Chuyển mình theo Gen Z

ĐỨC HẠNH thực hiện 24/09/2023 00:00

Nhân sự gen Z trưởng thành và cống hiến trong kỷ nguyên số. Thế hệ của thời đại công nghệ được đánh giá có khả năng tạo những bứt phá về năng suất lao động cho doanh nghiệp.

>>Gen Z - Nhà lãnh đạo tương lai

Tr

Bà Nguyễn Hoài Giang - Chuyên gia tư vấn đào tạo quản trị nhân sự HRC Academy.

Trao đổi với DOANH NHÂN, bà Nguyễn Hoài Giang - Chuyên gia tư vấn đào tạo quản trị nhân sự HRC Academy nhấn mạnh: theo nhiều nghiên cứu, đến năm 2025, nhân sự gen Z chiếm 30% lao động tại các doanh nghiệp. So với những thế hệ trước, gen Z có nhiều điểm khác biệt đang đặt ra bài toán quản trị mới, buộc doanh nghiệp phải thay đổi tư duy và phương thức tiếp cận, bồi dưỡng, phát huy thế mạnh của lực lượng lao động đặc biệt này.

Thách thức trong quản trị doanh nghiệp

- Trẻ cả về tuổi đời lẫn tuổi nghề nhưng sự có mặt của thế hệ gen Z khiến không ít doanh nghiệp chuẩn bị kế hoạch mới cho việc thu hút và sử dụng nhân sự, thưa bà?

Thời gian gần đây, thế hệ gen Z được nhắc đến nhiều hơn với khá nhiều điều thú vị. Trong công việc của mình, tôi được tiếp xúc và làm việc với các bạn trẻ gen Z - thế hệ lớn lên cùng sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ. Tất nhiên, điện thoại thông minh (smartphone) là lẽ sống với 98% gen Z, theo một thống kê đã có điện thoại thông minh, 92% có tài khoản công nghệ nên gen Z rất am hiểu và sử dụng thành thạo công nghệ. Không có gì khó hiểu khi nhiều hoạt động hàng ngày trong cuộc sống và công việc của họ đều gắn liền với môi trường số.

Gen Z cũng được đánh giá là thế hệ thông minh, linh hoạt, thích ứng nhanh, độc lập và chủ động nên có khả năng nắm bắt những xu thế mới, định hướng mới khá nhanh. Do đó, họ là thế hệ tạo trend chứ không phải là bắt trend.

Đặc biệt, rất nhiều gen Z được đề cao bởi sớm có tinh thần khởi nghiệp và chủ động tiếp xúc với công việc, với doanh nghiệp ngay từ khi mới chân ướt chân ráo bước vào giảng đường đại học. Sẽ không lạ nếu bạn thấy nhiều sinh viên năm thứ 2, năm thứ 3 đã vừa học vừa cọ xát thực tế với công việc, tích luỹ kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng. Thậm chí có những em còn có khả năng làm nhiều việc cùng lúc.

Trải nghiệm sớm, làm chủ công nghệ nhanh, gen Z có cơ hội rèn luyện kỹ năng, từ đó có thế mạnh hơn hẳn, chẳng hạn như khả năng giao tiếp tốt, đàm phán thương lượng tốt, khả năng tư vấn thuyết phục… Vì làm đa nhiệm nên gen Z quản trị thời gian tốt, có khả năng sáng tạo, tư duy phản biện.

Với sự nổi trội, gen Z sẽ trở thành thế hệ nhân sự có khả năng tạo những bứt phá về năng suất lao động cho doanh nghiệp; là những nhân sự không thể tốt hơn hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy chuyển đổi số. Từ con số 30% nhân sự tại các doanh nghiệp trong năm 2025, gen Z nhanh chóng gia tăng thị phần này trong giai đoạn 5 năm sau đó khi mà thế hệ gen X, gen Y đã bước sang tuổi ngoài 50. Thời điểm này, theo dự đoán, nền kinh tế số của Việt Nam và khu vực đã phát triển mạnh mẽ, gen Z nắm những quyền năng lớn trong thời đại này.

- “Lắm tài nhưng nhiều tật” - gen Z cũng đang bị than phiền như vậy, thưa bà?

Thế hệ nào cũng vậy, đi cùng với thế mạnh luôn là hạn chế. Gen Z cũng không phải là ngoại lệ. Tuy năng động, tự tin là vậy nhưng những công dân số này cũng rất “mong manh dễ vỡ”. Do có nhiều sự lựa chọn trong công việc nên khi không được tôn trọng, không được thể hiện giá trị bản thân hay chưa nhận thu nhập tương xứng, nhân sự gen Z dễ dàng “nhảy” việc. Khác hẳn với những thế hệ trước luôn mong muốn có sự ổn định trong công việc, gen Z rất thực tế, đề cao sự trải nghiệm, không thích an phận, khó chấp nhận môi trường làm việc thiếu sự sáng tạo, nhàm chán... Trong thời gian qua, một số doanh nghiệp có đông nhân sự gen Z đã đối mặt với tình trạng “nhảy” việc này.

Thay đổi và thích nghi

- Phải chăng giữa doanh nghiệp và nhân sự gen Z đang thiếu những “điểm chạm” của sự thấu hiểu và sẻ chia?

Hiện nay đang có “độ vênh” nhất định giữa thực tế doanh nghiệp với kỳ vọng của thế hệ nhân sự mới. Những công dân mê công nghệ, xem mạng internet như là chân lý làm việc trong môi trường mà sự hiện diện của online còn hạn chế. Thứ nữa, doanh nghiệp đầu tư nhiều nhưng vẫn còn tình trạng chỗ thừa chỗ thiếu và dù cố gắng nhưng chưa chạm được vào nhu cầu khai phá nghề nghiệp của thế hệ này. Chưa kể, rào cản giữa các thế hệ X, Y, Z cùng trong doanh nghiệp cũng đang làm phát sinh những vấn đề bất đồng trong quản lý, xung đột trong kiến thức văn hoá cho đến sự hợp tác giữa doanh nghiệp và những nhân sự gen Z.

Thực tế trên đòi hỏi doanh nghiệp tìm kiếm phương thức quản trị nhân sự, xây dựng môi trường làm việc phù hợp vừa để gen Z sống đúng với cá tính, phát huy tiềm năng, giữ được người tài góp phần tăng năng suất cho doanh nghiệp vừa có giải pháp hạn chế sở đoản, khắc phục điểm yếu để gen Z hoàn thiện bản thân. Ngược lại, thiếu bài toán quản trị nhân sự tốt, doanh nghiệp có thể đối mặt nguy cơ thiếu hụt nhân sự và chảy máu chất xám.

- Sự thay đổi tư duy và hành động của doanh nghiệp nên bắt đầu từ đâu, thưa bà?

Thấu hiểu những thay đổi trong doanh nghiệp khi gen Z ngày càng chiếm đa số hơn, doanh nghiệp sẽ có những thay đổi. Dù theo cách nào, tôi cho rằng, đều là những thay đổi cần thiết, doanh nghiệp hoàn toàn có thể thực hiện được với trọng tâm xoay quanh vấn đề con người. Điểm bắt đầu chính là việc thay đổi tư duy và cách thức tuyển dụng: chuyển từ tuyển dụng sang thu hút chiêu mộ nhân sự. Doanh nghiệp cần đặc biệt chú trọng xây dựng thương hiệu tuyển dụng, chính là uy tín thương hiệu doanh nghiệp thay cho tên tuổi của doanh nghiệp. Theo tính toán, đầu tư xây dựng thương hiệu tuyển dụng giúp giảm 28% tỷ lệ nhân viên nghỉ việc. Trong đó, cú ý đến Bộ giá trị hấp dẫn người lao động (EVP) với cam kết, lời hứa rõ ràng về chính sách, môi trường và văn hoá làm việc. Là những con người thực tế, gen Z không chỉ nghe mà cần có trải nghiệm công việc, trải nghiệm môi trường làm việc, trải nghiệm cảm xúc.


Thứ hai, xây dựng hệ thống đào tạo nội bộ khoa học, hiệu quả với lộ trình đào tạo nhân sự rõ ràng góp phần nâng cao năng lực nhân sự, gia tăng sức mạnh mềm cho doanh nghiệp. Năng lực là yếu tố quyết định chất lượng công việc, mang lại hiệu suất, giảm thiểu xung đột thế hệ. Là thế hệ ham học hỏi, làm chủ công nghệ và quản trị thời gian hiệu quả nên gen Z có thể học mọi lúc, mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh. Do đó cần đa dạng hoá các hoạt động đào tạo bằng cách xây dựng văn hoá học tập, đào tạo online thông qua bài học trực tuyến, cafe talk, trò chơi trải nghiệm, luân chuyển công việc vừa không tạo sự nhàm chán ở một vị trí vừa rèn luyện thêm kỹ năng bởi gen Z năng động, đa nhiệm.

Qua tiếp xúc và trao đổi công việc với các đồng nghiệp gen Z, tôi nhận thấy điểm nội trội là các bạn trẻ làm việc theo kế hoạch rõ ràng với mục tiêu cụ thể và mong muốn được trao giá trị để được ghi nhận và được đãi ngộ xứng đáng. Do đó, doanh nghiệp cần quan tâm hơn nữa đến việc quản trị mục tiêu và đo lường đánh giá hiệu suất công việc. Trong đó, cần có những công cụ đánh giá và báo cáo quản trị. Tuy nhiên, đây là mảng yếu của nhiều doanh nghiệp hiện nay. Việc đánh giá và thực hiện báo cáo quản trị chủ yếu triển khai tốt tại các doanh nghiệp lớn, trong khi các doanh nghiệp khác tuy cũng thực hiện báo cáo quản trị nhưng lại nặng về sự vụ sự kiện, kể lể chi tiết.

- Xin cảm ơn bà!

Có thể bạn quan tâm

  • Gen Z - Nhà lãnh đạo tương lai

    Gen Z - Nhà lãnh đạo tương lai

    01:00, 13/09/2023

  • Quản trị doanh nghiệp kiểu Gen Z

    Quản trị doanh nghiệp kiểu Gen Z

    02:39, 02/09/2023

ĐỨC HẠNH thực hiện