Rủi ro nào đang “bủa vây” kinh tế thế giới?
Những bất ổn chính trị và nguy cơ chiến tranh thương mại sau khi Mỹ áp thuế nhập khẩu thép và nhôm có thể sẽ kìm hãm đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Theo dự báo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2018 sẽ đạt mức cao nhất trong 7 năm qua. Theo đó, tổ chức này dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu đạt 3,9% năm nay, trong khi các chuyên gia tham gia khảo sát của Reuters được công bố tháng 1 vừa qua dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2018 đạt 3,7%.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, nguy cơ bùng nổ cuộc chiến tranh thương mại sau khi Trump áp thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm nhập khẩu vào quốc gia này, cũng như những lo ngại về Brexit và những bất ổn chính trị khác đã và đang có nguy cơ làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Bà Christine Lagarde, Giám đốc điều hành của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và nhiều quốc gia, cùng các chuyên gia đều không đồng tình với quyết định nói trên của Trump. “Nếu chiến tranh thương mại nổ ra, thì sẽ không có bên nào thắng, mà chỉ có người thua”, bà Lagarde nhấn mạnh.
Gần 90% trong số 71 chuyên gia trả lời khảo sát vừa qua của Reuters cho biết, họ đang thực sự lo ngại về nguy cơ bùng nổ cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu. Điều đó không chỉ gây thiệt hại có các quốc gia có liên quan, mà còn khiến kinh tế Mỹ điêu đứng.
Bên cạnh đó, kinh tế toàn cầu còn bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi những bất ổn chính trị, đặc biệt là ở châu Âu. Trong khi Anh đang gặp những bế tắc trong đàm phán Brexit, thì cuộc bầu cử ở Italy cũng không kém phần bất ổn. Dù liên minh trung hữu của 4 đảng, trong đó nòng cốt là 2 đảng Tiến lên Italy và Liên đoàn phương Bắc, là liên minh giành nhiều phiếu nhất, nhưng cũng không đủ đa số tuyệt đối cần thiết để tự thành lập chính phủ Italy.
Theo kết quả khảo sát của Reuters được đưa ra vào đầu tháng này, Anh và EU sẽ không đạt được thỏa thuận quan trọng nào về Brexit cho tới hạn chót là cuối tháng 3/2019.
Báo cáo công bố mới đây của Công ty Tư vấn Oliver Wyman và Công ty luật Clifford Chance cho rằng, Anh và EU sẽ thiệt hại khoảng 58 tỷ GBP, tương đương 80,4 tỷ USD nếu đàm phán Brexit không đạt được thỏa thuận nào về thương mại.
Cụ thể, các doanh nghiệp EU xuất khẩu sang Anh sẽ phải trả khoảng 31 tỷ GBP tiền thuế mỗi năm nếu Anh rút khỏi khối này mà không đạt được thỏa thuận nào. Trong khi đó, các doanh nghiệp Anh xuất khẩu sang EU sẽ phải trả thuế khoảng 27 tỷ GBP mỗi năm.
Giới chuyên gia cho rằng, ngành ôtô của EU sẽ chịu thiệt hại nhiều nhất nếu sau Brexit, mối quan hệ thương mại giữa EU và Anh được điều tiết theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Về phía Anh, ngành tài chính cũng sẽ chịu thiệt hại lớn nhất từ trước tới nay.
Một điểm nữa cũng sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu là Fed và một số NHTW của các quốc gia phát triển có thể sẽ đẩy mạnh tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ trong năm nay. Trong đó Fed dự kiến sẽ tăng lãi suất 4 lần, thay vì 3 lần như kế hoạch ban đầu. Động thái này của các NHTW cũng sẽ kìm hãm đà tăng trưởng kinh tế thế giới.
Nếu những yếu tố nói trên tiếp tục diễn biến theo chiều hướng tiêu cực, thì kinh tế toàn cầu khó có thể đạt được mức tăng trường 3,9% như dự báo của OECD.