Đón đầu làn sóng đầu tư vào châu Á

Cẩm Anh 11/01/2018 15:59

Xu hướng tiêu dùng tăng mạnh, đô thị hóa tăng nhanh, hội nhập quốc tế sâu rộng,... đang hút dòng vốn đầu tư quốc tế vào khu vực châu Á.

Châu Á chiếm 25% GDP của thế giới nhưng chỉ đạt 8% vốn hóa thị trường toàn cầu. Do vậy, các doanh nghiệp châu Á còn nhiều dư địa để gia tăng thị phần toàn cầu của mình.

p/Các quốc gia ASEAN, như Việt Nam, Thái Lan,... đang sở hữu nhiều FTA quan trọng trên thế giới. Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty may Hòa Thọ. Ảnh: Danh Lam

Các quốc gia ASEAN, như Việt Nam, Thái Lan,... đang sở hữu nhiều FTA quan trọng trên thế giới. Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty may Hòa Thọ. Ảnh: Danh Lam

Trọng tâm là châu Á

Theo Báo cáo đầu tư thế giới 2017 của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), tổng nguồn vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào châu Á trong năm 2017 tăng khoảng 15% so với năm 2016, đạt mức 515 tỷ USD.

Tập đoàn tài chính Nomura, Nhật Bản cho rằng, dòng vốn FDI vào các quốc gia ASEAN, như Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Việt Nam,... sẽ tăng mạnh trong những năm tới. “Các nước này có thể sẽ thu hút được khoảng 240 tỷ USD vào năm 2025”, Nomura nhận định.

Đặc biệt, lĩnh vực khách hạn, bất động sản,... sẽ tiếp tục là những lĩnh vực hút mạnh FDI. Theo JLL, làn sóng đầu tư vào lĩnh vực khách sạn ở châu Á sẽ tiếp tục tăng mạnh, riêng trong năm 2017 sẽ đạt khoảng 7,5 - 8 tỷ USD.

Cơ hội nào cho châu Á

Các cty Đài Loan đã thành công trong việc khai thác các thị trường ngách trong một số lĩnh vực nhất định, qua đó biến mình thành những đơn vị chủ chốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tại Trung Quốc, việc chính phủ can thiệp nhiều vào nền kinh tế và những lo ngại về quản trị doanh nghiệp có thể khiến các nhà đầu tư ít quan tâm hơn. Tuy nhiên, bà Agana Hanumante, chuyên gia phân tích của cty CB Insights cho rằng, Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn là những thị trường được các nhà đầu tư phương Tây quan tâm hơn là các quốc gia ASEAN.

"Các quốc gia ASEAN như Việt Nam, Thái Lan,... đang sở hữu nhiều FTA quan trọng trên thế giới. Tuy nhiên, một trong số những lý do các hiệp định này vẫn chưa được thực thi hiệu quả do tính minh bạch trong quan hệ đầu tư, kinh tế cũng như các thủ tục hành chính vẫn còn phức tạp. Bên cạnh đó, câu chuyện sở hữu trí tuệ tại các quốc gia này chưa được giải quyết triệt để, trong khi các nhà đầu tư phương Tây luôn đặt điều kiện này lên hàng đầu", bà Agana nhấn mạnh.

Việt Nam hiện đang có nhiều điểm hấp dẫn đối với các doanh nghiệp phương Tây, nhất là khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và CPTPP được thực thi. Do đó, Chính phủ cần giải quyết bài toán về cơ sở hạ tầng, chính sách bảo hộ và vấn nạn tham nhũng trước khi chúng trở thành bức tường ngăn cản đầu tư vào Việt Nam.

Cẩm Anh