Trump "bỏ quên" châu Á trong Thông điệp Liên bang
Tổng thống Mỹ đã tập trung vào vấn đề Triều Tiên và khủng bố trong Thông điệp Liên bang, nhưng gần như bỏ qua chiến lược của ông về các vấn đề khác ở châu Á, đặc biệt là sự vươn lên về quân sự và kinh tế của Trung Quốc.
Trái ngược với những người tiền nhiệm, Tổng thống Trump đã dành nhiều thời gian thảo luận về Triều Tiên hơn bất kỳ vấn đề chính sách đối ngoại nào khác.
"Chúng ta chỉ cần nhìn vào chế độ Triều Tiên để hiểu được bản chất của mối đe dọa hạt nhân mà quốc gia này có thể gây ra cho Mỹ và các đồng minh của chúng ta”, Tổng thống Trump nói và trích dẫn ví dụ về Otto Warmbier, một sinh viên đại học người Mỹ bị bỏ tù tại Triều Tiên và trở về nhà trong tình trạng hôn mê, sau đó thiệt mạng, và người đào ngũ Ji Seong-ho.
Sự tập trung của ông Trump vào Bình Nhưỡng dường như nhằm mục đích nhấn mạnh tính cấp bách của mối đe dọa này. "Việc Triều Tiên theo đuổi một cách liều lĩnh chương trình tên lửa hạt nhân có thể sớm đe dọa nước Mỹ", ông Trump cảnh báo và cam kết không lặp lại những sai lầm của các Tổng thống Mỹ tiền nhiệm.
Bài diễn văn cũng nhắc đến Trung Quốc và Nga như những "đối thủ", giống với quan điểm của ông được thể hiện trong Chiến lược An ninh Quốc gia được công bố vào cuối năm ngoái. Ông Trump kêu gọi hợp tác để tăng cường sức mạnh cho quân đội Mỹ, bao gồm việc hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của nước này, để đối phó với những mối đe dọa tiềm ẩn.
“Nhằm đối phó với những nguy hiểm khủng khiếp này, chúng ta biết rằng yếu đuối là con đường dẫn đến xung đột, và sức mạnh không có đối thủ là vũ khí có khả năng phòng thủ tuyệt vời nhất của chúng ta”, ông Trump nhấn mạnh.
Nhưng đây là đề cập duy nhất có liên quan đến Trung Quốc hay Nga trong toàn bộ Thông điệp Liên bang, mà không có đề cập nào đến những bước cụ thể để giải quyết những vấn đề như sự quân hoá của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Tuy nhiên, đề cập ngắn gọn này vẫn vấp phải những phản đối từ Trung Quốc và Nga. "Washington và Bắc Kinh có những khác biệt, nhưng những lợi ích chung của chúng tôi vượt xa những khác biệt đó", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói và nhấn mạnh, quá khứ và hiện tại đã chỉ ra rằng hợp tác là sự lựa chọn đúng đắn duy nhất cho quan hệ Trung Quốc- Mỹ.
Trong khi đó, ông Konstantin Kosachev, Chủ tịch Ủy ban Quốc tế của Thượng viện Nga, đã phản ứng trước Thông điệp Liên bang của Trump bằng cách chỉ trích Mỹ, quốc gia mà theo ông, đang thống trị thế giới. "Trump không thể lợi dụng Nga và Trung Quốc như những "vật tế thần" để giải quyết các vấn đề của nước Mỹ", ông Konstantin Kosachev nói.
Mặc dù Trump cho biết trong chuyến thăm các nước châu Á vào tháng 11/2017 rằng Mỹ vẫn hướng về khu vực này, nhưng trên thực tế, ông đã không làm gì nhiều ngoài việc kiên quyết theo đuổi chính sách “nước Mỹ là trên hết” của mình – ví dự như theo đuổi các thỏa thuận thương mại song phương thay vì các thỏa thuận đa phương. Trong Thông điệp Liên bang cũng không có dấu hiệu thực sự cho thấy sự thay đổi quan điểm của Trump trong vấn đề này.
Các vị trí cao cấp phụ trách vấn đề đối ngoại ở châu Á trong Bộ Ngoại giao của Mỹ hiện vẫn còn trống. Việc Mỹ không có cơ chế ngoại giao đối châu Á đã đặt ra câu hỏi liệu Washington có tiếp tục duy trì chiến lược đối ngoại kiên định của nước này đối với khu vực châu Á hay không.
Ông Trump cũng nói rất ít về thương mại, chỉ dành hơn một phút trong một bài diễn văn khoảng 80 phút để nói về một vấn đề thương mại chủ chốt trong năm đầu tiên tại Nhà Trắng của ông.
Tổng thống Trump nói rằng Mỹ cuối cùng đã đảo ngược được hàng thập niên của những thỏa thuận thương mại không công bằng, những thỏa thuận đã lấy đi sự thịnh vượng của chúng ta và mang đi các công ty, công ăn việc làm và tài sản của chúng ta.
“Thời kỳ chúng ta "đầu hàng" về kinh tế đã hoàn toàn biến mất”, ông Trump nói và nhấn mạnh, từ bây giờ chúng ta hy vọng các mối quan hệ thương mại sẽ công bằng và cùng có lợi. Chúng ta sẽ cố gắng khắc phục các thỏa thuận thương mại tồi tệ và đàm phán những thỏa thuận mới.
Việc không tập trung vào thương mại có thể xuất phát từ thực tế rằng, đây là lĩnh vực mà Trump không có nhiều thành tựu trong năm đầu làm Tổng thống, không giống như lĩnh vực chính sách trong nước, nơi ông có thể ca ngợi cuộc cải cách thuế lớn đầu tiên của nước này trong ba thập kỷ qua.
Ông Trump đắc cử một phần nhờ vào cam kết cắt giảm thâm hụt thương mại của Mỹ. Với cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ sẽ diễn ra vào tháng 11 sắp tới, ông Trump có thể duy trì quan điểm bảo hộ hơn nữa để lấy lòng các cử tri thuộc tầng lớp lao động. Nhưng đảng Cộng hòa và các công ty Mỹ có thể muốn Tổng thống thể hiện quan điểm bớt cứng rắn hơn do lo ngại về những tác động tiềm ẩn đối với nền kinh tế và thị trường chứng khoán.