Lợi thế nào từ AEC ?

HÀN GIA BẢO 18/01/2018 12:30

Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) là một trong số ba trụ cột quan trọng của Cộng đồng ASEAN. Mục đích chính của AEC nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong khối tiếp cận các yếu tố: vốn, công nghệ, thị trường và lao động. Thế nhưng, doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa biết tận dụng tối đa lợi thế từ AEC.

Từ đầu năm 2018, 8 lĩnh vực ngành nghề được tự do di chuyển trong khối ASEAN đã mở ra cả cơ hội lẫn thách thức cho lao động Việt Nam. Các lĩnh vực ngành nghề đó bao gồm: kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, kỹ sư, y tá và cán bộ hộ sinh, trắc địa viên và các nghề liên quan đến du lịch.

p/Mặc dù AEC đã hoạt động được 2 năm, nhưng lao động Việt Nam còn đối mặt với nhiều rào cản về văn hóa, ngôn ngữ, tôn giáo, giao tiếp xã hội, kỹ năng sống,...

Mặc dù AEC đã hoạt động được 2 năm, nhưng lao động Việt Nam còn đối mặt với nhiều rào cản về văn hóa, ngôn ngữ, tôn giáo, giao tiếp xã hội, kỹ năng sống,...

Năng suất và kỹ năng yếu

Đại diện Viện Nghiên cứu khoa học dạy nghề (Tổng cục Dạy nghề), ông Nguyễn Quang Việt cho biết, thỏa thuận dịch chuyển lao động nói trên chủ yếu dành cho lao động có kỹ năng cao, hành nghề chuyên nghiệp. Đây chính là rào cản lớn cho lao động Việt Nam vốn chưa được đánh giá cao. Theo ông Nguyễn Quang Việt, mặc dù AEC đã đi vào hoạt động được 2 năm (từ 31/12/2015), nhưng lao động Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều rào cản về văn hóa, ngôn ngữ, tôn giáo, giao tiếp xã hội và kỹ năng sống. Hơn nữa, sự khác biệt về hệ thống đào tạo, trình độ, quản lý, đánh giá và cấp văn bằng chứng chỉ của mỗi quốc gia vẫn có sự khác nhau.
Theo Tổng cục Thống kê, hiện nay năng suất lao động của Việt Nam vẫn thấp so với nhiều nước trong khu vực, thậm chí thấp hơn cả Lào. Tính theo sức mua tương đương, năng suất lao động của Việt Nam năm 2017 đạt 9.894 USD, chỉ bằng 7% của Singapore; 17,6% của Malaysia; 36,5% của Thái Lan; 42,3% của Indonesia; 56,7% của Philippines và bằng 87,4% năng suất lao động của Lào.

  Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc, Trung tâm WTO và Hội nhập (thuộc VCCI) từng đưa ra con số thống kê, trong gần 94% doanh nghiệp hiểu biết về AEC thì chỉ 16,4% hiểu rõ về cộng đồng này.

Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, Việt Nam đang rất thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao. Về chất lượng nguồn nhân lực, WB đánh giá Việt Nam chỉ đạt 3,79/10 điểm, xếp thứ 11/12 nước châu Á tham gia xếp hạng (Thái Lan đạt 4,94 điểm, còn Malaysia 5,59 điểm).
Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, cơ hội mà AEC đem lại là đồng đều cho các doanh nghiệp của ASEAN. Chính phủ Việt Nam đã và đang đẩy mạnh hội nhập khu vực và thế giới để tạo sân chơi và điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, có một thực tế là việc tuyên truyền về AEC từ các cấp ngành có liên quan còn quá yếu và thiếu.

Khung quốc gia theo chuẩn quốc tế

Nền kinh tế ASEAN là nền kinh tế lớn thứ bảy thế giới, cho nên Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội kể từ khi AEC đi vào hoạt động. Để nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang đẩy mạnh việc triển khai "Đề án hội nhập quốc tế về giáo dục và dạy nghề đến năm 2020". Các giải pháp trong đề án này đã tập trung vào việc xây dựng cơ chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp phù hợp với xu thế hội nhập, hoàn thiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng dạy nghề, tiếp cận các chuẩn khu vực và thế giới…

Đề án này cũng đưa ra giải pháp triển khai áp dụng khung trình độ quốc gia theo khung tham chiếu ASEAN đã được phê duyệt, thúc đẩy sự hình thành và phát triển hệ thống chuyển đổi tín chỉ và thực hiện công nhận văn bằng (MRA) giữa các nước trong khu vực ASEAN và thế giới. Đồng thời xúc tiến kế hoạch tổ chức thực hiện đào tạo trong 8 lĩnh vực nghề nghiệp đã được ASEAN thỏa thuận.

Về công tác xúc tiến thương mại, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, chẳng cần học đâu xa, hãy học ngay nước bạn Thái Lan. Hãy quan sát những người làm công tác xúc tiến thương mại Thái Lan tại Việt Nam. Họ đi khắp Việt Nam, nói được tiếng Việt, đến từng doanh nghiệp, lặn lội vào từng cửa hàng để xem người tiêu dùng Việt cần gì, nhìn nhận như thế nào về hàng Thái, so sánh hàng Thái với hàng Việt, chỗ nào hàng Thái có thể thuyết phục được người tiêu dùng Việt, chỗ nào có thể mở được các cửa hàng Thái là họ bắt tay vào việc ngay.

Sở dĩ hàng Thái có thể thành công ở Việt Nam như hiện nay, điều quan trọng chính là nhờ công sức của đội ngũ này. Các chương trình xúc tiến thương mại của người Thái đều được tiến hành đến nơi đến chốn, từ khâu đưa hàng sang, chiến dịch truyền thông, đến chiến dịch tiếp cận người tiêu dùng và đưa ra những giải pháp thiết thực, chứ không phải xúc tiến theo kiểu “đem con bỏ chợ” như thường thấy ở một số nơi.

HÀN GIA BẢO