Sáng kiến Vành đai và Con đường định hình quan hệ quốc tế của châu Á
Sáng kiến Vành đai và Con đường (OBOR) đã tạo ra sức sống mới cho hợp tác kinh tế châu Á và giúp khu vực này định hình lại quan hệ quốc tế của mình.
Theo báo cáo được công bố tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao năm 2018 được tổ chức mới đây, OBOR đã tạo ra một "luồng gió mới" cho thế giới để giải quyết các vấn đề phát sinh từ toàn cầu hóa và tạo điều kiện thuận lợi cho việc chia sẻ kinh nghiệm phát triển.
“OBOR gắn liền với toàn cầu hoá kinh tế và sẽ nâng cao khả năng cạnh tranh của châu Á. Đó là lý do tại sao sáng kiến này nên được ưu tiên và được quảng bá tích cực tại các nền kinh tế châu Á”, báo cáo viết.
Báo cáo cũng minh họa tính tương thích của sáng kiến với các kế hoạch phát triển khác trong khu vực, chẳng hạn như Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 17 năm 2010.
“OBOR đã cung cấp những sự hỗ trợ cơ bản cho Trung Quốc và các nước ASEAN để củng cố mối quan hệ của họ”, báo cáo viết.
Ở Trung và Tây Á, sáng kiến này cũng giúp các nước trong khu vực cải thiện cơ sở sản xuất và sinh hoạt cũng như tạo thuận lợi cho giao lưu kinh tế và văn hoá.
Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan, một dự án tiên phong của OBOR, đã không chỉ cải thiện cơ sở hạ tầng địa phương mà còn mở rộng tới Afghanistan, giúp giảm đói nghèo và mang lại triển vọng tốt hơn cho cuộc sống của người dân địa phương.
Báo cáo cho biết OBOR, "một hình ảnh thu nhỏ" của văn hoá châu Á với sự hợp tác hai bên cùng có lợi, cũng là kết quả của nhân loại trong quá trình khám phá những quan hệ quốc tế mới và phù hợp với các chuẩn mực được ủng hộ bởi Hiến chương Liên Hợp Quốc về các quan hệ quốc tế hiện đại.
Dựa trên nguyên tắc tham vấn chung, xây dựng chung và chia sẻ, sáng kiến này đã để thị trường đóng vai trò quyết định hoàn toàn.
Sáng kiến OBOR, được đề xuất bởi Trung Quốc vào năm 2013, nhằm mục đích xây dựng mạng lưới thương mại và cơ sở hạ tầng kết nối châu Á với châu Âu và châu Phi dọc theo Con đường Tơ lụa để tìm kiếm sự phát triển chung và thịnh vượng.
Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, các doanh nghiệp Trung Quốc đã đầu tư 14,36 tỷ USD tại 59 quốc gia dọc theo dự án OBOR vào năm 2017.