Tổng thống Mỹ để ngỏ khả năng quay lại đàm phán CPTPP
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ cân nhắc quay trở lại tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (nay là CPTPP) nếu Mỹ có thể thương lượng các điều khoản tốt hơn.
"Một khả năng lớn"
"TPP trước đây là một thỏa thuận rất tồi đối với Mỹ. Tuy nhiên, nếu được đàm phán các điều khoản tốt hơn, chúng tôi sẽ tái tham gia Hiệp định này", Tổng thống Trump cho biết tại một cuộc họp báo với Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull vừa qua tại Nhà Trắng và kêu gọi đàm phán lại Hiệp định với Australia, Nhật Bản và 9 nước khác trong CPTPP.
Ông Trump cũng cho biết thêm, ông thích "các thỏa thuận song phương" hơn các thỏa thuận đa quốc gia như CPTPP, và lấy hiệp định thương mại với Australia như một ví dụ.
“Quan hệ thương mại song phương giữa Mỹ và Australia là một mô hình kiểu mẫu cho các nước khác”, ông Trump nói.
Mỹ đã áp dụng chính sách bảo hộ thương mại kể từ khi ông Trump nhậm chức với khẩu hiệu “nước Mỹ là trên hết”. Cụ thể, ông Trump đã rút nước Mỹ khỏi TPP trong tuần đầu tiên ông nhậm chức. Mặc dù vậy, các quốc gia còn lại tuyên bố họ đã đạt được một thoả thuận thay thế mà không có Mỹ.
Trước đó, một nhóm 25 Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa đã gửi một lá thư tới ông Trump đề nghị ông tái tham gia CPTPP. "Chúng tôi khuyến khích Tổng thống làm việc tích cực để bảo đảm những cải cách cho phép Mỹ tham gia vào thỏa thuận", các thượng nghị sĩ viết và nhấn mạnh, tăng cường hợp tác kinh tế với 11 quốc gia hiện tại trong CPTPP có thể sẽ cải thiện đáng kể khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Mỹ, hỗ trợ hàng triệu việc làm của Mỹ, gia tăng xuất khẩu của Mỹ, nâng lương cho người lao động Mỹ, và mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.
Những người ủng hộ CPTPP cũng coi thoả thuận này là đối trọng chiến lược với Trung Quốc. Bộ trưởng quốc phòng dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, Ashton Carter, đã từng nói ông thích thoả thuận thương mại này hơn một nhóm quân sự khác.
Tuy nhiên theo nhận định của các chuyên gia, triển vọng Hoa Kỳ tham gia CPTPP trong ngắn hạn là không cao. Dù Washington thể hiện thiện chí tham gia CPTPP, nhưng không có gì đảm bảo các thành viên của Hiệp định sẽ dỡ bỏ các điều khoản bị đóng băng, mà phần lớn là các điều khoản có lợi cho Mỹ. Hiệp định CPTPP sẽ có hiệu lực vào cuối 2018 hoặc nửa đầu 2019, sau khi phiên bản cuối cùng của CPTPP đã được công bố vào ngày 21/02 vừa qua sẽ được ký kết chính thức vào tháng 3 tới (dự kiến 08/03 tại Chile).
Thương mại với Trung Quốc
Cuộc họp giữa ông Trump và ông Turnbull diễn ra sau khi Bộ Thương mại Mỹ công khai khuyến nghị của mình rằng chính quyền Mỹ nên áp đặt các thuế quan và hạn ngạch mới đối với thép và nhôm, những hành động có thể gây ra một cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc.
Mặc dù ca ngợi về mối quan hệ cá nhân "đặc biệt" với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhưng ông Trump đã thúc đẩy Bắc Kinh, một nước không thuộc CPTPP, cắt giảm thặng dư thương mại khổng lồ và kéo dài với Washington.
"Chúng tôi đã phát triển mối quan hệ tuyệt vời với Trung Quốc, ngoại trừ việc họ đã gây thiệt hại cho chúng tôi trong thương mại trong một thời gian dài", nhà lãnh đạo Mỹ nói.
"Dù tôi rất thích và rất tôn trọng Chủ tịch Tập, nhưng chúng tôi phải làm rõ sự mất cân bằng thương mại", ông Trump cho biết và nhấn mạnh, thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ là rất lớn, rất không có lợi đối với Mỹ.
Ông Trump là một người chỉ trích gay gắt về các chính sách thương mại của Trung Quốc, trong khi Australia thường áp dụng cách tiếp cận ít đối đầu hơn với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của họ.
"Có những người muốn vẽ lên một bức tranh mà trong đó Mỹ và các đồng minh của họ như Australia là đối thủ chống lại Trung Quốc như một sự lặp lại của thời kỳ Chiến tranh lạnh”, ông Turnbull nói.
Ông Trump nói rằng mối quan hệ của Mỹ với Bắc Kinh đã được cải thiện, nhưng cảnh báo mối quan hệ này có thể bị trật bánh vì các tranh chấp thương mại.