Brexit - bất đồng quan điểm mới
Trong khi cả Liên minh châu Âu (EU) và Anh đều phải chạy đua với thời gian đàm phán về việc nước Anh ra khỏi EU (Brexit) thì lại nảy sinh thêm nhiều bất đồng quan điểm mới.
Việc EU công bố dự thảo thoả thuận Brexit, tức là về kết quả đàm phán và về mối quan hệ giữa EU và nước Anh trong tương lai đã bị thủ tướng Anh Theresa May bác bỏ ngay lập tức.
Anh muốn cơ chế riêng
Bà May có bài phát biểu cụ thể hoá những yêu cầu của Anh về Brexit mà chắc chắn không thể không làm cho EU bị đau đầu bởi trong đó có không ít nội dung phía EU không thể chấp nhận được.
Thực chất ở đây chỉ xoay quanh hai vấn đề lớn. Thứ nhất là đường biên giới giữa Ireland (thành viên EU) và Bắc Ireland (hiện thuộc Anh). Cả Anh lẫn EU đều có lợi ích thiết thực lâu dài trong việc thực hiện thoả thuận hoà bình cho Bắc Ireland mà một trong những nội dung quyết định nhất trong đó là đi lại thông thương giữa Ireland và Bắc Ireland. Thời cả Anh và Ireland đều còn trong EU thì chuyện này đơn giản. Nhưng sau Brexit, Anh không còn được áp dụng quy định đi lại thông thương trong EU như trước nữa.
Thứ hai là mối quan hệ giữa EU và Anh sau Brexit. Phía EU muốn Anh phải chấp nhận một trong những mô hình quan hệ hiện đã có giữa EU và đối tác khác, chẳng hạn như giữa EU với Na uy hoặc thoả thuận về hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa EU và Canada. Bà May không chấp nhận đề xuất này của EU và đòi EU phải có giải pháp khác thích hợp với đặc thù của nước Anh.
“Ranh giới đỏ” của Anh
Mới đây, bà May đưa ra 5 tiêu chí mà giới truyền thông gọi là "ranh giới đỏ". Thứ nhất, nước Anh kiểm soát hoàn toàn luật pháp hiện hành trên đảo quốc và đường biên giới quốc gia. Thực chất ở đây là EU không còn chủ quyền gì nữa đối với nước Anh. Thứ hai, mọi thoả thuận với EU đều phải lâu bền, chứ không thể bị sửa đổi, bổ sung thường xuyên. Thứ ba, mọi thoả thuận với EU đều phải có lợi cho kinh tế nước Anh và tạo thêm công ăn việc làm trên đảo quốc. Thứ tư, mọi thoả thuận với EU đều không được cản trở nước Anh ký kết thoả thuận hợp tác với các đối tác khác. Thứ năm là Brexit phải làm cho nước Anh mạnh hơn về mọi phương diện chứ không phải ngược lại.
Nói thì dễ, chứ đạt được tất cả những tiêu chí này trong đàm phán với EU về Brexit không đơn giản và dễ dàng chút nào đối với chính phủ của bà May và EU chắc chắn không sẵn sàng để cho phía bà May muốn gì được nấy với Brexit.
Cho tới thời điểm hiện tại, hai phía buộc phải nhận thức chung về mô hình quan hệ mới nhưng lại chưa hình dung ra được mô hình ấy sẽ như thế nào. Dù vậy, chắc chắn nền tảng quan hệ EU và Anh sau Brexit sẽ hoàn toàn khác trước.
Sau Brexit, thoả thuận về khu vực mậu dịch tự do với EU sẽ không được vận dụng cho thị trường Anh và các đối tác phải tìm cách có thoả thuận tương tự riêng với Anh nhưng phải làm sao cho hai thoả thuận này không mâu thuẫn lẫn nhau. Chắc chắn Anh sẽ không bận tâm nhiều đến lợi ích của EU nhưng các đối tác lại không thể như thế vì cần cả EU lẫn Anh làm đối tác và cần có được hiệu ứng cộng hưởng của quan hệ hợp tác với EU và Anh.