Nghệ nhân áo dài Lan Hương: Để thành danh, hãy là chính mình
“Người sáng tạo ra tác phẩm nghệ thuật phải có tình yêu, đam mê và sáng tạo. Các NTK trẻ hãy là chính mình, viết câu chuyện của mình, không sao chép bất kỳ một ý tưởng nào thì sẽ thành công”.
>>>Sức hút của áo dài trong ngày Tết
>>>Áo dài làm đẹp cho PV GAS trong tuần lễ chào mừng Ngày 8/3
Hiện nay, nghệ nhân ưu tú - nhà thiết kế (NTK) Lan Hương là một trong số ít người gặt hái được nhiều thành công khi gắn bó với áo dài truyền thống Việt Nam. Bà nổi tiếng là người kĩ tính, cầu toàn và thể hiện được phong cách riêng với mỗi chiếc áo dài. NTK Lan Hương đã có những chia sẻ với tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp về áo dài truyền thống của Việt Nam.
- Thưa bà, cơ duyên nào đưa bà đến với áo dài Việt Nam?
Ngay từ nhỏ, khi theo mẹ lên rừng đốn củi, tôi đã rất thích ngắm những bộ trang phục dân tộc đầy sắc màu. Gần nhà tôi có cô thợ may, cứ mỗi chiều tôi lại chạy sang học may vá, thêu thùa. Biết tôi thích may vá, bố mẹ đã tặng một chiếc máy may, là phần thưởng khi tôi đỗ đại học. Tranh thủ những hôm học bài xong sớm, tôi lại lấy vải mua cân ngoài chợ may quần áo. Bạn bè thấy đẹp lại rẻ nên đặt hàng may. Nhờ công việc “tay trái” ấy, tôi có thêm chút thu nhập trang trải học hành. Ra trường, tôi mở một cửa hàng may nhỏ để trang trải cuộc sống gia đình, cũng là để thực hiện đam mê của mình. Đường kim mũi chỉ khéo léo, dần dần, cửa hàng thêm đông khách. Một mình vừa là thợ chính, vừa là thợ phụ, suốt từ sáng đến tối không lúc nào nghỉ tay.
Khoảng 20 năm trước, áo dài Việt Nam chưa thực sự được quan tâm, một phần bởi áo dài cũng chưa có nhiều đặc sắc. Tôi mong ước làm sao để áo dài trên sân khấu thời trang phải thực sự bứt phá, đẹp và đặc biệt. Vì vậy, tôi quyết định đã lựa chọn áo dài để phát triển sự nghiệp của mình.
Ngay khi bắt đầu, tôi đã xác định phải làm những chiếc áo dài từ sản phẩm lụa, những họa tiết phải được thêu tay thủ công. Với tôi, 2 yếu tố cơ bản để giúp cho áo dài thăng hoa là phải tạo thành xu hướng là áo dài lụa và thêu tay thủ công.
- Xác định hướng đi đó, bà có nhận được nhiều sự ủng hộ không, vì phát triển sản phẩm lụa và thêu tay thủ công không hề đơn giản?
Lúc đó, tôi nhận rất nhiều ý kiến trái chiều. Trong khi đó, tôi không được đào tạo chuyên ngành, không am hiểu nhiều về áo dài mà chỉ đi theo đam mê và khát vọng. Tôi phải tự mày mò, vừa làm vừa học hỏi. Thời gian đầu, khi tôi thiết kế áo dài theo mẫu của riêng mình theo chất lụa và thêu tay, nhiều khách hàng bày tỏ không thích. Mọi người cho rằng áo dài trên lụa thì già mà còn thêu tay thì cổ hủ,… Tôi phải đi thuyết phục từng người khách, rồi phải đi tìm người thợ thêu từ các làng nghề. Mãi mới tìm được vài người thợ, nhưng họ lại không muốn thêu trên mẫu của tôi. Họ nghĩ sẽ không phát triển được và làm ra thì không có ai mặc. Thời điểm ấy, khó khăn bủa vây quanh, nhưng tôi không bỏ cuộc.
>>>NEM - "Vẻ đẹp quyến rũ thời trang Pháp" nhưng khó quyến rũ người mua nợ
>>>>CEO& Founder Chu Phương Linh: 4.0 và cơ hội lớn của ngành thời trang
Những nỗ lực của tôi đã được đền đáp. Tôi đã có những khách hàng đầu tiên tin tưởng, mang những chiếc áo dài do tôi thiết kế sử dụng. Khách hàng thấy đẹp, thấy phá cách và áo dài có những điểm nhấn, số người tìm đến đặt may bắt đầu nhiều hơn, sản phẩm của tôi đã được mọi người đón nhận. Tôi chăm chút cho mỗi khách hàng tỷ mỉ và cẩn thận, từ khâu nguyên liệu cho đến thợ, cho đến khi người mặc khoác trên người. Tôi sẵn sàng cam kết với khách hàng về chất lượng, mẫu mã cũng như thời thượng, giá trị, xa xỉ và đặc biệt là trẻ trung.
- Những gì đạt được hiện nay đã thỏa mãn giấc mơ của bà chưa, thưa bà?
Sau 20 năm ra đời và phát triển, tôi rất vui vì áo dài lụa thêu tay trở thành xu hướng thời trang cho cả nước. Hiện nay, áo dài lụa thêu tay đã chiếm phần lớn thị phần áo dài và có nhiều NTK cùng tham gia, phát triển.
Với tôi, áo dài phải thực sự là một tác phẩm để khi bất cứ ai nhìn vào cũng muốn được mặc. Từ những hoạt động đơn giản thường nhật như đám cưới, lễ hội các đến các sự kiện mang tính nghệ thuật cao như thi hoa hậu, người đẹp, phục vụ các kỳ họp quốc tế của các nguyên thủ quốc gia...
Áo của tôi đã vươn ra các cuộc trình diễn quốc tế, khẳng định vẻ đẹp thời trang truyền thống của dân tộc. Bản thân nữ tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã mặc áo dài do tôi tiết kế, hay phu nhân Hoa Kỳ Jill Biden cũng dùng khăn lụa thêu của chúng tôi.
- Bà thấy áo dài Việt có nét độc đáo gì so với trang phục của nhiều quốc gia trên thế giới ?
Theo như nhận xét của nhiều người yêu thời trang trên thế giới khi nghiên cứu về áo dài Việt Nam thì thì điểm độc đáo của áo dài Việt được đúc kết trong từ “sexy”. Có nghĩa là là áo dài tôn vinh tất cả các đường nét trên cơ thể người mặc, nhất là phụ nữ. Nó không quá nặng nề, rất mỏng manh, nền nã, duyên dáng, mượt mà, kín đáo nhưng lại phô diễn tất cả các đường nét cơ thể của người mặc.
- Theo bà, thị hiếu của giới trẻ với áo dài hiện nay như thế nào?
Thị hiếu áo dài của giới trẻ hiện nay có những khuynh hướng khác nhau. Có những người muốn hiện đại hóa, nhưng cũng có người loay hoay tìm về cổ phục hoặc đang muốn làm một điều gì đó bứt phá cho áo dài. Đó là điều tốt, bởi như thế thị trường áo dài sẽ phong phú hơn, mang lại nhiều sự lựa chọn cho các NTK cũng như người sử dụng.
- Vậy, với các NTK trẻ muốn “thành danh” cần có những điều kiện gì, thưa bà?
Tôi cho rằng, người sáng tạo ra tác phẩm nghệ thuật phải có tình yêu, đam mê và sáng tạo. Các NTK trẻ hãy viết lên câu chuyện của mình, không sao chép, copy, bất kỳ một ý tưởng nào, của ai. Khi tạo được nét đi riêng cho mình thì những tác phẩm sáng tạo sẽ có tinh thần, nét tinh túy, sự lắng đọng. Còn nếu như chỉ đi lại theo những lối mòn của những người khác đã làm thì sẽ vô hồn, không có sự sáng tạo sẽ rất khó thành công.
Ngoài ra, các NTK trẻ hãy là chính mình. Hãy vẽ bức tranh của riêng mình và mang tinh thần từ chính tác phẩm của mình. Có như vậy, bạn sẽ sớm thành công.
- Bà có định hướng chiến lược phát triển trong thời gian tới như thế nào?
Tôi làm việc vì đam mê chứ không chú trọng làm hình ảnh, PR. Do đó, tôi chỉ muốn làm sao bứt phá được cho chiếc áo dài, mang lại những giá trị tốt nhất, tích cực nhất cho người dùng và hình ảnh áo dài Việt nói chung. Hơn nữa, nếu trước đây chỉ có 2% người có nhu cầu mặc áo dài thêu thì bây giờ lên đến 50 – 70% người có nhu cầu trong xã hội. Nhưng tôi may mắn vì luôn giữ được số thị phần khách hàng rất vững, những người yêu và muốn đầu tư cho áo dài. Tới đây, tôi muốn phát triển áo dài theo hướng hòa với thiên nhiên. Vì thế, tôi có dự án phát triển áo dài theo hướng khác biệt so với 20 năm trước và sự thành công thì còn phải chờ đợi, nhưng tôi tin chắc về giá trị thật.
Xin cảm ơn bà./.
Có thể bạn quan tâm
"Nữ hoàng hoa hồng" khởi nghiệp thành công với áo dài
13:01, 24/02/2022
Sức hút của áo dài trong ngày Tết
03:00, 02/02/2022
Áo dài làm đẹp cho PV GAS trong tuần lễ chào mừng Ngày 8/3
11:00, 08/03/2021
Công chức mặc áo dài đi làm: Có thể vừa thực hiện vừa điều chỉnh cho phù hợp!
05:00, 13/09/2020