Nhân loại trước cuộc "tiến hóa" mới

Song Hà 17/02/2018 06:39

Cách mạng công nghiệp 4.0 – làn sóng công nghệ đang diễn ra khắp nơi trên thế giới và làm biến đổi mọi lĩnh vực của đời sống.

Từ chiếc xe tự hành bon bon trên đường, ngôi nhà có thể tự động điều chỉnh ánh sáng, những thiết bị gia dụng thông minh biết “đoán ý” chủ nhân…, tất cả đều là những điều đã và đang xảy ra trong thế giới của chúng ta. Là trung tâm và là “đối tượng thụ hưởng” của tất cả những diễn biến đấy, liệu chúng ta có bao giờ tự hỏi: Con người sẽ “đi đâu về đâu” trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0?

Cuộc đua chẳng hồi kết

Tại CES 2018 – Triển lãm điện tử tiêu dùng thường niên, nơi trình diễn những ý tưởng và sản phẩm công nghệ mới nhất, diễn ra đầu tháng 1/2018, Nissan đã trình diễn một công nghệ vô cùng độc đáo. Đó là Brain-to-Vehicle (B2V) – công nghệ giúp xe tự hành có khả năng tự hiệu chỉnh và thích ứng với suy nghĩ, trạng thái của người lái thông qua công nghệ giải mã trí não. Không chỉ giảm thao tác điều khiển xe, B2V là hướng đến việc sử dụng dữ liệu từ não bộ con người để “hướng dẫn” hệ thống tự lái vận hành hoàn hảo hơn.

Mặc dù công nghệ này chắc hẳn sẽ phải mất một thời gian không ngắn nữa mới có thể đưa vào các sản phẩm thương mại hóa, song cho thấy một xu hướng mang tính thời đại – đó là máy móc sẽ học tập cách con người sinh sống, hoạt động, cảm nhận… sau đó tận dụng ưu thế về lưu trữ và phân tích dữ liệu lớn (bigdata) để ngày càng trở nên hoàn hảo, xuất sắc hơn. Đó cũng chính là một ví dụ về cách mà dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo (AI), mạng lưới internet kết nối vạn vật (Internet of things – IoT)… đang kết hợp, vận hành để tác động đến cuộc sống của chúng ta. Kết quả, mọi hành vi, trải nghiệm, xúc cảm của con người đều có thể được thu thập lại, “trao” cho máy móc để chúng hiểu rõ hơn về con người.

Trước đây, nhờ những bước tiến về tự động hóa, chúng ta có các dây chuyền sản xuất tự động, giúp con người giải phóng sức lao động giản đơn cũng như các sai sót đầy… nhân tính. Nay, với trí tuệ nhân tạo và công nghệ học máy (machine learning) cùng vô vàn công nghệ mới, máy móc tiến đến giai đoạn “giống con người”, không ngừng học để trang bị các kỹ năng lao động như chúng ta. Đáng nói hơn, chính con người cũng sẽ phải nâng cấp chính mình, phải học cách cộng tác chung với máy móc! Theo các chuyên gia, với những thay đổi theo quy mô và tốc độ chưa từng có trong lịch sử nhân loại, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 sẽ tác động mạnh mẽ và toàn diện đến loài người, bao gồm cả các vấn đề về kinh tế và chính trị - xã hội. Các quốc gia, tập đoàn, doanh nghiệp nào mạnh về công nghệ số sẽ có khả năng vươn lên trở thành “cường quốc” mới, và ngược lại sẽ bị đào thải nếu không thích ứng, thay đổi.

Con người sẽ ngày càng “vô dụng”?

Trong bối cảnh đó, câu chuyện robot “cướp việc” của con người không hề là nỗi lo sợ vu vơ, mà đang diễn ra ở rất nhiều nơi trên thế giới cũng như ngay tại Việt Nam. Ngay trong cuốn sách Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, GS. Klaus Schwab - Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới - ước tính khoảng 47% các công việc hiện tại ở Mỹ có thể sẽ biến mất vì tự động hóa. Và thực tế đang diễn ra khốc liệt như những gì người ta lo ngại, khi các tập đoàn đa quốc gia như DHL, CIG, Tesla, Best Buy, Walmart... đều đã cắt giảm nhân sự, thay thế bằng robot.

Đáng nói là, trào lưu này đang diễn ra khắp nơi trên thế giới. Foxconn - doanh nghiệp Đài Loan chuyên sản xuất phụ kiện cho Apple, Sony và Nokia – thì đã cắt giảm 60.000 công nhân, tức là hơn một nửa lượng lao động để thay thế bằng robot. Còn Adidas thậm chí đã đưa vào vận hành nhà máy Speedfactory tại Đức, hoàn toàn điều khiển bằng robot. Nhà máy này chỉ cần 160 nhân công - đa phần là kỹ sư để điều khiển, kiểm soát hoạt động của những robot này.

Theo dự báo từ Nghiên cứu mới nhất của PwC, đến năm 2030, có tới 38% lao động tại Mỹ sẽ bị mất việc bởi sự thay thế của robot. Báo cáo nghiên cứu này còn đưa ra được các con số thống kê cho rằng nhiều quốc gia chứng kiến lao động bị mất việc như Anh (30%), Đức (35%), Nhật (21%)...

Nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thì dự báo, trong 2 thập niên tới, khoảng 56% số lao động tại 5 quốc gia Đông Nam Á có nguy cơ mất việc vì robot, đặc biệt là ngành may mặc với tỉ lệ lên đến 86%. Còn theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, đến năm 2021, sẽ có 7,2 triệu lao động dư thừa trên toàn cầu, chủ yếu trong các lĩnh vực quản lý và quản trị, đặc biệt là trong ngành y tế. Trong khi đó, sẽ chỉ có 2,1 triệu việc làm mới được tạo ra, chủ yếu trong các lĩnh vực chuyên môn cao như tin học, toán học, kiến trúc, kỹ thuật... Đó là chưa kể đến việc ngày càng xuất hiện nhiều những vật liệu thông minh biết tự làm sạch, tự phục hồi… khiến con người ngày càng “nhàn nhã” hơn, hay theo một cách nào đó thì có thể gọi là “vô dụng” hơn.

Để đối phó với một viễn cảnh không mấy dễ chịu như thế, chúng ta phải làm gì? Theo bà Susand Lund - chuyên gia và là đồng tác giả báo cáo của McKinsey Global Institute, mô hình học tập và lao động của con người sẽ thay đổi. Sẽ không phải là lộ trình quen thuộc: 20 năm đầu tiên để đi học, 40 - 50 năm sau đó để làm việc. Thay vào đó, “chúng ta sẽ phải nghĩ đến việc học tập và đào tạo trong suốt quá trình sự nghiệp của mình”, Susand Lund nói.

Song Hà