Văn Kiểm đạt đến thành công như hôm nay.
Kết hôn 30/4/1970 - Ngày Giải phóng (hoàn toàn) miền Nam, thống nhất đất nước, tới nay tròn 50 năm vợ chồng doanh nhân Lê Văn Kiểm và Trần Cẩm Nhung sát cánh vượt qua bao khó khăn, có thất bại và thành công.
Dù đã trở thành những doanh nhân thành đạt, nhưng ông Kiểm và bà Nhung vẫn luôn nhớ những tháng năm khó khăn vất vả, nhớ những người đã giúp đỡ để có hiện tại.
Và ông bà tâm niệm thật giản dị: “Vợ chồng tôi cùng các con luôn có chung suy nghĩ, bài tập thể dục thứ nhất cho trái tim là động tác đưa đôi tay của mình giúp đỡ cộng đồng”.
Những trầm lắng trong sự nghiệp kinh doanh có lẽ là một phần lý do khiến ông Kiểm và bà Nhung tập trung nhiều thời gian và tiền bạc vào công việc từ thiện và xã hội.
Ông bà bắt đầu xây dựng nhà tình nghĩa từ những năm đầu thập niên 1990, những hoạt động từ thiện được chú trọng nhiều hơn sau thời điểm đã vượt khó khăn.
Trải suốt dọc dài của đất nước, vợ chồng doanh nhân Lê Văn Kiểm và Trần Cẩm Nhung đã lập nhiều chương trình góp quỹ học học bổng lên tới cả chục tỷ đồng. Trong số đó có Quỹ học bổng giúp đỡ sinh viên nghèo Trường đại học Thủy Lợi 10 tỷ đồng, Quỹ khuyến học cho con cháu cựu chiến binh Việt Nam 10 tỷ đồng, Quỹ học bổng “Trần Cẩm Nhung-Chắp cánh ước mơ” 18 tỷ đồng, và ủng hộ “Chương trình Sữa học đường” lên tới 25 tỷ đồng… Ông Kiểm còn ký cam kết vận động đóng góp 5 triệu USD vào Quỹ Vietnam Health Fund cùng Tỷ phú Mỹ Bill Gates giúp đỡ, chăm sóc sức khỏe cho người nghèo ở Việt Nam và ngoài nước…
Mới đây, hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ Tướng Chính Phủ và Chủ tịch Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, vào ngày 20/3/2020, đại diện công ty Golf Long Thành đã thay mặt vợ chồng Cựu chiến binh Lê Văn Kiểm (Chủ tịch Công ty), Trần Cẩm Nhung (Phó Chủ tịch Công ty) trao số tiền 20 tỷ đồng.
Trong đó, 10 tỷ đồng của bà Trần Cẩm Nhung ủng hộ chương trình phòng chống dịch COVID-19 của Chính Phủ; 10 tỷ đồng của cựu chiến binh Lê Văn Kiểm ủng hộ chương trình phòng chống xâm nhập mặn ở Đồng Bằng Sông Cửu Long.
Như vậy tính đến nay ông Lê Văn Kiểm, Bà Trần Cẩm Nhung đã tham gia ủng hộ cho các chương trình đền ơn đáp nghĩa, từ thiện xã hội trong và ngoài nước với số tiền lên tới 1.250 tỷ đồng.
Trong một cuốn sách viết về gia đình ông mang tên “Cả cuộc đời bình dị một chữ Nhân” của nhà xuất bản Thông Tấn Xã có rất nhiều lưu bút của các vị lãnh đạo hàng đầu Đảng và Chính phủ, kể cả các vị đương chức, khen ngợi những đóng góp của ông Kiểm.
Ngoài ra, còn có thư cảm ơn của Thủ tướng Lào và Thủ tướng Camphuchia về những hoạt động từ thiện mà ông thực hiện ở những nước này. Ông Kiểm coi việc làm từ thiện ở Campuchia như một sự đền ơn đáp nghĩa mang tính quốc gia. Ông tổ chức quyên tiền và rủ ông Dương Quốc Minh, Chủ tịch tập đoàn Him Lam cùng xây ngôi trường trị giá 700.000 USD tại quê nhà của ông Hun Sen.
Với những nỗ lực và thành công trong sản xuất, kinh doanh, đóng góp cho công tác từ thiện, ông Kiểm và bà Nhung đã được Đảng và Nhà nước Việt Nam trao tặng nhiều huân, huy chương cao quý như: Huân chương Lao động Nhất, Nhì, Ba; danh hiệu “Anh hùng Lao động”…
Bên cạnh đó, ông Kiểm và bà Nhung còn được Chủ tịch nước CHDCND Lào tặng nhiều phần thưởng cao quý, như: Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Phát triển hạng Nhất; Huân chương Tự do; Huân chương Hữu nghị… Đồng thời Chính phủ Hoàng gia Campuchia cũng đã trao tặng cho ông bà Huân chương Hữu nghị và Huân chương Công trạng.
Hy vọng ở thế hệ kế thừa
Ở tuổi 75, Người lính giải phóng Lê Văn Kiểm năm nào nay là Chủ tịch HĐQT công ty Golf Long Thành; Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân cựu chiến binh Việt Nam; Chủ tịch HĐQT Tập đoàn KN và Đặc khu kinh tế Long Thành - Viêng Chăn,...
Vợ ông giữ chức phó chủ tịch thường trực hội đồng quản trị.
Việc điều hành tại công ty đang được chuyển giao cho thế hệ thứ hai. Hai người con của họ đều tham gia vào việc phát triển công ty.
Con gái Lê Nữ Thùy Dương làm phó tổng giám đốc từ năm 2003, sau 12 năm, được trao quyền tổng giám đốc điều hành từ 2015.
Đang trực tiếp quản lý hoạt động đầu tư của công ty ở trong nước, bà Lê Nữ Thùy Dương chia sẻ: “Ba mẹ tôi đã xây dựng cho tôi ý thức tự lập khi còn tuổi niên thiếu từ việc học tập, sinh hoạt, khi tiếp cận với công việc cũng hướng đến cho tôi ý thức làm việc độc lập, tư duy sáng tạo và tinh thần trách nhiệm,” bà Dương kể về cách đào tạo, huấn luyện qua công việc của thế hệ sáng lập công ty.
“Tôi học được từ cha về cách nghĩ, tầm nhìn chiến lược. Còn từ mẹ, sự tỉ mỉ trong công việc và gần gũi đội ngũ nhân viên,” bà Dương cho biết thêm. Không chỉ tham gia hoạt động kinh doanh của gia đình, Thùy Dương còn tham gia nhiều hoạt động ở các tổ chức khác, và nhờ đó có thêm kinh nghiệm về quản trị.
Tổng công ty Long Thành, với các dự án bất động sản có tổng diện tích trên 2.000ha, hiện có khoảng 2.000 lao động. Người con gái Lê Nữ Thùy Dương, nữ doanh nhân trẻ trước đó đang du học ở Úc về giúp bố mẹ trong thời gian khó khăn, nay có bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh trường Maastricht (Hà Lan) và đang trực tiếp quản lý hoạt động đầu tư của công ty ở trong nước, trong đó nổi bật có hai dự án liên doanh với CapitalLand của Singapere ở quận 2. Thùy Dương còn đại diện quỹ Orchid Fund của Richard Chandler, tỷ phú người gốc New Zealand, trong Hội đồng Quản trị của FPT.
Ông Lê Huy Hoàng, người con trai cả của ông Kiểm hiện trông coi các dự án đầu tư tại Lào. Công ty đang trải qua giai đoạn tái cơ cấu nhằm nâng cao chất lượng quản trị chuyên nghiệp, vượt khỏi hình thức công ty gia đình.
Doanh nghiệp gia đình này đã sắp xếp lại theo mô hình tập đoàn với thương hiệu KN Investment Group.
Vậy KN có ý nghĩa gì? “Đó là hai chữ viết tắt từ tên của hai nhà sáng lập (ông Kiểm - bà Nhung)” Thùy Dương giải thích. “Chúng tôi muốn phát huy truyền thống gia đình.”