Bước ngoặt chuyển giao quyền lực ở Cuba
Lần đầu tiên trong 60 năm qua, Cuba có thể sẽ có vị Chủ tịch không mang họ Castro. Người kế nhiệm Chủ tịch Raul Castro được kỳ vọng sẽ giúp quốc đảo này vượt qua những khó khăn, thách thức hiện nay.
Cuba tổ chức phiên họp đầu tiên của Quốc hội khóa IX bắt đầu vào ngày hôm nay (18/4), sớm hơn một ngày so với thông báo đó. Phiên họp Quốc hội sẽ diễn ra trong vòng 2 ngày tại Cung Hội nghị tại thủ đô La Habana, trong đó 605 đại biểu Quốc hội mới được bầu chọn vào ngày 11/3 vừa qua sẽ tuyên thệ và các đại biểu trên sẽ bỏ phiếu lựa chọn 31 thành viên của Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch nước và các Phó chủ tịch. Như vậy, ông Raul Castro sẽ thôi giữ chức Chủ tịch Cuba sau kỳ họp Quốc hội lần này.
Trước đó, ông Raul Castro đã khẳng định sẽ rời ghế Chủ tịch Cuba vào tháng 4 sau khi kết thúc nhiệm kỳ 5 năm lần thứ hai của mình. Tuy nhiên, ông Raul Castro vẫn giữ vị trí Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Cuba đến năm 2021. Đây sẽ là bước ngoặt mang tính lịch sử của quốc đảo này khi lần đầu tiên trong gần 60 năm, Cuba sẽ có vị Chủ tịch không mang họ Castro, không xuất thân từ thế hệ cách mạng 1959, không mặc quân phục và không đồng thời nắm cương vị Bí thư thứ nhất.
Theo một số nguồn tin, người kế nhiệm ông Raul Castro gần như chắc chắn là ông Miguel Diaz-Canel, Phó chủ tịch thứ nhất Hội đồng Nhà nước Cuba. Ông Miguel Diaz-Canel được đánh giá là cộng sự thân cận nhất của chủ tịch Cuba từ năm 2013. Ông Miguel Diaz-Canel sinh ra tại Villa Clara thuộc miền trung Cuba, tốt nghiệp đại học năm 1982 và tham gia quân đội trong 3 năm sau đó. Ông Miguel Diaz-Canel từng là giáo sư cơ khí tại Đại học Santa Clara. Năm 1994, ông trở thành Bí thư thứ nhất Tỉnh ủy Villa Clara và có nhiều đổi mới mang tính đột phá tại tỉnh Villa Clara.
Năm 2009, ông Diaz-Canel chuyển tới thủ đô Havana sau khi trở thành Bộ trưởng Giáo dục và 3 năm sau được bầu làm Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Ở cả hai cương vị này, ông Diaz-Canel đều nổi tiếng là nhà cải cách tích cực. Chính Chủ tịch Raul Castro bổ nhiệm ông Diaz-Canel làm Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước vào tháng 2/2013.
Giới chuyên gia đánh giá, nếu trở thành Chủ tịch Cuba, ông Diaz-Canel sẽ tiếp tục các chính sách mở cửa kinh tế và xã hội trong thời gian qua, đặc biệt là giải quyết những khó khăn, thách thức của Cuba đã tồn tại trong một số năm trở lại đây. Đặc biệt, việc ông Raul Castro vẫn giữ vị trí Bí thư thứ nhất đến năm 2021 sẽ giúp ông Diaz-Canel có nhiều thuận lợi trong việc duy trì đà cải cách cũng như vượt qua những nghi ngại do thiếu truyền thống cách mạng.