Hãy sống sót ở Trung Quốc

Cẩm Hà 10/01/2018 15:10

"Nếu bạn không thể sống sót ở Trung Quốc, tôi không nghĩ rằng bạn có thể sống sót ở các nước khác", Jack Ma, người sáng lập tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ Alibaba đáp lại những lời phàn nàn của các nhà đầu tư nước ngoài như vậy.

Lấy ví dụ từ thành công ở Trung Quốc của các tập đoàn khổng lồ có trụ sở chính tại Mỹ như IBM, Starbucks và Walmart, Jack Ma cho rằng, bí quyết làm ăn ở Trung Quốc đơn giản chỉ là kiên nhẫn và tôn trọng luật pháp. Nhưng nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn nghi ngại.

Tin tốt từ Ngài Tập?

Thành phố Quảng Châu miền Nam Trung Quốc tháng 12 vừa qua đã chào đón rất nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp lớn và quan chức nước ngoài trong một hội nghị do Tạp chí Fortune tổ chức, trong đó có những cái tên quá quen thuộc như: Apple, Ford Motor, Philips và Walmart. Thậm chí cả Thủ tướng Justin Trudeau của Canada cũng có mặt.

Tuy không tham dự trực tiếp do thay đổi kế hoạch vào giờ chót, song Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi đến hội nghị một thông điệp quan trọng: Trung Quốc không những không đóng cửa đối với thế giới mà còn mở cửa rộng hơn. Nhiều quan chức cao cấp của nước này cũng đã đưa ra cam kết về một sân chơi bình đẳng cho mọi loại hình doanh nghiệp, cũng như đảm bảo một hệ thống chính sách minh bạch, ổn định và dễ dự báo. Thực tế không đơn giản như vậy. Không chỉ tại Bắc Kinh mà tại nhiều địa phương khác trên toàn quốc, dường như vẫn còn có sự phân biệt nhất định giữa “con đẻ” với “con nuôi”. Trung Quốc mong muốn các công ty quốc gia của mình vươn lên hàng đầu trong các lĩnh vực như ô tô điện, robot, máy bay không người lái và các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong các lĩnh vực này cho rằng Chính phủ Trung Quốc luôn tìm cách ngăn chặn họ tiếp cận người tiêu dùng. Những nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp “con đẻ” của chính phủ Trung Quốc cả trên sân nhà lẫn thị trường nước ngoài luôn tiềm tàng nguy cơ dẫn đến chiến tranh thương mại. Hơn nữa, có và không ít tập đoàn đa quốc gia không hài lòng chút nào vì họ bị ép buộc phải chuyển giao công nghệ.

Nhà đầu tư chưa thể vui

Kenneth Jarrett, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Thượng Hải hoan nghênh tuyên bố của Chính phủ Trung Quốc về việc tạo ra một môi trường kinh doanh công bằng, không phân biệt đối xử cho các công ty nước ngoài, nhưng nhấn mạnh mong muốn “nhìn thấy những bước tiến thực sự trong vấn đề này, để các công ty nước ngoài thực sự phát huy hết tiềm năng”.

Vẫn theo doanh nhân này, các doanh nghiệp nước ngoài làm ăn ở Trung Quốc còn phải đối diện với nhiều thách thức khác trong môi trường kinh doanh của Trung Quốc như chính sách pháp luật thiếu rõ ràng, minh bạch, ổn định và khó dự báo.

Cụ thể và thẳng thừng hơn, Terry Branstad, Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc nhấn mạnh: "Bạn có thể dùng WeChat (mạng xã hội phổ biến nhất tại Trung Quốc với khoảng 1 tỷ người sử dụng - PV) thoải mái ở Mỹ, nhưng bạn không thể có được Facebook ở đây, ở Trung Quốc”. (Mặc dù vậy, Facebook vẫn đang rất cố gắng để chen được vào thị trường rộng lớn này). “Vẫn còn những vấn đề cơ bản cần quan tâm, dù chúng tôi hy vọng tình hình sẽ cải thiện", ông Branstad nói thêm, không giấu giếm sự thất vọng về việc Trung Quốc đang đòi hỏi các công ty nước ngoài nhượng bộ trong khá nhiều vấn đề.

Giám đốc điều hành Apple, Tim Cook, mềm mỏng hơn khi khẳng định Apple luôn tôn trọng luật pháp của Trung Quốc. Ông Cook nói: "Khi đến kinh doanh ở một đất nước và tham gia vào thị trường bản địa, bạn phải tuân theo pháp luật và quy định của nước đó, chứ không thể mang theo cả luật pháp và những quy định mà bạn đã quen thuộc hoặc mong muốn có".

Không thể không kiêng dè các công ty Trung Quốc khi họ thực sự đe dọa vị trí thống trị xưa nay của các công ty toàn cầu trong nhiều lĩnh vực

Apple gần đây đã bị chỉ trích vì gỡ bỏ một số ứng dụng từ Apple Store phiên bản Trung Quốc, bao gồm cả công cụ giúp người dùng vượt qua được “tường lửa” Internet của nước này, vốn được coi là khá khắc nghiệt. Trước khi đến Quảng Châu, Tim Cook đã tham dự Hội nghị Internet Thế giới, do Cục Quản lý không gian mạng của Trung Quốc tổ chức - một hành động làm dấy lên những lo ngại rằng Apple thậm chí còn hỗ trợ Chính phủ Trung Quốc thực hiện chính sách kiểm duyệt gắt gao của mình. Tuy thế, Cook cũng không quên khéo léo “gài” thêm rằng, ông hy vọng một số ứng dụng đã bị gỡ khỏi phiên bản ở Trung Quốc một ngày nào đó sẽ trở lại với thị trường này.

Quả thực không thể không kiêng dè các công ty Trung Quốc khi họ thực sự đe dọa vị trí thống trị xưa nay của các công ty toàn cầu trong nhiều lĩnh vực. Danh sách Fortune 500 hiện nay có tới 115 công ty Trung Quốc, gần bằng với số công ty Mỹ. Ông Hans Tung, đồng quản lý quỹ đầu tư mạo hiểm GGV Capital, nói: "Bạn không thể chỉ tham gia thị trường để kiếm tiền. Nếu bạn có thể giúp Chính phủ Trung Quốc đạt được mục tiêu trở thành một hình mẫu tăng trưởng, bạn cũng sẽ đạt được mục tiêu của mình".
Dù sao đi nữa, như nhiều lãnh đạo tập đoàn đa quốc gia cảm thấy, thời kỳ kiếm tiền dễ dàng từ thị trường thực sự rất, rất lớn này vẫn chưa đến, hoặc là đã qua rồi.

Cẩm Hà