Tầm nhìn mới của APPF 26
Khi được Ban Chấp hành của Nghị viện và 27 nước thành viên Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF) nhất trí thông qua thì “Tuyên bố APPF Hà Nội: Tầm nhìn mới của Quan hệ Đối tác Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương” sẽ là kết quả đặc biệt quan trọng và có ý nghĩa của Hội nghị APPF lần thứ 26 (APPF 26).
Tại Hội nghị APPF lần này, Nghị viện các nước thành viên sẽ thảo luận và đưa ra tiếng nói chung để thúc đẩy việc sớm phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)- một điểm nhấn quan trọng tại APEC 2017.
3 phiên thảo luận chính
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết “Tầm nhìn mới” của APPF 26 từ Hà Nội bao gồm các chủ đề về liên kết kinh tế sâu rộng và toàn diện, an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững, hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số.
Tuy nhiên, Tuyên bố Hà Nội cũng sẽ đảm bảo tính kế thừa của Hội nghị APEC 2017, cũng như phù hợp với các Tuyên bố có ý nghĩa cột mốc mà APPF đã từng thông qua như Tuyên bố Tokyo (1993) thành lập APPF; Tuyên bố Vancouver, Canada (1997) về tầm nhìn thế kỷ 21 của APPF; Tuyên bố Valparaiso, Chile (2001) khẳng định tầm nhìn thế kỷ 21 và tăng cường kết nối với Nghị viện các nước châu Á - Thái Bình Dương của APPF; Tuyên bố mới từ Tokyo (2012).
Theo ông Nguyễn Văn Giàu, chủ đề chính của Diễn đàn lần này dự kiến là “Quan hệ đối tác nghị viện vì hòa bình, sáng tạo, tăng trưởng bền vững" phản ánh xu hướng phát triển của ngoại giao nghị viện trên thế giới, đặc biệt là trên các diễn đàn đa phương cũng như những quan tâm chung của các quốc gia về hòa bình, ổn định, phát triển bền vững.
Đặc biệt, APPF 26 sẽ tổ chức 4 phiên họp chính, mang nội dung quan trọng. Trong đó phiên 1 thảo luận về các vấn đề chính trị an ninh với chủ đề dự kiến là "thúc đẩy ngoại giao nghị viện vì hòa bình, an ninh và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới" và "đấu tranh phòng chống khủng bố quốc tế và tội phạm xuyên quốc gia". Phiên 2 bàn về các vấn đề kinh tế và thương mại với các chủ đề "vai trò của nghị viện thúc đẩy liên kết kinh tế sâu rộng và toàn diện", "An ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững", "hỗ trợ doanh nghiệm siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số".
Phiên họp 3 bàn về các vấn đề hợp tác phát triển trong khu vực gồm các chủ đề "tăng cường hành động chung nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu", "các nguồn lực cho phát triển bền vững" và "đẩy mạnh hợp tác văn hóa, du lịch trong khu vực". Phiên họp 4 bàn về tương lai của APPF sẽ đưa những sáng kiến để nâng cao hiệu quả thực chất, vai trò của APPF đối với hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực cũng như trên thế giới...
Hiện thực hóa nghị quyết của APEC 2017
Cho đến nay, đoàn Việt Nam đã hoàn thiện 6 dự thảo Nghị quyết do Quốc hội Việt Nam chủ động đề xuất. Các chủ đề này cũng khá tương đồng với 39 dự thảo Nghị quyết do các nước tham dự APPF 26 từng đề xuất. Diễn đàn APPF được thành lập năm 1993 với sự tham dự của 27 nghị viện thành viên, trong đó có những nước như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga...
Diễn đàn này là nơi trao đổi giữa các nghị sỹ trong khu vực về các vấn đề an ninh - chính trị, hợp tác kinh tế - thương mại, văn hóa và giải quyết những vấn đề khu vực, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn đinh, phát triển bền vững và thịnh vượng cho toàn khu vực. Diễn đàn này cũng là kênh hỗ trợ cho APEC.
APPF 26 được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát huy những kết quả của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 trên kênh nghị viện, góp phần tăng cường hợp tác giữa các quốc gia vì sự phát triển và thịnh vượng chung của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Với mục tiêu hỗ trợ trực tiếp cho APEC, APPF có vai trò quan trọng trong rà soát và thúc đẩy nghị viện các quốc gia thành viên hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để triển khai các kết quả APEC đạt được. Do vậy, thống nhất cách làm để đưa những quyết định của APEC 2017 thành hiện thực là nhiệm vụ quan trọng của APPF 26.
Bên cạnh thúc đẩy tự do hóa thương mại và liên kết kinh tế, Quốc hội Việt Nam đã đề xuất và nhận được sự ủng hộ cao của Quốc hội các nước thành viên về chủ đề của APPF 26, đó là: "Quan hệ đối tác Nghị viện vì Hòa bình, sáng tạo và phát triển bền vững" với 6 dự thảo nghị quyết, trong đó có: Thúc đẩy ngoại giao nghị viện vì hòa bình, an ninh và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới; Bên cạnh đó, APPF-26 dự kiến sẽ ra "Tuyên bố APPF Hà Nội - Tầm nhìn mới của Quan hệ đối tác nghị viện châu Á - Thái Bình Dương".
Trải qua 25 năm phát triển, Hội nghị APPF-26 có sứ mệnh quan trọng trong việc định hướng cho các nghị viện thành viên APPF về một tầm nhìn cho nghị viện khu vực nhằm đem lại lợi ích thiết thực cho các quốc gia và mọi người dân khu vực châu Á - Thái Bình Dương.