Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc trở nên quyền lực hơn sau cải cách

Cẩm Anh 14/03/2018 05:40

Trung Quốc đang trao cho ngân hàng trung ương nhiều quyền lực hơn để thiết lập các quy tắc cho lĩnh vực tài chính, như một phần của cuộc cải cách sâu rộng nhằm khắc phục những lỗ hổng quản lý và hạn chế rủi ro trong ngành tài chính ngân hàng.

Sau cuộc cải cách về quản lý của Chủ tịch T

Sau cuộc cải cách về quản lý của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc trở nên quyền lực hơn 

Ủy ban Giám sát và Quản lý Ngân hàng Trung Quốc (SBRC) và Ủy ban Quản lý Bảo hiểm Trung Quốc (CIRC) sẽ được sáp nhập với nhau trong cuộc cải cách lớn nhất của ngành tài chính ngân hàng Trung Quốc kể từ năm 2003. Theo dự kiến, một số chức năng bao gồm soạn thảo các quy định quan trọng và giám sát bảo đảm an toàn hệ thống tài chính ngân hàng sẽ được chuyển giao cho Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC).

Cùng với việc tái cơ cấu hệ thống tài chính ngân hàng là việc bổ nhiệm các quan chức cao cấp, bao gồm việc bổ nhiệm ông Lưu Hạc làm Phó Thủ tướng Trung Quốc, chịu trách nhiệm về các vấn đề tài chính và kinh tế.

"PBOC có nhiều quyền lực hơn, được bổ sung vai trò hoạch định chính sách bên cạnh vai cố vấn chính sách tiền tệ trước đây”, ông Zhou Hao, chuyên gia kinh tế của Commerzbank AG tại Singapore, nói và cho biết, PBoC sẽ có vai trò hoạch định chính sách, và cơ quan quản lý ngân hàng và bảo hiểm mới được sáp nhập sẽ chủ yếu thực thi chính sách. Và một điều đáng lưu ý khác là, ông Lưu Hạc sẽ đóng một vai trò quan trọng hơn trong cải cách của Trung Quốc.

Hiện nay, các nhà quản lý quỹ đầu tư toàn cầu đang cảnh báo về những rủi ro tài chính tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, lưu ý đến nợ ngày càng tăng và bong bóng tài sản trong những năm gần đây. "Trung Quốc là một trong những nền kinh tế có nguy cơ lớn nhất phải đối mặt một cuộc khủng hoảng ngân hàng", Ngân hàng Thanh toán Quốc tế cho biết trong một nghiên cứu được công bố vừa qua.

Trung Quốc đã công bố thành lập Ủy ban Bền vững và Phát triển Tài chính vào tháng 7/2017 và kể từ đó các cơ quan giám sát các ngân hàng, các công ty bảo hiểm và thị trường chứng khoán đã tăng cường các nỗ lực để giám sát lĩnh vực tài chính ngầm và các rủi ro khác. Các nhà quản lý đã tập trung vào việc hạn chế phát triển của các sản phẩm tín thác và nợ liên ngân hàng.

SBRC dưới thời Chủ tịch Guo Shuqing đã thể hiện quyền lực của mình bằng cách phạt những khoản tiền kỷ lục với các tổ chức tài chính vì những hành vi phạm tội, như che giấu mức độ thực sự của các khoản nợ xấu của họ. Trong khi đó, vị trí chủ tịch của CIRC đã bị bỏ trống kể từ khi ông Xiang Junbo bị cách chức vào tháng 4/2017 trong cuộc chiến chống tham nhũng.

Một số công ty bảo hiểm, bao gồm Anbang Insurance Group (được tiếp quản bởi chính phủ vào tháng trước), đã tăng doanh số bằng cách bán các sản phẩm ngắn hạn, lợi tức cao trong những năm gần đây và sử dụng tiền thu được để mua các công ty niêm yết và tài sản nước ngoài. Điều đó đã khiến cơ quan quản lý chứng khoán hàng đầu phải xử phạt các công ty này.

Kể từ năm 2016, CIRC đã thắt chặt việc giám sát các sản phẩm ngắn hạn và hạn chế việc mua lại của các công ty bảo hiểm.

"Việc sáp nhập của CBRC và CIRC là một bước đi cần thiết để bắt kịp một thế giới tài chính toàn cầu thích hợp hơn”, ông Tao Dong, Phó Chủ tịch phụ trách khu vực Trung Quốc đại lục của Credit Suisse Private Banking tại Hồng Kông, cho biết và nhấn mạnh, phần lớn rủi ro hệ thống tài chính ngân hàng xuất phát từ các nhóm tài sản chéo. Chính phủ đang có những bước đi đúng hướng để kiềm chế rủi ro tài chính và giảm nợ.

Cẩm Anh