Cơ hội cho doanh nghiệp từ mục tiêu Net Zero
Doanh nghiệp mong chờ thêm các cơ chế thúc đẩy từ Chính phủ trong việc đơn giản hóa thủ tục, tiếp cận nguồn vốn xanh để sớm góp phần tiến tới mục tiêu Net Zero.
>>Net Zero – Cuộc chơi của những người giàu hay cơ hội cho người dẫn đầu?
Đó là chia sẻ của ông Phạm Tuấn Anh – Giám đốc Phát triển bền vững Tập đoàn GREENFEED Việt Nam – chuỗi thực phẩm lành từ trang trại tới bàn ăn với DĐDN. Ông Tuấn Anh cho biết doanh nghiệp đang đặt lộ trình giảm phát thải và đưa ra mục tiêu cho giai đoạn 2023-2050, với các mốc năm 2025 – giảm 20%, năm 2030 – giảm 40% và sẽ đạt mức phát thải ròng về “0” vào 2050.
- Kế hoạch thực hiện giảm phát thải của GREENFEED Việt Nam đang được tiến hành như thế nào, thưa ông?
Khác với kinh tế tuyến tính, kinh tế tuần hoàn giúp bảo vệ và tiết kiệm tài nguyên thông qua quá trình tối ưu hóa sản xuất, tái sử dụng, tái chế nhằm gia tăng giá trị sản phẩm.
Với GREENFEED, chúng tôi thúc đẩy phát triển các trang trại hiện đại, khép kín với hệ thống cho ăn và uống tự động nhằm giảm lãng phí thức ăn và nước uống. Phần chất thải đầu ra từ trang trại chăn nuôi bao gồm nước thải và chất thải rắn, chúng tôi áp dụng các mô hình xử lý để thu hồi và chuyển đổi thành các sản phẩm đầu vào cho các quá trình khác. Với chất thải rắn chăn nuôi được xử lý bằng phương pháp ủ Composting và chế biến làm phân hữu cơ bón trả lại dinh dưỡng cho đất, sử dụng cho cây trồng. Với nước thải, xử lý thu hồi khí sinh học (biogas) sau đó sử dụng biogas để chạy máy phát điện và cung cấp điện năng cho nhu cầu vận hành của trại. Mô hình này có thể đáp ứng được 50-80% nhu cầu điện của trang trại. Mô hình kinh tế tuần hoàn cũng áp dụng với quá trình giết mổ và chế biến thực phẩm. Toàn bộ chất thải như lông, móng, v.v…
- Ông có nói tận dụng biogas để chạy máy phát điện và cung cấp điện năng cho nhu cầu vận hành của trại doanh nghiệp, vậy GREENFEED có sử dụng năng lượng tái tạo từ hệ thống điện mặt trời mái nhà không, thưa ông?
Hiện tại, chúng tôi đã triển khai hệ thống điện mặt trời áp mái cho Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Đồng Nai và một số trang trại heo. Tính đến hiện tại (năm 2022), tỷ trọng điện mặt trời áp mái chiếm 3% trong cơ cấu năng lượng, với tổng lượng điện ước tính đạt 2.594.000 kWh, góp phần giảm đáng kể lượng CO2 phát thải ra môi trường. Cùng với các nguồn năng lượng từ biomass và biogas, năng lượng tái tạo chiếm 15,3% trong cơ cấu năng lượng tiêu thụ năm 2022 và góp phần giảm được 11.640 tấn phát thải CO2 tương ứng giảm được 12,7% tổng lượng phát thải theo Scope 1 và 2 của Công ty.
Tuy nhiên, việc triển khai điện mặt trời mái nhà hiện tại vẫn còn một số khó khăn và vướng mắc về cơ chế chính sách liên quan tới thủ tục đấu nối, giấy phép xây dựng và quy định thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy. Quy hoạch điện VIII được phê duyệt cũng đã mở ra cơ chế cho các mô hình điện mặt trời mái nhà và mua bán điện trực tiếp trong thời gian tới. Thế nhưng, việc sản xuất điện tự sản tự tiêu không phát lên lưới cũng hạn chế việc đầu tư của các mô hình ESCO (Energy Service Company) với các cơ sở nhu cầu tiêu thụ điện không cao.
- Để góp phần thực hiện Netzero ở Việt Nam vào năm 2050, ở góc độ doanh ông gặp phải khó khăn cụ thể nào và ông có kiến nghị đề xuất ra sao, thưa ông?
Để đạt được mục tiêu về giảm phát thải khí nhà kính (GHG), trước hết, chúng ta cần xác định các nguồn phát thải, phương pháp đo lường, kiểm kê phát thải từ thực tế hoạt động, từ đó sẽ có cơ sở để triển khai các sáng kiến, giải pháp, lộ trình giảm phát thải, đảm bảo rõ ràng và hiệu quả.
Tại GREENFEED, các sáng kiến giảm phát thải được xem xét, phân tích, đánh giá từ góc độ tiềm năng, tính khả thi trên phạm vi toàn chuỗi 3F Plus (FEED – FARM – FOOD). Với điện mặt trời mái nhà, thời gian tới, chúng tôi sẽ thúc đẩy cho khối nhà máy theo mô hình ESCO. Đẩy mạnh triển khai điện Biogas cho các trại chăn nuôi theo mô hình ESCO để tận dụng được nguồn lực cho mục tiêu này...
Để đạt được các mục tiêu theo lộ trình, ngoài sự nỗ lực của doanh nghiệp, sự hỗ trợ từ các đối tác, chúng tôi rất mong chờ thêm các cơ chế thúc đẩy từ phía các cơ quan Chính phủ trong việc bổ sung nguồn lực về nguồn vốn xanh và hỗ trợ chuyển giao công nghệ giải pháp mới. Đồng thời, tháo gỡ vướng mắc trong thủ tục hành chính, hoàn thiện các cơ chế chính sách hỗ trợ cho các đơn vị đang thực hiện tốt hoặc có lộ trình cắt giảm phát thải rõ ràng nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp này đi tiên phong, tạo động lực cho các doanh nghiệp khác cùng hướng tới mục tiêu Netzero.
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Net Zero – Cuộc chơi của những người giàu hay cơ hội cho người dẫn đầu?
13:45, 05/07/2023
Thực hiện Net Zero không thể thiếu gói giải pháp tổng thể
11:00, 29/06/2023
Doanh nghiệp với những “từ khóa” cho mục tiêu Net Zero 2050
18:18, 22/02/2023
Góp phần cùng Chính phủ thực hiện mục tiêu Net Zero 2050, Vinamilk tiếp tục hành trình trồng cây xanh
17:41, 28/11/2022
Mục tiêu Net Zero của Việt Nam: Chuyển từ tham vọng sang hành động
03:00, 20/11/2022
Giải pháp ổn định nguồn năng lượng tái tạo hướng tới Net Zero
03:00, 06/11/2022