Cuộc “rong chơi” của các tỷ phú lĩnh vực truyền thông

Nguyễn Chuẩn 21/06/2023 10:00

Trong hơn một thế kỷ qua, những người giàu nhất thế giới dường như luôn có khát khao thống trị lĩnh vực truyền thông...

>>Báo chí trong “thế giới phẳng”

Giới siêu giàu trên thế giới dường như chưa bao giờ ngừng tham vọng sở hữu các phương tiện truyền thông khi đã bỏ ra hàng núi tiền để mua lại các nền tảng truyền thông đại chúng, bao gồm báo, tạp chí và thậm chí cả mạng xã hội, trong vài năm qua.

Đây không phải là một xu hướng hoàn toàn mới. Trong hơn một thế kỷ qua, những người giàu nhất thế giới dường như luôn có khát khao thống trị lĩnh vực truyền thông, với rất nhiều người trong số họ vẫn còn sở hữu các đế chế truyền thông rộng lớn cho đến ngày nay, bao gồm các gia tộc Bloomberg, Hearst, Newhouse, Murdoch và Ochs-Sulzberger.

Gần đây, tham gia vào danh sách những cái tên huyền thoại đó là một câu lạc bộ mới gồm các nhà đầu tư có “rất nhiều tiền để đốt” và với niềm tin rằng vẫn có thể kiếm được tiền hoặc thu được thứ gì đó khác từ việc sở hữu một doanh nghiệp truyền thông.

Hãy xem ai là những tỷ phú tên tuổi đã mua lại các công ty truyền thông hay báo chí trong thời gian qua?

Jeff Bezos với The Washington Post

Năm 2013, người sáng lập Amazon, Jeff Bezos đã gây chấn động thế giới khi ông đồng ý mua tờ Washington Post đang gặp khó khăn với giá 250 triệu USD. Như thường lệ xảy ra khi một tỷ phú mua một tờ báo, nhiều người tin rằng ban đầu Jeff Bezos muốn sử dụng tờ báo để định hình quan điểm của mọi người sao cho phù hợp với quan điểm của ông, đặc biệt là khi ông không có kinh nghiệm làm báo trước đó.

Tuy nhiên, phần lớn những lời chỉ trích đó đã lắng xuống, khi ông trùm của gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon đã tận dụng kiến thức công nghệ của mình để tăng số lượng độc giả của tờ báo đang gặp khó khăn và cách mạng hóa các dịch vụ kỹ thuật số của nó. The Washington Post mới đây đã báo cáo rằng có hơn 58 triệu lượt khách truy cập vào trang web vào tháng 12 năm 2022.

Patrick Soon-Shiong với Los Angeles Times

Patrick Soon-Shiong là một doanh nhân công nghệ sinh học nổi tiếng với việc phát minh ra loại thuốc trị ung thư Abraxane. Năm 2018, ông tiếp tục nổi tiếng hơn nữa khi bỏ ra một núi tiền lớn mua lại một số ấn phẩm, bao gồm The Los Angeles Times và The San Diego Union-Tribune cũng như một số đầu sách khác từ Tribune Publishing với giá 500 triệu USD.

Bản thân Patrick Soon-Shiong cũng đã lên tiếng rằng ông mong muốn sẽ mang lại những ngày tháng vinh quang cho tờ Los Angeles Times, tờ báo địa phương của ông, loại bỏ tin giả và trỏ thành một đối thủ xứng tầm với The Washington Post và The New York Times, bằng bất cứ giá nào.

>>Quyền lực thứ tư trong kỷ nguyên số

Elon Musk với X Corp.

Elon Musk, CEO của nhà sản xuất xe điện Tesla đã bỏ ra để mua lại gã khổng lồ mạng xã hội Twitter, giờ đây đổi tên thành X Corp., vào tháng 10 năm 2022 với giá 44 tỷ USD. Elon Musk đã đưa ra lời đề nghị vào tháng 4/2022 khi ông tuyên bố sẽ giới thiệu một số thay đổi để khai thác tiềm năng của Twitter. Trong số đó có việc khuyến khích tự do ngôn luận trên nền tảng bằng cách kiểm duyệt nội dung ít hơn. Đồng thời, Musk cũng công bố kế hoạch biến công ty đại chúng thành tư nhân và hủy niêm yết cổ phiếu của nó.

Mặc dù thương vụ mua lại của Elon Musk là rất đáng chú ý song hiện giờ lại không phải là ông chủ của Tesla mà chính là Rupert Murdoch.

Marc Benioff với The Time

Năm 2018, Marc Benioff và vợ đã mua tạp chí Time với giá 190 triệu USD, và tuyên bố rằng mục đích của họ là chống lại “sự khủng hoảng niềm tin”.

Giám đốc điều hành của Salesforce cho biết ông muốn trao cho tạp chí sức mạnh tài chính “để thực hiện sứ mệnh cung cấp thông tin trung thực, đáng tin cậy cho độc giả” và về cơ bản đóng vai trò là “người quản lý” của báo chí thực sự trong thời điểm mà niềm tin đang thiếu và thông tin sai lệch được lan truyền bởi các nguồn đáng ngờ.

Điểm mấu chốt

Nhìn chung, có một thực tế rõ ràng là các tờ báo, tạp chí và toàn bộ ngành truyền thông hiện hiện đang phải vật lộn để kiếm tiền theo những cách mà họ đã làm trong quá khứ. Trong khi đó, những nhân vật giàu có với túi tiền rủng rỉnh dường như cũng đang tìm thấy ở đó những động lực nhằm tăng trưởng danh tiếng của bản thân khi bước vào để giúp giảm bớt những hạn chế về tài chính và mang lại sức sống cho một số tờ báo uy tín nhất.

Tuy nhiên, câu hỏi mà nhiều người đặt ra là liệu những tỷ phú này có sẵn sàng làm bất cứ điều gì cần thiết để bảo vệ chất lượng báo chí và niềm tin của người đọc, ngay cả khi phải chịu tổn thất tài chính, trong khi mỗi chủ sở hữu mới lại là một cá nhân có mục tiêu và kế hoạch riêng lẻ?

Có thể bạn quan tâm

  • Báo chí trong “thế giới phẳng”

    Báo chí trong “thế giới phẳng”

    09:20, 21/06/2023

  • Báo chí với tiến trình hội nhập

    Báo chí với tiến trình hội nhập

    05:00, 21/06/2023

Nguyễn Chuẩn