Điều gì tác động tới môi trường kinh doanh ở Malaysia năm 2018?

Ngọc Anh 06/01/2018 06:40

Malaysia đang đối mặt với áp lực lãi suất tăng cao hơn, rủi ro tiền tệ và cuộc bầu cử đầy tranh cãi trong năm nay.

Theo khảo sát của Bloomberg, sự phục hồi thương mại toàn cầu, tăng chi tiêu tiêu dùng trong nước đã hỗ trợ GDP của Malaysia đạt mức 5,8% trong năm 2017, giảm nhẹ xuống 5,3% trong năm 2018. Tuy nhiên, quốc gia này đang đối mặt với một số thách thức trong năm nay.

Đồng Ringgit đã tăng 10,9% so với USD trong năm 2017, đây là mức tăng mạnh nhất trong vòng 5 năm nay

Đồng Ringgit đã tăng 10,9% so với USD trong năm 2017, đây là mức tăng mạnh nhất trong vòng 5 năm nay

Áp lực tăng lãi suất

NHTW Malaysia có thể sẽ là ngân hàng đầu tiên tại Đông Nam Á tăng lãi suất trong năm nay. Còn nhớ vào tháng 11 năm ngoái, NHTW Malaysia cảnh báo sẽ điều chỉnh chính sách tiền tệ cho phù hợp với tình hình tăng trưởng kinh tế của nước này. Sau đó, Thống đốc NHTW Malaysia, ông Ibrahim đã đính chính lại rằng, điều chỉnh chính sách tiền tệ có nghĩa là bình thường hóa chính sách tiền tệ, chứ không phải là thắt chặt tiền tệ.

Nếu áp lực lạm phát tiếp tục gia tăng như dự báo, thì việc NHTW Malaysia tiếp tục tăng lãi suất là lẽ đương nhiên.

Theo dự báo của CIMB Group Holdings Bhd, tỷ lệ lạm phát của Malaysia có thể sẽ đạt mức 2,9% trong năm nay, trong khi Chính phủ Malaysia đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát trong khoảng 2,5- 3,5%.

“Chúng tôi dự báo NHTW Malaysia có thể sẽ tăng lãi suất qua đêm vào quý 1/2018, sau đó sẽ tạm dừng và tiếp tục tăng lãi suất trở lại trong năm 2019”, CIMB cho biết.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, kinh tế Malaysia đang phục hồi sẽ kích thích chi tiêu tiêu dùng trong nước, khiến áp lực lạm phát của quốc gia này gia tăng. Bởi vậy, NHTW Malaysia có thể sẽ tăng lãi suất ít nhất 2 lần trong năm nay.

Tác động tổng bầu cử

Các chuyên gia nhận định việc ấn định thời gian tổ chức bầu cử của Malaysia cũng sẽ tác động đến triển vọng lãi suất của quốc gia này trong năm nay. Tuy nhiên, NHTW Malaysia sẽ chưa thể tăng lãi suất trước cuộc bầu cử này.

Trước đó, Thủ tướng Malaysia Najib đã phủ nhận các cáo buộc tham nhũng đối với khoản tiền mờ ám khoảng 700 triệu USD, được chuyển vào tài khoản của 1Malaysia Development Bhd, quỹ đầu tư Nhà nước do ông Najib thành lập năm 2009.

Hiện tại Liên minh đối lập Pakatan Harapan của Malaysia đã chọn cựu Thủ tướng Mahathir Mohamed cho vị trí Thủ tướng nếu Liên minh này chiến thắng cuộc bầu cử sắp tới. Tuy nhiên, ông Mahathir cho biết ông không muốn quay trở lại chính trường, mà chỉ muốn ngăn cản ông Najib trở thành Thủ tướng Malaysia nhiệm kỳ tới.

Ông Rahul Bajoria, Chuyên gia kinh tế của Barclays Plc ở Singapore, cho biết các nhà đầu tư có thể sẽ thận trọng khi đầu tư vào Malaysia trong thời gian trước khi diễn ra tổng bầu cử trong năm nay. “Việc cải cách kinh tế, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến tài khóa, chỉ có thể được giải quyết sau bầu cử”, ông Rahul Bajoria nhấn mạnh.

Rủi ro tiền tệ

Đồng Ringgit đã tăng 10,9% so với USD trong năm 2017, đây là mức tăng mạnh nhất trong vòng 5 năm nay và cũng là đồng tiền tăng mạnh thứ 2 trong khu vực châu Á.

Ông Sook Mei Leong, Trưởng phòng nghiên cứu chiến lược toàn cầu của Bank of Tokyo- Mitsubishi UFJ nhận định, với giá đồng tiền này còn thấp và NHTW Malaysia có thể tiếp tục tăng lãi suất, thì đồng Ringgit có thể sẽ tăng khoảng 4% so với USD trong năm nay.

Trong khi đó, ông Ray Choy, Trưởng phòng chiến lược của Ngân hàng CIMB ở Kuala Lumpur, cũng cho rằng, tăng trưởng kinh tế cao hơn, thâm hụt tài khóa giảm, thặng dư cán cân tài khoản vãng lai tăng, và dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng cao, sẽ hỗ trợ tích cực cho Ringgit trong năm 2018. 

Tuy nhiên, đồng Ringgit tăng giá quá mạnh lại tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu của quốc gia này, nhất là một số sản phẩm chủ lực, như dầu cọ, thiết bị bán dẫn, máy tính,…

Ngọc Anh