IMF: Không nên “ngủ quên” trước triển vọng tăng trưởng

Ngọc Hà 24/01/2018 12:03

Những kỳ vọng từ tác động tích cực của Luật Thuế sửa đổi Mỹ là một trong những lý do quan trọng khiến Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) nâng mức dự báo kinh tế toàn cầu lên 3,9%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trước đó.

Bà

Bà Christine Lagarde, Giám đốc điều hành IMF.

Kinh tế toàn cầu khởi sắc

Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) được tổ chức tại Davos, Thuỵ sĩ, trong báo cáo tình hình kinh tế thế giới, bên cạnh việc nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu, IMF đã lý giải, một trong những nguyên nhân quan trọng tác động tích cực tới tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ và kinh tế toàn cầu trong thời gian gần đây chính là Luật Thuế sửa đổi của Mỹ.

Luật Thuế sửa đổi của Mỹ đã được dư luận quốc tế nói chung và Mỹ nói riêng ghi nhận là một chiến thắng lập pháp quan trọng hàng đầu trong năm đầu tiên nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ Donald Trump. Mặc dù Đạo luật này sẽ làm thâm hụt 1,5 nghìn tỷ USD ngân sách liên bang và làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo tại nền kinh tế lớn nhất thế giới này, nhưng sẽ góp phần kích thích chi của người tiêu dùng kéo theo tăng trưởng kinh tế của Mỹ. 

Ngoài ra, IMF cũng cho biết, những tác động từ hoạt động cắt giảm thuế sẽ tác động đến hoạt động đầu tư ngắn hạn tại Mỹ. Theo đó, tăng trưởng của Mỹ được dự báo sẽ tích cực đến năm 2020 với luỹ kế tăng trưởng 1,2%. Tuy nhiên, IMF cũng lưu ý rằng, do tính chất ngắn hạn của các điều khoản quy định trong Luật Thuế sửa đổi, tăng trưởng kinh tế Mỹ trong những năm sau năm 2020 sẽ thấp hơn.

Những tác động từ hoạt động xuất khẩu của Mỹ và các đối tác thương mại sẽ đóng góp khoảng 1/2 mức tăng trưởng toàn cầu giai đoạn 2018 – 2019.

IMF dự báo, hoạt động kinh tế toàn cầu sẽ duy trì được đà tăng trưởng, ước đạt mức tăng trưởng 3,7% năm 2017, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo trước đó. 

3 rủi ro tiềm ẩn

Tại WEF ở tại Davos, Thuỵ sĩ, ông Maury Obstfeld, Cố vấn kinh tế, Giám đốc nghiên cứu tại IMF nói rằng, sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang được duy trì theo chu kỳ, nhưng có nhiều yếu tố thúc đẩy tăng trưởng mang tính tạm thời.

Ông Obstfeld nhấn mạnh: “Các nhà hoạch định chính sách không nên “ngủ quên” trước những triển vọng tăng trưởng tốt. Hãy nhìn về phía trước và tìm kiếm các chính sách có thể làm cho nền kinh tế tăng trưởng mạnh và linh hoạt hơn”.

“Ở tầm nhìn ngắn hạn thì tăng trưởng kinh tế toàn cầu là tích cực, nhưng về dài hạn thì tăng trưởng vẫn không thay đổi do những căng thẳng đang tồn tại. Trong đó phải kể đến, nợ hộ gia đình và nợ của doanh nghiệp đang tăng lên ở nhiều nơi. Những điều này sẽ không đáng lo nếu như lãi suất thấp, nhưng với triển vọng tăng trưởng như hiện nay, các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục tăng lãi suất. Nếu điều này xảy ra một cách đột ngột và nhanh hơn sẽ có những căng thẳng nhất định”, ông Obstfeld cảnh báo.

Trước đó, bà Christine Lagarde, Giám đốc điều hành IMF, đồng Chủ tịch WEF năm 2018 cũng đưa ra cảnh báo tương tự: “Triển vọng tăng trưởng không nên dẫn đến tự mãn”.

Bà Christine Lagarde viện dẫn 3 lý do cho rằng, nếu tự mãn sẽ dẫn đến những rủi ro, mà rủi ro là điều mà tất cả các nền kinh tế toàn cầu cần tránh. Một là, năm 2017, 1/5 các nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển chứng kiến mức thu nhập bình quân đầu người giảm. Hai là, sự phục hồi của nền kinh tế chủ yếu là theo chu kỳ, song những “vết sẹo” từ cuộc khủng hoảng như năng suất thấp, dân số già và triển vọng tăng trưởng trong tương lai sẽ tiếp tục là những yếu tố ảnh hưởng đến trung hạn. Ba là, sự tăng trưởng nhưng đi kèm với các tiềm ẩn nợ đang là mối lo của nhiều quốc gia.

Điều chỉnh thị trường

Theo IMF, lạm phát và lãi suất cơ bản ở các nền kinh tế phát triển có thể tăng nhanh hơn khi nhu cầu tăng nhanh. Hiện nay, lạm phát vẫn chưa như kỳ vọng, vì vậy việc duy trì các chính sách nới lỏng tiền tệ trong trung hạn là hoàn toàn có thể, Tuy nhiên chính điều này sẽ dẫn tới các lỗ hổng về tài chính ở các nền kinh tế phát triển và mới nổi.

IMF khuyến khích một nỗ lực chung giữa các nền kinh tế để thực hiện cải cách giúp chu kỳ tăng trưởng trở nên tích cực hơn. Theo đó, các ưu tiên được khuyến khích là tái cơ cấu kinh tế nhằm tăng cường tạo ra tiềm năng và sự phát triển toàn diện.

Báo cáo khuyến nghị của IMF nhấn mạnh: “Lạm phát yếu cho thấy tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển vẫn còn thấp và chính sách tiền tệ cần được duy trì ở mức thích hợp. Chính sách tài khoá cần được định hướng trong tầm nhìn trung hạn nhằm đảm bảo tính bền vững tài khóa và tăng năng suất. Ngoài ra, hợp tác đa phương vẫn là yếu tố quan trộng đảm bảo phục hồi tăng trưởng toàn cầu.

Ngọc Hà