Kinh tế Trung Quốc đã đến lúc phải chuyển đổi?

Ngọc Hà 08/01/2018 06:30

Trước những cảnh báo của giới chuyên gia tài chính về những lo ngại sẽ có một cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra nếu Trung Quốc tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng cao khoảng 6,8% trong năm 2018, bất chấp rủi ro nợ gia tăng.

Theo đó, nguồn tin CNBC cho biết, Trung Quốc sẽ không “đặt nặng” vấn đề tăng trưởng cao cho năm 2018 nhằm ngăn ngừa một cuộc khủng hoảng tài chính có thể xảy ra, vì vậy Chính phủ Trung Quốc đang kiểm soát chặt chẽ và cân nhắc tất cả các mục tiêu tăng trưởng.

Ông

Ông Andy Xie, chuyên gia kinh tế độc lập.

Trả lời phỏng vấn của CNBC, chuyên gia kinh tế độc lập Andy Xie cho rằng: “Chính phủ Trung Quốc đã có những thay đổi trong chiến lược phát triển kinh tế. Bởi nền kinh tế Trung Quốc vốn đã quen với việc thúc đẩy tăng trưởng đi kèm với nợ”.

Trước đó, các chuyên gia đã tỏ ra nghi ngờ khả năng giảm nợ công và giảm nguồn cung tiền ra thị trường của Trung Quốc. Vì nếu giảm những đòn bẩy kinh tế này, kinh tế Trung Quốc có thể đối mặt với tăng trưởng thấp và có nguy cơ phá vỡ toàn bộ nền kinh tế.  Tuy nhiên, trước những thông tin Chính quyền Trung Quốc sẽ không ưu tiên tăng trưởng cao trong năm 2018 cho thấy quyết tâm của những nhà Lãnh đạo Trung Quốc trong việc lựa chọn một chiến lược phát triển kinh tế bền vững hơn, mặc dù điều này có thể ảnh hưởng đến tầm nhìn phát triển kinh tế dài hạn.

Cùng với việc không đẩy mạnh tăng trưởng quá cao, các nhà chức trách Trung Quốc đang kiểm soát chặt chẽ dòng vốn đầu tư ra nước ngoài.

Theo đó, Trung Quốc tiếp tục duy trì mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% trong năm 2018, không thay đổi so với mục tiêu tăng trưởng năm 2017.

Trong nhiều năm nay, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đã phải đối mặt với thách thức nợ công cao. Điều này chỉ được giải quyết cho đến khi nền kinh tế được cân bằng với những tín hiệu tăng trưởng nhằm chống lại những tín hiệu suy giảm của nền kinh tế.

Ngoài ra, bên cạnh những thách thức liên quan đến tham nhũng ở cấp địa phương, Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với tình hình nợ địa phương cao. Mặc dù thực thi chính sách cắt giảm nợ công, song nếu địa phương muốn đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế họ vẫn phải đánh đổi bằng những khoản nợ công.

Theo ông Xie: “Phần lớn các quan chức vẫn không tin tưởng vào chính sách kinh tế mới là hạ mức tăng trưởng kinh tế năm 2018 của Chính quyền Trung Quốc. Tuy nhiên điều này cũng cần có thời gian để thích nghi”.

Ngoài ra, ông Xie cũng cho biết, Chính quyền Trung Quốc sẵn sàng thanh lọc các nhà lãnh đạo địa phương nếu không thực thi chính sách này. Điều này cho thấy sức mạnh và quyết tâm của những người đứng đầu chính quyền Bắc Kinh trong việc thúc đẩy chương trình nghị sự nhằm hướng đến một chính sách phát triển kinh tế bền vững hơn.

Theo đó, các chính sách mà Trung Quốc sẽ đồng loạt thực thi đó là thắt chặt dòng tiền ra thị trường với lãi suất liên ngân hàng sẽ cao hơn trong thời gian tới. Mặc dù vào tháng 11/2017, tốc độ tăng trưởng tín dụng của Trung Quốc đã ở mức thấp nhất trong lịch sử là 9%.

“Tuy nhiên, dự kiến tăng trưởng tín dụng sẽ thấp hơn nữa trong một vài năm tới, có thể là 7 – 8%. Đây sẽ là một trong những điểm thay đổi rất quan trọng của chiến lược phát triển kinh tế”, ông Xie phân tích.

Ông

Ông Vincent Chan, chuyên gia nghiên cứu tín dụng vĩ mô Trung Quốc.

Ngoài ra, ông Vincent Chan, chuyên gia nghiên cứu kinh tế vĩ mô Trung Quốc cũng cho rằng: “Áp lực về nợ công gia tăng có thể là một trong những nguyên nhân khiến Trung Quốc giảm đầu tư công, trong đó có cơ sở hạ tầng”.

Theo ông Vincent Chan, tăng trưởng tín dụng vẫn là một vấn đề lớn. Vì vậy việc siết chặt dòng vốn ra thị trường bằng để hạ tăng trưởng tín dụng vẫn là một điều không dễ dàng.

“Tuy nhiên, các nhà chức trách có thể ngăn chặn nền kinh tế và hệ thống tài chính khỏi những cú sốc bên trong và bên ngoài”, ông Vincent Chan tỏ ra lạc quan.

Sau ba thập kỷ tăng trưởng mạnh mẽ như là một công xưởng sản xuất của thế giới, theo ông Xie, đã đến lúc nền kinh tế Trung Quốc phải chuyển sang một nền kinh tế dẫn đầu dịch vụ và tiêu dùng. Tuy nhiên điều này đòi hỏi Chính phủ phải quyết tâm cắt giảm thuế để thúc đẩy việc chuyển đổi này.

Ngọc Hà