Việt Nam tham gia sâu hơn vào quá trình sản xuất linh kiện cho Airbus

Cẩm Anh 02/01/2018 11:47

Các linh kiện “made in Việt Nam” sẽ xuất hiện nhiều hơn trên những dòng máy bay hiện đại, thân rộng do Tập đoàn Hàng không Airbus chế tạo.

Các linh kiện “made in Việt Nam” sẽ xuất hiện nhiều hơn trên những dòng máy bay hiện đại của Airbus

Các linh kiện “made in Việt Nam” sẽ xuất hiện nhiều hơn trên những dòng máy bay hiện đại của Airbus

Việc Vietnam Airlines thỏa thuận mua A350 bắt nguồn từ bản ghi nhớ tháng 10 năm 2007, và thỏa thuận mua chiếc 787 được thực hiện theo một cam kết với Boeing một tháng sau đó.

Vietnam Airlines đã đưa vào sử dụng cả hai loại máy bay mới vào giữa năm 2015. "Lúc đầu chúng tôi đã gặp nhiều khó khăn vì chúng tôi phải thành lập các đội bay lớn để hoạt động cả hai loại máy bay này", ông Lê Hồng Hà, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết.

Bên cạnh đó, theo ông Hà, có một số vấn đề ban đầu với chiếc A350, nhưng chúng đã được giải quyết với sự trợ giúp của Airbus.

"Điều này là bình thường vì A350 là một loại máy bay mới", ông Hà nói và cho biết, cả hai máy bay đang hoạt động tốt, và giúp xây dựng thương hiệu và năng suất của hãng.

Ngoài phục vụ các điểm đến quốc tế, cả hai máy bay cũng phục vụ tuyến bay chính thành phố Hồ Chí Minh - Hà Nội. Theo ông Hà, hai loại máy bay này nổi tiếng đến mức các hành khách trong nước đều cố gắng để đặt chỗ trên những tuyến bay sử dụng các loại máy bay này.

Hiện nay, Vietnam Airlines có 12 chiếc A350-900 đang hoạt động và 5 chiếc nữa đang được đặt hàng. Những chiếc máy bay đặt hàng này sẽ được giao nhận từ nay đến tháng 7 năm 2019.

Vietnam Airlines có 11 chiếc 787-9 đang hoạt động và có đơn đặt hàng 8 chiếc 787-10 vốn ban đầu là những đơn đặt hàng cho 787-9. Những chiếc máy bay đặt hàng bổ sung này sẽ được giao nhận từ tháng 5 năm 2019 đến tháng 8 năm 2020.

Airbus đã công bố tiếp tục chọn Công ty Nikkiso Việt Nam, doanh nghiệp FDI 100% vốn của Nhật Bản có nhà máy chính tại KCN Thăng Long, Hà Nội- sản xuất 4 gói linh kiện mới cho các bộ phận composite của 2 dòng máy bay thân rộng hiện đại là hộp momen xoắn và cửa khoang chứa hàng cho máy bay A350 XWB, các chi tiết đầu cánh và bộ phận lái ở đuôi cánh máy bay A330 neo. Theo tính toán của Airbus, hoạt động này sẽ đem lại cho Công ty Nikkiso Việt Nam doanh thu 120 triệu USD trong vòng 10 năm tới.

Được biết, đây là gói sản xuất bổ sung sau gói sản xuất linh kiện đầu tiên công bố vào năm 2014, trong đó Công ty Nikkiso Việt Nam sản xuất các tấm composite cho thiết bị đầu cánh Sharklet của dòng máy bay một lối đi A320.

Bên cạnh đó, Airbus cũng đạt được thỏa thuận cung cấp thiết bị với Artus Việt Nam, công ty con của Meggitt PLC có trụ sở chính tại Paris. Meggitt PLC cũng chính là hãng cung cấp thiết bị điện tử và cơ điện cho các dòng máy bay Airbus kể từ năm 1996.

CEO Airbus cho biết, Hãng đang nỗ lực hỗ trợ một cách căn bản ngành công nghiệp hàng không nội địa của Việt Nam, mà minh chứng rõ nét nhất chính là thỏa thuận hỗ trợ về mặt chuyên môn phục vụ công tác thành lập Khoa Hàng không tại Đại học Khoa học và công nghệ Hà Nội.

Cẩm Anh