Doanh nhân tham gia phục hồi kinh tế

PV 15/10/2021 17:50

Nhân Ngày doanh nhân Việt Nam 13/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt doanh nhân để ghi nhận, biểu dương và lắng nghe mong muốn, nguyện vọng của cộng đồng doanh nhân.

Ông Nguyễn Mạnh Cường - Bí thư Đảng uỷ, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam:
Mong hợp tác chặt chẽ với VCCI góp ý chính sách

Đồng hành cùng với cộng đồng doanh nghiệp doanh nhân trong chuỗi cung ứng chuỗi giá trị của nền kinh tế với hơn 26 nghìn hợp tác xã, 106 liên hiệp hợp tác xã, thu hút hơn 8 triệu thành viên trong đó chủ yếu là kinh tế hộ gia đình ở các địa bàn nông thôn đã có những đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế xã hội nhanh và bền vững.

Khu vực kinh tế tập thể hợp tác xã tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, mang tính nhân văn sâu sắc, phát huy giá trị hợp tác của cộng đồng, tự lực tự cường cùng cộng đồng doanh nghiệp, đóng góp tích cực vào công cuộc thắng lợi nền kinh tế xã hội đất nước.

Liên minh hợp tác xã Việt Nam mong muốn phối hợp chặt chẽ với VCCI trong tuyên truyền các chính sách chủ trương của Đảng và Nhà nước, chủ động tích cực nghiên cứu đề xuất các cấp các ngành để sửa đổi bổ sung hoàn thiện quy định pháp luật, các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp là hợp tác xã để khôi phục và phát triển hộ kinh doanh.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh – Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam:
Đồng bộ chiến lược quốc gia và phát triển bền vững

Doanh nghiệp mong muốn trong các chiến lược quốc gia thì sẽ tập trung đồng bộ với chiến lược quốc gia phát triển bền vững. Đơn cử: Về bình đẳng giới, có quy định tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ trong năm 2025 là 27% và đến năm 2030 là 30%, nhưng trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội, thì không hề có chỉ tiêu này, nên đó là điều rất khó để đồng bộ trong việc chỉ đạo chung của Chính phủ. Thứ hai, Chính phủ đưa vào doanh nghiệp khái niệm doanh nghiệp phụ nữ làm chủ mà rất nhiều nước đã có khái niệm này, như Anh, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc,..."Vừa rồi, dưới sự chỉ đạo của VCCI, ai chúng tôi đã nỗ lực đưa vào khái niệm doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ. Thứ ba, trong thời gian tới, hội đồng doanh nghiệp nữ sẽ còn rất nhiều khó khăn và những khó khăn này được thể hiện bởi những tác động của COVID rất khó lường. Chúng tôi kiến nghị Chính phủ sẽ tiếp tục có hỗ trợ, trong đó có gói hỗ trợ đặc thù cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam:
Đưa khai niệm bất khả kháng vào xử lý hợp đồng

Hiện nay trong Luật Dân sự, Luật Xây dựng và tất cả các luật khác đều không nói tới việc dịch COVID-19 có nằm trong bất khả kháng hay không. Việc xử lý các hợp đồng đầu tư công hiện nay là rất khó khăn. Các hợp đồng thi công ở các tỉnh phía Nam đều bị dừng trên 4 tháng, còn các hợp đồng ở các tỉnh phía Bắc bị dừng khoảng 2 tháng. Đây chính là vấn đề chúng tôi đã kiến nghị qua Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư và ghi nhận đây là trường hợp phải báo cáo Thủ tướng.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xây dựng mặc dù hiện nay lãi suất huy động 3-5% nhưng các doanh nghiệp vẫn phải chấp nhận 9-10%, mặc dù có chủ trương nhưng áp dụng của các ngân hàng thương mại vẫn rất cao. Mong muốn để các doanh nghiệp xây dựng được hưởng lãi suất tốt hơn.

Ông Nguyễn Trung Chính – Chủ tịch CMC Group:
Giao tư nhân phát triển hạ tầng công nghệ số

Công nghệ và chuyển đổi số chính là liều vaccine hữu hiệu và cần thiết giúp cho đất nước nói chung và doanh nghiệp nói riêng ứng phó hiệu quả với COVID. Các doanh nghiệp công nghệ số của chúng tôi sẽ là tiên phong là nòng cốt trong chiến lược chuyển đổi số quốc gia.

Doanh nghiệp đề xuất: Thứ nhất, Chính phủ nhanh chóng khôi phục hoạt động kinh tế xã hội theo tinh thần bình thường mới để hoạt động nhanh, nhanh nhất có thể hỗ trợ doanh ng doanh nhân vượt qua khó khăn. Nhanh thì thắng, chớp được cơ hội. Thứ hai, mong Thủ tướng Chính phủ mạnh dạn giao cho các tập đoàn công nghệ thông tin trong nước xây dựng các dự án phát triển hạ tầng công nghệ số. CMC sẵn sàng đầu tư hạ tầng số hàng tỷ USD để phát triển hơn nữa nền công nghệ nước nhà.

Ông Lê Vĩnh Sơn - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sơn Hà:
Chính sách tài khóa linh hoạt theo chu kỳ

Trong bối cảnh khó khăn, những nỗ lực của tự thân doanh nghiệp là chưa đủ. Doanh nghiệp đề nghị Đảng, Nhà nước và Chính phủ có các quyết sách quyết liệt về trung và dài hạn đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp nhằm giảm việc mất khả năng thanh khoản, kích thích tiêu dùng trong nước… Có chính sách tài khoá linh hoạt theo chu kỳ, sử dụng ngân sách cho vay ưu đãi, nới lỏng các điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất ưu đãi. Sau đại dịch, các gói tài khoá cần chuyển hướng sang hỗ trợ có trọng tâm để doanh nghiệp cơ cấu lại. Đề nghị ngân hàng nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại hạ lãi suất, hỗ trợ nguồn vốn cho doanh nghiệp hồi phục sản xuất kinh doanh.

Chính phủ cần hỗ trợ doanh nghiệp có thị trường mới để nhập khẩu nguyên liệu và xuất khẩu sản phẩm. Đào tạo lại lực lượng lao động để lao động đáp ứng được nhu cầu cơ cấu lại nền kinh tế trong bối cảnh mới.

Ông Lê Thanh Thuấn - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sao Mai:
Sử dụng tối đa nguồn năng lượng tái tạo

Một trong những bài toán lớn nhất trong xây dựng Quy hoạch điện 8 phải giảm áp lực cho truyền tải điện, nhưng việc cắt giảm luân phiên điện năng lượng tái tạo không phải là phương án lâu dài, điều này gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp, đặc biệt lãng phí tài nguyên.

Trên thế giới phát triển Năng lượng Tái tạo luôn gắn liền với lưới điện thông minh và lưới điện liên kết vùng để tạo sự uyển chuyển trong điều độ theo sự bất thường của Năng lượng tái tạo. Hai điều này là xu thế tất yếu, chúng ta cần phải làm bằng mọi giải pháp để sử dụng tối đa nguồn năng lượng tái tạo, trong đó có cả xã hội hóa như đang thí điểm vừa qua. Tuy nhiên, vốn đầu tư cho việc phát triển lưới điện thông minh rất cao và khó khăn trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng đó cũng là áp lực lớn cho EVN và Chính phủ khi muốn phát triển điện năng lượng tái tạo.

PV