Mỹ xoay trục Châu Á - Thái Bình Dương
Ngay khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công khai duy trì chiến lược xoay trục Châu Á – Thái Bình Dương. Chiến lược này nhằm khẳng định vai trò lãnh đạo của Mỹ ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, một khu vực có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng đối với Mỹ.
Xoay trục” là một chiến lược dài hạn, chứ không chỉ được thực hiện trong một nhiệm Tổng thống. Tuy nhiên, mỗi đời Tổng thống có một cách thực hiện chiến lược khác nhau.
Cách tiếp cận mới của Trump
Trong chiến lược xoay trục đó, Biển Đông vẫn sẽ là một mắt xích vô cùng quan trọng của Mỹ. Giới quan sát tin rằng, trong nhiệm kỳ này Tổng thống Donald Trump vẫn tiếp tục đảm bảo quyền tự do đi lại trên biển, trên không ở Biển Đông như Tổng thống Barack Obama từng thực hiện. Biển Đông không chỉ là vấn đề của riêng Tổng thống Mỹ mà chịu tác động của các cơ quan quyền lực khác của Mỹ như Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Quốc hội… Đây là vấn đề quan trọng liên quan đến lợi ích của nước Mỹ, vì vậy không có ai dám từ bỏ nó. Tại Biển Đông, Mỹ có rất nhiều lợi ích, bởi đây là vùng biển quốc tế đã mang lại giá trị giao thương hàng hóa lên đến hơn 5.000 tỷ USD mỗi năm.
Mới đây trong chuyến công du 5 nước châu Á nhân dịp tham dự Hội nghị APEC 2017 tại Đà Nẵng Việt Nam, Hội nghị cấp cao ASEAN và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á tại Manila, Philippines, ông Trump lần đầu tiên công khai trước thế giới về tầm nhìn của mình đối với khu vực trọng yếu này. Ấn Độ - Thái Bình Dương - một khái niệm không mới nhưng được ông Trump hâm nóng, nhắc lại rất nhiều lần trong suốt chuyến công du của mình và thổi một luồng sinh khí mới khi cùng lãnh đạo của 3 quốc gia khác là Nhật Bản, Ấn Độ và Úc bàn về việc hình thành một kết nối an ninh mới bao trùm cả Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
Nước Mỹ dưới thời Tổng thống Trump sẽ tiếp tục thực thi chính sách “Xoay trục Châu Á- Thái Bình Dương” mà Tổng thống tiền nhiệm Obama đã công bố từ năm 2011. Tuy nhiên, với chính sách “nước Mỹ là trên hết”, cách ứng xử và hành động của Tổng thống D. Trump sẽ có những khác biệt nhất định với người tiền nhiệm. Tuy nhiên, Tổng thống D. Trump vẫn sẽ tiếp tục thực thi chính sách “xoay trục” nhưng với cách làm mới và phương pháp mới, trong đó vấn đề Biển Đông vẫn là một trong những trọng tâm của chính sách “xoay trục” của Mỹ. Sự cạnh tranh chiến lược của Mỹ với Trung Quốc ở Biển Đông vẫn sẽ diễn ra trong tình trạng “vừa hợp tác, vừa đấu tranh”, nhưng mặt cạnh tranh, đấu tranh sẽ mạnh hơn nhiều, thậm chí gay gắt hơn.
Hợp tác cùng có lợi
Ông Peter Navarro, một chuyên gia kinh tế và là cố vấn chính trị của Tổng thống D.Trump, trong một cuộc tiếp xúc với giới báo chí về chủ đề chính sách đối ngoại của Mỹ ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, đã phát biểu rằng: Việt Nam là một quốc gia quan trọng, tôi chờ đợi các mối quan hệ ấm áp của Việt Nam và tất cả các quốc gia khác ở châu Á với chính quyền Tổng thống D. Trump. Ông D. Trump là một doanh nhân tự do, ông ấy hiểu tầm quan trọng của thương mại với phần còn lại của thế giới vì sự thịnh vượng chung của Mỹ và các nước. Chỉ có điều phải tiến hành việc đó trên cơ sở bình đẳng.
Vì vậy, khả năng hợp tác giữa chính quyền Tổng thống D.Trump với Việt Nam theo tinh thần hợp tác bình đẳng cùng có lợi là rất lớn. Khả năng hợp tác về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng giữa 2 nước sẽ tiếp tục phát triển, thậm chí Việt Nam sẽ là một “tiêu điểm” trong chính sách đối ngoại của Mỹ ở khu vực, đặc biệt trong các chính sách của Mỹ ở Biển Đông. Tuy vậy, trong quan hệ thương mại Việt - Mỹ, Việt Nam đã xuất khẩu nhiều qua Mỹ. Do đó, Việt Nam cũng phải chuẩn bị cho khả năng Mỹ sẽ áp đặt các chính sách bảo hộ, đặt ra các rào cản thương mại mới đối với Việt Nam để bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng Mỹ.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần tiếp tục thực hiện chính sách nhất quán hướng tới xây dựng quan hệ đối tác chiến lược, nhất là về kinh tế, tôn trọng và ổn định về chính trị và hợp tác về an ninh, hai bên cùng có lợi. Việc tăng cường và thúc đẩy quan hệ với Mỹ lên tầm cao mới sẽ tạo ra nội lực kinh tế phát triển, nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Việt Nam cần tăng cường trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong các lĩnh vực khác nhau của Mỹ. Đặc biệt, Việt Nam cũng cần tăng cường hợp tác với Mỹ trong các lĩnh vực như kinh tế và thương mại, khuyến khích các công ty, doanh nghiệp Mỹ đầu tư tại Việt Nam, nhất là về thăm dò và khai thác dầu khí, học hỏi kinh nghiệm trong lĩnh vực an ninh hàng hải. Đồng thời, Việt Nam cũng cần tranh thủ vai trò và tiếng nói của Mỹ trong các diễn đàn đa phương, trong việc ủng hộ ASEAN về vấn đề Biển Đông, nhằm đa phương hóa, quốc tế hóa vấn đề Biển Đông.
Ngoài ra, Việt Nam cần kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với Mỹ về những vấn đề như lợi dụng chiêu bài tự do ngôn luận, tôn giáo, dân chủ và nhân quyền để công kích chế độ, tiến hành “diễn biến hòa bình” để tạo ra sự bất ổn trong xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, trong các vấn đề cụ thể, Việt Nam cần chủ động, khéo léo, linh hoạt, mềm mỏng và kiên quyết; tránh để Mỹ lợi dụng để phục vụ mưu đồ chống phá nước khác.
Đảng ta đã chủ trương kết hợp chặt chẽ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế với yêu cầu giữ vững an ninh, quốc phòng, thông qua hội nhập để tăng cường sức mạnh tổng hợp của quốc gia, nhằm củng cố chủ quyền và an ninh của đất nước, cảnh giác với những mưu toan thông qua hội nhập để thực hiện ý đồ “Diễn biến hòa bình” đối với nước ta. Chúng ta cũng cần cảnh giác với mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc để tránh rơi vào tình huống xấu, nhất là các nước lớn vì lợi ích của mình mà thỏa hiệp xâm hại lợi ích của Việt Nam. Việt Nam cần có sự đoàn kết nội bộ tốt, phát huy cao độ khối đại đoàn kết cộng đồng Việt Nam, tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia, tranh thủ tối đa sức mạnh quốc tế, sức mạnh thời đại, sự hỗ trợ của các cơ quan công quyền quốc tế, dựa trên cơ sở công pháp quốc tế để bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, không ngừng nâng cao vị thế ở khu vực và trên thế giới. Việt Nam cần chủ động đối thoại, khuyến khích xu hướng mong muốn duy trì, phát triển quan hệ với Việt Nam của Mỹ; tranh thủ rộng rãi chính giới, doanh nghiệp, các tầng lớp xã hội, hạn chế sự chống phá của giới cực đoan ở Mỹ, xác định khuôn khổ quan hệ ổn định với Mỹ.