Nữ doanh nhân cần biến thách thức thành cơ hội, biến hành động thành kết quả
Nữ doanh nhân – những bông hoa tươi đẹp, không chỉ thông minh, năng động trong kinh doanh mà còn mang tâm hồn, giá trị văn hóa và bản sắc của phụ nữ Việt Nam.
Đó là đánh giá của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình tại Đại hội đại biểu Hiệp hội nữ Doanh nhân Việt Nam lần thứ hai, nhiệm kỳ 2021 – 2026 diễn ra mới đây.
Lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã cho thấy, phụ nữ Việt Nam luôn phát huy truyền thống anh hùng của Bà Trưng, Bà Triệu, có những đóng góp to lớn, góp phần làm rạng rỡ đất nước ta, dân tộc ta. Đảng và Nhà nước ta luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp nói chung và đội ngũ doanh nhân nữ nói riêng nhằm xây dựng đội ngũ doanh nhân hùng hậu cho đất nước vì một Việt Nam ”dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, trong đó luôn đưa ra các chủ trương, chính sách và cơ chế, tạo môi trường thuận lợi cho mọi người dân và doanh nghiệp. Đây là những cơ hội để cộng đồng nữ doanh nhân ngày càng thể hiện bản lĩnh và khí chất bà Trưng, bà Triệu trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Trong công cuộc đổi mới, phát triển đất nước ngày nay, những phẩm chất cao quý của người phụ nữ Việt Nam là đoàn kết, năng động, sáng tạo tiếp tục được khẳng định. Phụ nữ Việt Nam tiến bộ về mọi mặt, trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp; địa vị của phụ nữ trong gia đình và xã hội được nâng cao; đời sống vật chất và tinh thần của phụ nữ ngày càng được cải thiện. Rất nhiều gương phụ nữ tài năng xuất hiện, nhiều điển hình tiêu biểu của phụ nữ với những cống hiến xuất sắc trong lãnh đạo quản lý, nghiên cứu khoa học, sản xuất, kinh doanh, xoá đói giảm nghèo, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc…
Đặc biệt, đội ngũ nữ doanh nhân Việt Nam - những người không chỉ làm tròn thiên chức người mẹ, người vợ đảm đang, tháo vát trong các gia đình, mà còn giỏi giang tham gia gánh vác, chèo lái các hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo nên những thành công và uy tín về phát triển của đất nước ta trong những năm qua. Trong tổng số doanh nghiệp cả nước, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ chiếm 26,5%. Khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm hơn 90% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, là khu vực chủ yếu do nữ làm chủ, đóng góp 40% GDP, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động.
Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn do chị em phụ nữ làm chủ không những là những doanh nghiệp tầm cỡ trong nước mà còn vươn ra quốc tế góp phần làm tăng uy tín và vị thế của đất nước, các doanh nghiệp này đã duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, giải quyết nhiều việc làm và bảo đảm đời sống, thu nhập cho cán bộ, nhân viên; đồng thời tham gia tích cực vào việc thực hiện trách nhiệm xã hội.
Đã có hàng chục nữ doanh nhân Việt Nam lọt vào danh sách “Top 50 doanh nhân quyền lực châu Á”, “Nữ Doanh nhân ASEAN tiêu biểu”, “Giải thưởng Nữ doanh nhân quyền lực”, “50 nhà lãnh đạo doanh nghiệp xuất sắc đang thay đổi các ngành công nghiệp và khu vực”, “50 Phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam" và hàng trăm nữ doanh nhân được tặng danh hiệu “Nữ doanh nhân Việt Nam tiêu biểu – Cúp Bông hồng vàng” cùng các danh hiệu cao quý khác. Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực của chính bản thân nữ doanh nhân đã góp phần đưa Việt Nam xếp thứ 6 trong số các quốc gia có tỷ lệ nữ doanh nhân cao nhất và là đại diện châu Á duy nhất có mặt trong Top 10 quốc gia có tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo. Thay mặt Chính phủ, xin chúc mừng những thành công của các nữ doanh nhân Việt Nam nói riêng và chúc mừng những bước tiến bộ của nữ giới ở nước ta nói chung.
Qua các báo cáo và tham luận tại Đại hội, chúng ta rất vui mừng với những bước phát triển của Hiệp hội trong nhiệm kỳ. Tổng số hội viên đến năm 2020 là 7.036, tăng so với đầu nhiệm kỳ là 3.197 hội viên (gấp 1,8 lần) và có 15 Hội tỉnh/thành được thành lập mới, nâng tổng số tổ chức Hội trong toàn quốc lên 30. Hoạt động của Hiệp hội có nhiều điểm nổi trội, nhất là các hoạt động hỗ trợ hội viên xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu… và hoạt động từ thiện xã hội. Các hoạt động đa dạng, cụ thể và thiết thực của Hiệp hội, góp phần quan trọng trong việc xây dựng cộng đồng khối doanh nhân nói chung và khối doanh nhân nữ nói riêng ngày càng đoàn kết, vững mạnh, cùng nhau hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị, chèo lái con thuyền doanh nghiệp vững vàng trong giai đoạn cạnh tranh ngày càng gay gắt của nền kinh tế thị trường thời mở cửa, hội nhập sâu rộng.
"Tôi đánh giá cao những thành công của Hội trong nhiệm kỳ vừa qua, nhất là việc kết nối, chăm lo hội viên được các tổ chức Hội thường xuyên quan tâm thực hiện như việc các Hội tổ chức gặp mặt, kết nối nữ doanh nhân, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm, thăm hỏi, chúc mừng các sự kiện của doanh nghiệp, biểu dương nữ doanh nhân hội viên vào các dịp kỷ niệm và các ngày lễ lớn; việc tổ chức sự kiện quan trọng “Nữ doanh nhân thời đại Hồ Chí Minh” để biểu dương khen thưởng nữ doanh nhân tiêu biểu của cả nước. Đặc biệt trong năm 2020, Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam đã tích cực quyên góp, ủng hộ các lực lượng tuyến đầu chống dịch, nhân dân các địa phương vùng dịch và ủng hộ đồng bào các vùng bị bão lụt… với tổng giá trị gần 20 tỉ đồng, thể hiện tinh thần trách nhiệm với cộng đồng và tấm lòng nhân ái của nữ doanh nhân", Phó thủ tướng Thường trực cho biết.
Đại dịch Covid-19 đã và đang diễn biến rất phức tạp làm đảo lộn cả thế giới, tác động tiêu cực đến toàn bộ đời sống của người dân. Mặc dù thế giới đã có Vắc-Xin nhưng các biến thể của Covid-19 rất khó lường, cũng chưa có một báo cáo nào khẳng định hoặc dự báo chính xác thời điểm thế giới có thể kiểm soát được đại dịch Covid-19.
Trong bối cảnh đại dịch và kinh tế toàn cầu suy giảm mạnh, nhiều nước tăng trưởng âm, nhưng tốc độ tăng trưởng GDP của nước ta năm 2020 vẫn đạt khoảng 2,91% và được đánh giá là quốc gia có tốc độ cao nhất trong Khu vực; Nhiều Doanh nghiệp Việt Nam trong đó có doanh nghiệp do nữ làm chủ, lãnh đạo đã biết biến “nguy” thành “cơ”, linh hoạt chuyển đổi mô hình và phương thức quản trị doanh nghiệp, sản xuất - kinh doanh, duy trì và chèo lái con thuyền doanh nghiệp của mình vượt qua khó khăn một cách ngoạn mục.
Qua đây, cho thấy sự nổi bật của vai trò, sự tự chủ của các nữ doanh nhân trong hoạt động của các doanh nghiệp, trong việc đưa doanh nghiệp vượt qua khó khăn để phát triển, đồng hành, chia sẻ, gánh vác trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt trong việc thực hiện “mục tiêu kép” của Chính phủ giai đoạn vừa qua. Đó thực sự là ý chí kiên cường, dám nghĩ dám làm, luôn đổi mới, sáng tạo, không ngừng phấn đấu vươn lên... thể hiện những đóng góp rất tích cực vào thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, từng bước khẳng định được uy tín, thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp trong nước và quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và thế giới.
"Tôi mong rằng, các nữ doanh nhân tiếp tục hoạt động năng động, sáng tạo, thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn nữa nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động và hiệu quả quản lý... ngày càng khẳng định vai trò nòng cốt, tiên phong của đội ngũ doanh nhân trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước", Phó Thủ tướng Thường trực nói.
Chúng ta đã bước vào năm đầu tiên của chặng đường thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII trong bối cảnh dự báo tình hình thế giới tiếp tục chuyển biến nhanh, phức tạp và khó dự báo, đan xen cả thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, với định hướng xây dựng nền kinh tế đổi mới sáng tạo, động viên tốt nhất tinh thần khởi nghiệp, tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp; thúc đẩy kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của sự phát triển. Chính phủ đang nỗ lực thúc đẩy thực hiện thành công chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; Chương trình đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”; Chương trình đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025” và đưa ra các giải pháp, các gói cứu trợ cần thiết trong khả năng cho phép để giúp cộng đồng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn với phương châm: biến “thách thức’ thành ‘cơ hội”, biến “cơ hội” thành “nguồn lực”, biến “nguồn lực’ thành “hành động” và biến “hành động’ thành “kết quả” để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển bền vững và vươn ra khu vực và quốc tế.
Để phát huy hơn nữa vai trò của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các doanh nhân nữ nhằm thực hiện được khát vọng phát triển đất nước phồn vinh và hạnh phúc, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đề nghị:
Một là, xây dựng Hội trở thành một tổ chức mạnh cả về số lượng và chất lượng; khẳng định giá trị cốt lõi của Hiệp hội “Đoàn kết - Hợp tác – Sáng tạo – Phát triển – Bền vững”, góp phần phát triển cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân trong thời kỳ mới của đất nước; vì bình đẳng, tiến bộ và bảo vệ lợi ích hợp pháp của các hội viên.
Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam ra đời với mục đích tập hợp, đoàn kết, hỗ trợ, phát huy tài năng, trí tuệ và vai trò của nữ doanh nhân; đại diện cho ý chí, nguyện vọng và trí tuệ của nữ doanh nhân cả nước; là nơi các tổ chức, cá nhân nữ doanh nhân chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm; nâng cao về chuyên môn, kiến thức; bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của doanh nghiệp, doanh nhân nữ và lao động nữ trong doanh nghiệp và đặc biệt đánh dấu bước trưởng thành quan trọng của lực lượng nữ doanh nhân cũng như nhu cầu phát triển về tổ chức của nữ doanh nhân trong giai đoạn mới.
Hai là, Hội cần tuyên truyền, vận động các doanh nhân nói cung và doanh nhân nữ nói riêng hoạt động kinh doanh trong khuôn khổ pháp luật, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, thực hiện các nghĩa vụ với Nhà nước và đảm bảo quyền lợi của người lao động, sản xuất, kinh doanh hướng tới phát triển bền vững và xây dựng phong cách Nữ doanh nhân mang đậm bản sắc và con người Việt Nam.
Ba là, tập trung hỗ trợ doanh nhân nữ chuyển đổi số, đổi mới mô hình và cách thức kinh doanh, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tiết kiệm chi phí và nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.
Chúng ta đang sống trong thời đại mà sự phát triển như vũ bão của cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra những thay đổi cả về phương thức sản xuất, tạo thêm tài sản, nguồn lực số cho nhân loại, thay đổi cách thức giao tiếp của con người... Xu thế này là tất yếu và không thể đảo ngược, vì vậy, để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế sâu rộng chúng ta càng phải tận dụng tốt các cơ hội mà cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại, thực hiện tốt và nhanh chuyển đổi số.
Đại dịch covid-19 càng cho thấy chuyển đổi số là xu thế của thời đại, xuất hiện mạnh mẽ ở mọi lĩnh vực, bởi “cốt lõi” của CMCN 4.0 chính là chuyển đổi số, với sự tích hợp của số hóa, kết nối/siêu kết nối và xử lý dữ liệu thông minh. Công nghệ số được ứng dụng trong tất cả các lĩnh vực và ngành kinh tế, từ công nghiệp, nông nghiệp cho đến dịch vụ; từ sản xuất đến phân phối và lưu thông hàng hóa cho đến các hạ tầng hỗ trợ như giao thông vận tải, logistics, tài chính, ngân hàng,... Kinh tế số tạo thêm nguồn tài nguyên mới (tài nguyên số, của cải số) cho phát triển, thay đổi cách tiếp xúc trong làm việc, tạo cơ hội cho các nước tận dụng tốt cơ hội vươn lên. Trong bối cảnh đó, sự cạnh tranh giữa các quốc gia, giữa các doanh nghiệp ngày càng gay gắt, tận dụng được cơ hội chuyển đổi số để nâng cao năng lực cạnh tranh sẽ quyết định sự vươn lên hay tụt hậu của mỗi quốc gia, của doanh nghiệp. Vì vậy, Hội cần phải đặc biệt quan tâm và hỗ trợ các hội viên thực hiện chuyển đổi số vì phát triển doanh nghiệp bền vững và ngày càng lớn mạnh.
Bốn là, Hội cần hỗ trợ Hội viên thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động xúc tiến thương mại, tận dụng cơ hội mà các Hiệp định thương mại thế hệ mới mang lại (EVFTA, CPTTP...); kết nối các doanh nhân nữ; nỗ lực, sáng tạo để có các hoạt động thiết thực cho doanh nhân nữ, giúp các doanh nghiệp và doanh nhân nữ vượt qua các khó khăn thách thức, tạo cơ hội thúc đẩy sự tham gia mạnh mẽ hơn nữa của phụ nữ vào cộng đồng doanh nhân.
Năm là, hỗ trợ doanh nghiệp của Hội viên xây dựng thương hiệu, tạo điều kiện tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu; xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân trong kinh doanh nhằm nâng cao khả năng hội nhập quốc tế.
Sáu là, Hội viên và Hội cần tích cực đóng góp xây dựng chính sách pháp luật, nhất là pháp luật liên quan đến doanh nghiệp và doanh nhân nữ. Tăng cường đối thoại chính sách, đề xuất với lãnh đạo Đảng và Nhà nước về tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp và doanh nhân nữ.
Bảy là, Hiệp hội nữ doanh nhân Việt Nam và Hội đồng doanh nhân nữ Việt Nam VCCI cần phối hợp thật chặt chẽ nhằm tăng cường nguồn lực, tăng cường sức mạnh hỗ trợ hiệu quả, thiết thực cho các doanh nghiệp nữ Việt Nam.
Nhân đây, tôi cũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương phải luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp do doanh nhân nữ làm chủ, cùng nhau tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách, tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng và hỗ trợ nhiều hơn nữa để nữ doanh nhân đóng góp ngày càng nhiều hơn nữa cho đất nước.
Với những thành tích đã đạt được của Hội cùng với phẩm chất của người phụ nữa Việt Nam, Tôi tin tưởng rằng, nữ doanh nhân Việt Nam sẽ vượt qua được những khó khăn, những thách thức thời cuộc, tiếp tục năng động, sáng tạo, phát huy tinh thần đoàn kết, trí tuệ để phát triển bền vững. Với bản lĩnh và tầm nhìn, khí thế và khát vọng, các nữ doanh nhân sẽ phát huy những thành tựu và kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, tồn tại, làm hết sức mình, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đưa đất nước ta phát triển nhanh, bền vững, thực hiện thành công khát vọng phát triển đất nước phồn vinh và hạnh phúc.