Phá giá NDT: Đòn hiểm không dễ chơi

Thuỵ Vân 15/04/2018 11:19

Trung Quốc đang cân nhắc phá giá đồng nhân dân tệ (NDT) để đối phó với xung đột thương mại với Mỹ. Giới chuyên gia cho rằng, đòn hiểm này của Trung Quốc không dễ chơi.

Tại Diễn đàn Châu Á Bắc Ngao được tổ chức mới đây tại Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố sẽ tiếp tục mở cửa thị trường và giảm thuế. Điều này cho thấy, phía Trung Quốc dường như không muốn xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc liên tục leo thang. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cũng quả quyết rằng, chính sách tiền tệ của nước này về cơ bản sẽ không thay đổi.

p/Trung Quốc có thể phá giá đồng NDT để đối phó với chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ nhằm vào Trung Quốc.p/Ảnh: S.T

Trung Quốc có thể phá giá đồng NDT để đối phó với chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ nhằm vào Trung Quốc. Ảnh: S.T

Cái cớ để Mỹ gia tăng áp lực

Tuy nhiên, vừa qua lại rộ lên thông tin đồn thổi từ phía Trung Quốc rằng, quốc gia này đang suy tính việc phá giá đồng NDT để đối phó với chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ nhằm trực tiếp vào Trung Quốc. Cho tới nay, phía chính giới Trung Quốc không bình luận gì về những thông tin này, không xác nhận, nhưng cũng chẳng phủ nhận. Chuyện giá trị thực sự của đồng NDT vốn đã từ khá lâu nay là một trong những vướng mắc cơ bản giữa Mỹ và Trung Quốc. Đã từ lâu, Mỹ luôn cáo buộc Trung Quốc chủ ý duy trì tỷ giá hối đoái thấp của đồng NDT, tức là cố tình duy trì đồng tiền yếu, để hỗ trợ xuất khẩu. Ông Trump khi chưa trở thành Tổng thống Mỹ đã từng nhiều lần không ngại ngùng cáo buộc Trung Quốc "lũng đoạn tiền tệ" và cam kết nếu đắc cử Tổng thống Mỹ sẽ xử lý chuyện này. Tuy nhiên, cho tới nay, chắc vì nhiều lợi ích khác, nên ông Trump tỏ ra rất kiềm chế trên phương diện này.

Phá giá đồng NDT là một cú đòn rất hiểm mà Trung Quốc có thể sử dụng trong bối cảnh tình hình hiện tại để đối phó với chính sách bảo hộ thương mại của chính quyền Trump nhằm vào Trung Quốc. Bằng cách này, Trung Quốc có thể không cần dùng đến biện pháp tăng mức thuế quan để trả đũa mà vẫn đảm bảo được hàng hoá xuất khẩu của Trung Quốc rẻ và hàng hoá của Mỹ đắt.

Sử dụng biện pháp này, Trung Quốc còn có thể có được vũ khí để gây áp lực đối với Mỹ. Bởi đồng NDT chưa được Trung Quốc cho có khả năng tự do chuyển đổi, tức là tỷ giá chưa hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường, nên Trung Quốc có thể vận hành nó tuỳ theo nhu cầu đặt ra và mức độ tác động muốn có được. Đòn này hiểm thật nhưng trong thực chất lại không hoàn toàn dễ chơi bởi phía Mỹ đã từ lâu luôn cảm thấy bị “ngứa mắt“ bởi chính sách tiền tệ của Trung Quốc. Một khi Trung Quốc áp dụng nó, phía Mỹ chắc chắn sẽ coi đó là cái cớ để tiếp tục gia tăng áp lực với Trung Quốc.

Hai lựa chọn khác của Trung Quốc

Để đối phó Mỹ, Trung Quốc còn có 3 biện pháp khác nữa là trả đũa Mỹ bằng chính biện pháp Mỹ áp dụng đối với Trung Quốc, đó là khởi kiện Mỹ ra trước toà án trọng tài của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và bán trái phiếu Chính phủ Mỹ mà Trung Quốc hiện đang nắm giữ. Ngày 5/4, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết đã đệ đơn kiện lên WTO về việc Mỹ đã áp thuế 25% đối với thép nhập khẩu vào quốc gia này. Trong khi đó, việc bán trái phiếu Chính phủ Mỹ là chuyện Trung Quốc không thể không thận trọng.

Trung Quốc hiện là nước nắm giữ khối lượng trái phiếu lớn nhất của Mỹ, ước tính khoảng 1.200 tỷ USD (tiếp theo là Nhật Bản với tổng giá trị khoảng 1.100 tỷ USD). Nếu Trung Quốc bán tháo trái phiếu Chính phủ Mỹ thì Mỹ sẽ gặp khó khăn lớn về tài chính và giá của trái phiếu này sẽ giảm. Vì vậy, Trung Quốc không thể tránh khỏi bị tổn hại về giá trị ở phần trái phiếu còn lại. Mặt khác, giá trị to lớn của con át chủ bài này chủ yếu ở chỗ "không phải bị bán ra mà luôn trong tình trạng có thể bị bán ra", hay nói theo cách khác, tác dụng răn đe và gây áp lực của việc không bán còn lớn hơn cả tác dụng của việc bán đi hết. Như thế có nghĩa là Trung Quốc cũng chỉ có thể sử dụng biện pháp trả đũa này với mức độ nhất định.

Tác động đến các nước láng giềng

Nếu Trung Quốc phá giá đồng NDT để đối phó Mỹ, các đối tác kinh tế và thương mại khác của Trung Quốc không thể tránh khỏi bị vạ lây trong quan hệ hợp tác kinh tế, đầu tư và thương mại của họ với Trung Quốc. Duy trì đồng tiền yếu như thế chẳng khác gì bảo hộ sản xuất trong nước và hỗ trợ xuất khẩu, giúp hàng hoá của Trung Quốc có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế. Do đó, những nước láng giềng hoặc có mức độ trao đổi thương mại lớn cả chính ngạch lẫn tiểu ngạch với Trung Quốc đều bị cạnh tranh quyết liệt hơn về xuất khẩu. Các mối quan hệ về hợp tác đầu tư, thanh toán tài chính, cung cấp tín dụng, vay nợ, chuyển đổi tiền tệ.... vì thế cũng sẽ bị xáo động rất nhiều. Tất cả những đối tác này của Trung Quốc sẽ phải có sự chuẩn bị và phòng ngừa từ rất sớm để đối phó với những tác động tiêu cực từ biến chuyển trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Đồng thời, họ phải có được những lo liệu kịp thời về đối phó những rủi ro từ điều chỉnh chính sách tiền tệ của Trung Quốc.

Thuỵ Vân