“Ngọn hải đăng” trong doanh nghiệp gia đình

Phan Nam thực hiện 28/06/2023 04:01

Niềm tin chính là trụ cột và cũng là “ngọn hải đăng” soi đường đưa doanh nghiệp gia đình (DNGĐ) tới thành công.

>>Doanh nghiệp gia đình và tư nhân: Vượt bão suy thoái

Đây là khẳng định của TS. Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Gia đình Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái khi trao đổi với DĐDN nhân ngày Gia đình Việt Nam (28/6). Theo TS. Phạm Đình Đoàn: Mặc dù thời gian qua các DNGĐ Việt Nam có mức độ tăng trưởng khá tốt nhưng cũng giống như các DNGĐ trên toàn cầu và khu vực, thách thức mà các DNGĐ đang phải đối mặt đó là sự thiếu hụt niềm tin và việc hoạch định người kế nhiệm. Lập nghiệp khó nhưng giữ được cơ nghiệp càng khó hơn. Thách thức lớn nhất của thế hệ sau là “cái bóng” của người sáng lập quá lớn.

- Lợi thế của các doanh nghiệp gia đình Việt Nam là sự gắn bó tình cảm, tuy nhiên khảo sát Doanh nghiệp Gia đình Việt Nam năm 2023 do PwC công bố lại chỉ ra rằng 40% thừa nhận mức độ tin tưởng thấp giữa một số nhóm thành viên trong gia đình và chỉ 28% xem việc được các thành viên trong gia đình tin tưởng là điều cần thiết, điều này sẽ tác động như thế nào đến quá trình chuyển giao giữa các thế hệ, thưa ông?

DNGĐ đặc biệt bởi các thành viên không chỉ làm việc cùng nhau mà còn chia sẻ lịch sử, giá trị và tầm nhìn về tương lai của doanh nghiệp, khi các thành viên trong gia đình không tin tưởng lẫn nhau sẽ dễ nảy sinh mâu thuẫn, thiếu gắn kết và có thể dẫn đến thất bại trong kinh doanh. Minh chứng rõ nét, ở Việt Nam khi khảo sát có đến 64% số người được hỏi nói rằng xung đột gia đình trong doanh nghiệp thường xảy ra, cao hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu (30%) và châu Á - Thái Bình Dương (29%). 

Chính vì vậy, để chuyển giao thành công giữa các thế thệ trong DNGĐ, thế hệ F1 cần phải có niềm tin cao để tạo thành quyết tâm lớn trong việc thực hiện 5 trụ cột kinh doanh và gia đình, gồm: Bảo vệ cốt lõi quy trình kinh doanh, sản phẩm và sự sáng tạo của gia đình; Bảo vệ thương hiệu gia đình trong hoạt động kinh doanh và quan hệ xã hội; Chứng minh năng lực lãnh đạo thông qua thực chiến; Kỹ năng quản trị con người giao thoa thế hệ và cuối cùng là năng lực tối ưu các mối quan hệ kinh doanh giữa gia đình và công ty. Chỉ có như vậy mới có thể vượt lên trên cả tình cảm để đạt kết quả tốt được.

Niềm tin phải bắt đầu từ bên trong mới lan tỏa ra bên ngoài, muốn đối tác, khách hàng và các bên liên quan tin tưởng, thì chính mình, gia đình mình với các thành viên gia đình phải có sự tin tưởng trước, thậm chí phải có niềm tin cao độ, niềm tin lớn hơn nhiều, để làm cơ sở cho các bên khác tin tưởng. Nếu không có niềm tin từ gia đình thì sẽ khó khăn hơn gấp nhiều lần, thậm chí sẽ thất bại trong tạo dựng niềm tin với bên ngoài.

>>Kế nghiệp doanh nghiệp gia đình: Làm đúng để trường tồn

Doanh nhân Phạm Đình Đoàn chia sẻ với thế hệ F2 tại một buổi học của Học viện F2 Sao Đỏ

Doanh nhân Phạm Đình Đoàn chia sẻ với thế hệ F2 tại một buổi học của Học viện F2 Sao Đỏ

- Xin ông cho biết, thực tế hoạt động xây dựng niềm tin với các bên tại Tập đoàn Phú Thái như thế nào?

Với nội bộ, chúng tôi đã xây dựng và truyền thông mạnh mẽ văn hoá doanh nghiệp làm cho cho mọi người thấm nhuần, thấy rõ vai trò tầm quan trọng của kinh doanh trong bối cảnh hiện nay, thể hiện trong từng khâu, từng công đoạn, từng bộ phận con người… Chính thành công của tập thể đã tạo được niềm tin tưởng, động lực phấn đấu cho các thành viên, vì kết quả của niềm tin đã mang lại lợi ích cho công ty và cá nhân từng người. Với các thành viên trong gia đình, chúng tôi đã trao đổi thẳng thắn, chân thành dựa trên các quy tắc và nguyên tắc quản trị minh bạch, được thống nhất trước, để chứng minh cho chiến lược, mục tiêu, cách đi cũng như kế hoạch kinh doanh cụ thể, qua đó tạo được sự tin tưởng, ủng hộ, dành thời gian, công sức, tâm huyết cho doanh nghiệp.

- Theo ông, làm thế nào để có thể xây dựng được niềm tin một cách có hệ thống cũng như hướng tới các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp gia đình chuyên nghiệp?

Khái niệm và cách xây dựng niềm tin trong kinh doanh đang thay đổi một cách cơ bản và nhanh chóng. Đối với tất cả mọi người, bao gồm cả khách hàng và nhân viên, các vấn đề như môi trường, xã hội và quản trị (ESG) và sự đa dạng, công bằng và hòa nhập (DEI) đã trở thành phép thử cho sự tín nhiệm. Niềm tin luôn đóng vai trò rất quan trọng, vừa là chỗ dựa, vừa là động lực để đi tiếp trên con đường kinh doanh.

Tuy nhiên, giữa niềm tin và kết quả lại là mối quan hệ “con gà-quả trứng”, mà người đứng đầu phải xử lý được mối quan hệ này. Có niềm tin từ các bên sẽ mang lại kết quả tốt, và chính từ kết quả tốt lại mang đến niềm tin hơn nữa cho các bên và mọi người.

Cần phải thiết lập các quy tắc để ưu tiên phát triển doanh nghiệp, tạo được niềm tin và sự đồng thuận từ các thành viên gia đình có liên quan. Ngoài ra, văn hoá gia đình chi phối kinh doanh cũng cần phải cân đo phù hợp, ưu tiên chuyển đổi về quản trị cho thế hệ tiếp theo để hấp thu những văn hoá mới, tạo dựng giá trị, xây dựng sự đồng lòng của nhân viên và thích nghi với thời cuộc. Điển hình là nâng cao khả năng chuyển đổi số trước yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ. Cần phải xây dựng một quy tắc ứng xử quản trị trong gia đình cho tất cả thành viên có tham gia hay liên quan đến lợi ích công ty. Quy tắc này chi phối phân quyền, cơ sở pháp lý về tài sản (tài sản vật chất, sở hữu trí tuệ/bí quyết) và những ứng xử khi DNGĐ rơi vào khó khăn.

Niềm tin không thể có được trong một sớm một chiều, mà niềm tin chính là sự bền bỉ, kiên trì và quyết tâm hành động vì mục đích đã đề ra với sự tự tin và bằng chính năng lực của mình. Cần thay đổi từ tư duy đến hành động mới có được niềm tin trong thị trường mới, trật tự thế giới mới. Chỉ có thể củng cố thêm được lòng tin và thiện chí kinh doanh khi DNGĐ chứng minh được sự cam kết kinh doanh bền vững bằng những hành động đúng đắn và cụ thể.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nghiệp gia đình ưu tiên niềm tin cạnh doanh thu và lợi nhuận

    Doanh nghiệp gia đình ưu tiên niềm tin cạnh doanh thu và lợi nhuận

    16:25, 14/06/2023

  • Doanh nghiệp gia đình và tư nhân: Vượt bão suy thoái

    Doanh nghiệp gia đình và tư nhân: Vượt bão suy thoái

    14:00, 06/01/2023

  • Kế nghiệp doanh nghiệp gia đình: Làm đúng để trường tồn

    Kế nghiệp doanh nghiệp gia đình: Làm đúng để trường tồn

    01:00, 09/08/2022

  • Từ phong cách lãnh đạo của ông Park Hang-seo nghĩ tới lãnh đạo doanh nghiệp gia đình

    Từ phong cách lãnh đạo của ông Park Hang-seo nghĩ tới lãnh đạo doanh nghiệp gia đình

    05:15, 28/05/2022

Phan Nam thực hiện