Tổng thống Assad có bị nao núng trước lệnh tổng tấn công của Mỹ?
Cuộc tấn công năm ngoái của Hoa Kỳ đã thất bại trong việc thay đổi hành vi của Tổng thống Bashar al-Assad. Lần này, liệu Tổng thống Assad có bị nao núng?
Có thể bạn quan tâm |
21h ngày 13/4 theo giờ Washington, từ Phòng Ngoại giao của Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ông đã ra lệnh tấn công chính xác các mục tiêu liên quan đến năng lực vũ khí hoá học của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Rạng sáng 14/4, theo giờ Syria, nhiều tiếng nổ bắt đầu vang lên ở thủ đô Damascus.
Cuộc không kích xảy ra sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, cùng các đồng minh Anh, Pháp cáo buộc chính phủ Syria đã tiến hành “một cuộc tấn công tàn bạo với những người dân Syria vô tội bằng vũ khí hóa học bị cấm” ở thị trấn Douma, khiến 40 người thiệt mạng.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là: Tại sao Mỹ và các đồng minh cáo buộc Syria sử dụng vũ khí hóa học, nhưng lại không cho quốc gia này có cơ hội giải thích? Trong khi, các cuộc điều tra về vũ khí hóa học tại Syria vẫn đang được xúc tiến khẩn trương và trong lúc kết quả điều tra về vũ khí hóa học chưa được công bố? Việc Mỹ, Anh và Pháp thực hiện cuộc tấn công vào Syria có được cho là vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc?
Cuộc tấn công này đã nhận được sự quan tâm của dư luận quốc tế. Phương Tây, trong đó có các nước trong khối EU và NATO phần lớn đều ủng hộ vì cho rằng đây là cuộc không kích chính đáng và cần thiết để ngăn chặn việc sử dụng vũ khí hóa học của Syria.
Ví như, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết Thổ Nhĩ Kỳ hoan nghênh các cuộc tấn công chống lại chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad, gọi đó là “phản ứng thích đáng”: “Cuộc tấn công của Anh, Mỹ và Pháp ‘đã làm giảm nỗi đau đớn lương tâm khi đối mặt với vụ tấn công ở Douma’. Ankara cho rằng cuộc tấn công nghi bằng hoá học vào thường dân ở Douma vào tuần trước là "tội ác chống lại loài người", mà không thể không trừng phạt”.
Thì ngược lại, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres cảnh báo họ (Mỹ, Anh và Pháp - ba trong số năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an) có nghĩa vụ phải hành động phù hợp với Hiến chương Liên hiệp quốc và luật pháp quốc tế nói chung: “Tôi kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên hãy kiềm chế trong những tình huống nguy hiểm này và để tránh bất kỳ hành động nào có thể làm tình hình leo thang và làm trầm trọng hơn những đau khổ của dân Syria”.
Các chuyên gia luật quốc tế khẳng định: “Mỹ không có quyền đáp trả hợp pháp nếu thiếu một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc” tấn công Syria - thứ mà chắc chắn Mỹ không bao giờ có được một khi Nga còn là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an”.
Sau khi Mỹ khai hỏa, bản thân Syria cho rằng đây là cuộc tấn công “hung hăng bất chính”. Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao Nga cũng cáo buộc các nước phương Tây đã tấn công Thủ đô của một quốc gia có chủ quyền đang chiến đấu chống lại chủ nghĩa khủng bố trong nhiều năm qua.
Còn, Iran - một đồng minh vững chắc của Tổng thống Bashar al-Assad và được cho là đã triển khai quân đội và chi hàng tỷ đô la để giúp chính phủ Syria cũng lên tiếng phản đối. Chính nhà lãnh đạo tối cao của Iran, Ayatollah Ali Khamenei đã nói: “Cuộc tấn công của các nước phương Tây vào Syria là một tội ác mà không đem lại lợi ích gì. Các đồng minh Hoa Kỳ sẽ không đạt được bất kỳ điều gì từ các tội ác ở Syria… Tổng thống Mỹ, thủ tướng Anh và tổng thống Pháp là những kẻ tội đồ”.
Sử dụng giải pháp quân sự để làm leo thang căng thẳng tình hình tại quốc gia vốn chìm trong nội chiến và bất ổn dai dẳng này liệu có mang lại lợi ích thực sự cho Mỹ hay không? Hơn nữa, cái giá phải trả cho một cuộc tấn công thiếu chiến lược sẽ đắt hơn nhiều: Ngân sách quốc phòng, biểu tình phản đối… cho đến việc cái giá phải trả về nhân đạo cũng sẽ vượt ngoài mọi sự tưởng tượng..v..v.
Còn nhớ, trước đây Quốc hội Mỹ cũng đã bị “phớt lờ” khi cựu Tổng thống Bill Clinton tấn công các lực lượng Serbia ở Kosovo năm 1999, hay khi cựu Tổng thống Barack Obama tấn công nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi năm 2011. Cả hai chiến dịch quân sự này đã kéo dài, tốn kém và chán nản. Hoặc như, cách đây 1 năm, vào tháng 4/2017, Tổng thống Trump đã ra lệnh không kích Syria bằng 59 quả tên lửa Tomahok từ 2 tàu chiến Mỹ ở khu vực biển Địa Trung Hải.
Đợt khai hỏa này, số tên lửa bắn ra nhiều hơn gấp đôi con số đó. Các cuộc tấn công tạm thời bây giờ đã chấm dứt, nhưng đã có một cảnh báo rõ ràng rằng nếu chế độ Assad sử dụng vũ khí hoá học thì các cuộc tấn công tiếp theo cũng có thể xảy ra.
Dẫu vậy, có một thực tế không thể phủ nhận mà Tổng thống Mỹ có thể phải chấp nhận là: Dù ông có ra lệnh một, hay hai cuộc tấn công chống các lực lượng của Tổng thống Assad, ông Trump sẽ chẳng thể thay đổi được cán cân quyền lực tại Syria, cũng như không cải thiện được vị thế của ông tại quốc gia bất ổn này, chứ chưa nói tới toàn khu vực Trung Đông.
Bởi, bên cạnh Syria và chế độ Assad, đã và đang có một sự hậu thuẫn cực kỳ chắc chắn của Nga lẫn Iran. Cuộc tấn công năm ngoái của Hoa Kỳ đã thất bại trong việc thay đổi hành vi của Tổng thống Bashar al-Assad. Lần này, liệu Tổng thống Assad có bị nao núng?