Trung Quốc “mất đà” quốc tế hoá đồng CNY
Kiểm soát dòng vốn đầu tư ra nước ngoài, CNY bị mất giá, số lượng hàng hoá được thanh toán bằng CNY giảm,... khiến quá trình quốc tế hoá CNY bị “mất đà”.
Nhằm đẩy nhanh quá trình quốc tế hoá đồng CNY, Chính phủ Trung Quốc đã đẩy mạnh dòng tiền lưu thông ra thị trường quốc tế nhiều hơn so với các nước như Nhật Bản, Mỹ,...
Thúc đẩy quốc tế hoá CNY
Còn nhớ, sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, năm 2009 Trung Quốc đã kiểm soát sử dụng đồng CNY trong tất cả các hoạt động thanh toán thương mại quốc tế. Đây được xem như một trong những nỗ lực đầu tiên của Trung Quốc trong tiến trình này. Năm 2011, Trung Quốc cho phép sử dụng đồng CNY trong hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài, và đến năm 2014 Trung Quốc cho phép nhà đầu tư nước ngoài giao dịch chứng khoán bằng đồng CNY.
Những động thái này nhằm mục đích kiềm chế những tác động đối với nền kinh tế Trung Quốc từ các chính sách tiền tệ của các quốc gia khác. Năm 2015, Trung Quốc đã ghi nhận 30% lượng hàng hoá của nước này được thanh toán bằng đồng CNY. Tuy nhiên tính đến tháng 9/2017, tỷ lệ này chỉ còn 14% và thậm chí sẽ còn thấp hơn nếu như không tính các hoạt động giao thương từ Hồng Kông hoặc Trung Quốc đại lục.
Theo số liệu từ Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng toàn cầu, tỷ lệ đồng CNY được sử dụng là 2,79% trên tổng số giao dịch tài chính trên thế giới tính đến tháng 8/2015. Đồng CNY đã “soán ngôi” đồng JPY vươn lên vị trí thứ 4. Tuy nhiên, tính đến tháng 10/2017, tỷ lệ này đã giảm xuống vị trí thứ 7, tương đương với mức 1,46%.
Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân khiến việc quốc tế hóa đồng CNY bị mất đà là do một số chính sách của Trung Quốc và ảnh hưởng từ chính sách tiền tệ của FED. Ngoài ra, những nỗ lực của Chính phủ Trung Quốc trong việc hạn chế dòng vốn chảy ra nước ngoài đã vô tình làm cho dòng vốn của các công ty nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc chảy về nước bị ảnh hưởng. Vì vậy, điều này đã phần nào lý giải, việc các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ Mỹ, Anh, Đức,... không “mặn mà” với đồng CNY là điều dễ hiểu.
Theo đó, dự trữ đồng CNY của nhà đầu tư nước ngoài cũng đã giảm, trong đó tại Hồng Kông, dự trữ CNY đã giảm từ 1 nghìn tỷ CNY cuối năm 2014 xuống còn 530 tỷ CNY, tương đương 80,1 tỷ USD tính đến tháng 9/2017,...
Hệ luỵ thừa cung tiền
Hiện nay, Trung Quốc đang chịu áp lực mạnh từ đồng CNY mất giá và dòng vốn đầu tư giảm đột ngột. Đây là hệ luỵ tất yếu của hoạt động “bơm tiền” ồ ạt ra nền kinh tế.
Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, các khoản vay của Chính phủ Trung Quốc tăng mạnh để đổi lấy một khối lượng tiền khổng lồ bơm vào nền kinh tế lên tới 4 nghìn tỷ CNY. Điều này đã phần nào làm cho nền kinh tế Trung Quốc phục hồi nhanh hơn sau cuộc khủng so với các nước khác. Cụ thể, tổng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng (M2) đã tăng từ 1,5 lần GDP vào cuối năm 2008 lên 2,1 lần vào cuối năm 2016. Tuy nhiên, điều này đã làm cho nợ khu vực doanh nghiệp Trung Quốc tăng lên mức 166% GDP tính đến cuối năm 2016, cao hơn so với Nhật Bản trong những năm đầu 1990.
Ngoài ra, Trung Quốc đã duy trì nhiều biện pháp nới lỏng tiền tệ như trong vòng 1 năm tính từ tháng 11/2014, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã giảm lãi suất tới 6 lần. Chính điều này đã làm giảm giá trị đồng CNY vào thời điểm mùa hè năm 2015.
Ông Gao Haihong, Chuyên gia cao cấp tại Học viện Khoa học và Xã hội Trung Quốc cho biết: “Nhu cầu của thị trường về đồng CNY là một trong những động lực quan trọng giúp đồng CNY trở thành một phương tiện thanh toán quốc tế như đồng USD. Tuy nhiên, nhu cầu này đang giảm dần”.