Nguy cơ bùng nổ cuộc chiến thương mại

Thuỵ Vân 25/02/2018 11:15

Mỹ và các đối tác thương mại đang có những bất đồng quan điểm và xung khắc lợi ích mới, có nguy cơ dẫn đến cuộc chiến tranh thương mại.

p/Không chỉ thép và nhôm, mà các mặt hàng như máy giặt, tấm năng lượng mặt trời, gỗ cũng đã bị áp thuế suất nhập khẩu cao của chính quyền Trump trong thời gian qua.

Không chỉ thép và nhôm, mà các mặt hàng như máy giặt, tấm năng lượng mặt trời, gỗ cũng đã bị áp thuế suất nhập khẩu cao của chính quyền Trump trong thời gian qua.

Cuối tuần qua, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross đã công bố những khuyến nghị chính sách mà trước đó một tháng đã được trình lên Tổng thống Mỹ Donald Trump để xem xét quyết định.

Ba lựa chọn khó khăn

Nội dung những khuyến nghị chính sách lần này của ông Ross nhằm giảm mức độ nhập khẩu thép và nhôm của Mỹ để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp luyện thép và nhôm ở Mỹ. Trong thế giới hiện đại ngày nay, giảm nhập khẩu để thúc đẩy phát triển những ngành công nghiệp liên quan vẫn còn thời hay đã lỗi thời là chuyện mỗi quốc gia nhìn nhận và xử lý theo cách riêng. Còn ở Mỹ, câu chuyện này được giải quyết theo triết lý của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và khẩu hiệu "Nước Mỹ trước hết" trong khi mọi biện luận khác chỉ là chuyện phụ.

Ông Ross đưa ra 3 sự lựa chọn trình Tổng thống Trump xem xét quyết định. Thứ nhất, đánh thuế vào thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ từ tất cả các nước trên thế giới, mức thuế quan tối thiểu 24% đối với thép và 17% đối với nhôm. Thứ hai, áp dụng thuế quan nhằm vào diện đối tác nhất định, cụ thể là đối với 12 nước, trong đó có Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Venezuela, Thổ Nhĩ Kỳ,... và theo trang tin điện tử dw.com của Đức thì có cả Việt Nam và Hồng Kông (Trung Quốc). Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO duy nhất bị liệt vào diện đối tác này. Tất cả các đối tác khác không được xuất khẩu hai mặt hàng nói trên vào Mỹ vượt quá mức độ trong năm 2017. Thứ ba, không áp dụng thuế quan nhưng hạn chế mức độ xuất khẩu thép và nhôm của tất cả các đối tác xuống còn bằng 63% khối lượng xuất khẩu của họ trong năm 2017.

Dù Tổng thống Trump lựa chọn phương án nào, thì cũng đều hạn chế xuất khẩu của đối tác vào Mỹ, cản trở tự do thương mại và cạnh tranh sòng phẳng trong thời đại toàn cầu hoá. Theo đó, tất cả các đối tác thương mại của Mỹ đều bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp. Nếu ông Trump chọn phương án thứ 2 thì các nước Phương Tây không bị ảnh hưởng trực tiếp. Nhưng các đối tác khác sẽ tìm cách đưa những mặt hàng này vê tiêu thụ tại thị trường của họ.

Biện pháp đối phó

Trước động thái nói trên của Mỹ, gần như tất cả các đối tác thương mại của Mỹ không chỉ phản đối mà còn bắt tay ngay vào việc chuẩn bị những biện pháp trả đũa và đối phó thích ứng nếu ông Trump quyết theo hướng những khuyến nghị nói trên của ông Ross. Trung Quốc cho biết sẽ trả đũa, cụ thể thế nào thì hiện còn giữ kín. Hàn Quốc tuyên bố nếu Mỹ áp dụng thuế quan trừng phạt thì sẽ khởi kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). EU đã có hẳn danh sách cụ thể những mặt hàng của Mỹ sẽ bị trừng phạt bằng mức thuế quan mới nếu Mỹ thực thi chủ trương nói trên, trong đó có rượu Whiskey Bourbon và xe máy Harley.

Thép và nhôm không phải là những mặt hàng đầu tiên mà chính quyền Trump tìm cách hạn chế nhập khẩu. Trước đó đã có những mặt hàng như máy giặt, tấm năng lượng mặt trời và gỗ. Từ đó có thể thấy chủ trương bảo hộ mậu dịch và khép kín thị trường nội địa Mỹ bằng thuế quan và rào cản thương mại được chính quyền Trump kiên định thực hiện không chỉ vì chủ nghĩa dân tuý ở Mỹ mà còn ở nhận thức thực sự của ông Trump và cộng sự là chỉ như thế mới có thể tăng được khả năng cạnh tranh của hàng hoá Mỹ không phải trên thị trường thế giới mà nay trên thị trường Mỹ trong bối cảnh toàn cầu hoá.

Từ trước tới nay, ông Trump luôn bất chấp mọi đối tác để thực hiện chủ ý của mình và chỉ khi nào vấp phải sự đối phó và trả đũa quyết liệt của các đối tác thì mới chùn bước. Chính vì thế mà các đối tác của Mỹ hiện tại phản đối rất mạnh cũng như công khai từ rất sớm chủ định đối phó để răn đe và cảnh báo Mỹ phải từ bỏ ý định.

Vấn đề ở đây thực chất không phải là sản lượng thép và nhôm hiện tại trên thế giới vượt xa nhu cầu mà ở chính năng suất và khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp luyện thép và nhôm ở Mỹ. Tương tự như các mặt hàng khác, bảo hộ không thể là định hướng cứu cánh lâu dài cho các ngành công nghiệp và nền kinh tế Mỹ. Chuyển đổi cơ cấu kinh tế và công nghiệp, đổi mới công nghệ và tham gia phân công lao động quốc tế dưới tác động của toàn cầu hoá mới giúp tăng được cả năng suất lao động lẫn khả năng cạnh tranh của hàng hoá trên thị trường quốc tế. Nước Mỹ đã chậm chân trên phương diện này và định hướng chính sách thương mại như trên của chính quyền Trump càng trì hoãn sự khởi đầu mới lẽ ra phải làm từ lâu đối với nước Mỹ.

Việt Nam không thể tránh khỏi ảnh hưởng bởi chính sách thương mại này của Mỹ, nhất là khi chính quyền Trump sẽ còn mở rộng diện những mặt hàng áp dụng thuế quan bảo hộ hoặc giảm mức độ nhập khẩu. Vì vậy, Việt Nam cần phối hợp với các đối tác thương mại để đối phó với Mỹ trong khuôn khổ song phương cũng như đa phương, đồng thời phải chủ động khai phá thị trường xuất khẩu mới, nâng cao khả năng cạnh tranh, thiết lập khu vực mậu dịch tự do với các đối tác, không bỏ thị trường Mỹ nhưng không để bị lệ thuộc vào thị trường Mỹ.

Thuỵ Vân