Mỹ bị cáo buộc “bắt nạt” Trung Quốc 

Cẩm Anh 22/04/2018 06:01

Trung Quốc đã cáo buộc Mỹ không nhất quán trong những hành động thương mại khi một mặt nói rằng mình ủng hộ các nguyên tắc công bằng, nhưng mặt khác lại không làm như vậy.

Mỹ bị cáo buộc “bắt nạt” Trung Quốc

Mỹ bị cáo buộc “bắt nạt” Trung Quốc

Trong một sự leo thang căng thẳng thương mại mới nhất, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã phản ứng trước những báo cáo rằng Bộ Tài chính Mỹ đang xem xét sử dụng đạo luật khẩn cấp để hạn chế đầu tư của Trung Quốc vào các công nghệ nhạy cảm.

"Mỹ đang suy nghĩ và hành động như kẻ "bắt nạt", chỉ có Mỹ mới có thể có công nghệ cao và những quốc gia khác thì không. Về những hạn chế trong lĩnh vực công nghệ cao mà họ đang cân nhắc, họ viện dẫn lý do an ninh quốc gia, nhưng thực tế lại là bảo hộ. Liệu Mỹ có thực sự mong manh đến vậy?”, bà Hoa Xuân Oánh cho biết tại cuộc họp báo thường ngày của Bộ Ngoại giao.

Bà Hoa cũng nói thêm, Mỹ không hề nhất quán. Một mặt, chính quyền Trump đang yêu cầu Trung Quốc mở cửa thị trường, nhưng đồng thời lại tạo ra những trở ngại cho Trung Quốc. "Các hành động của Mỹ đi ngược lại các nguyên tắc về sự bình đẳng, công bằng và tương hỗ mà Mỹ luôn mạnh miệng kêu gọi", bà Hoa Xuân Oánh nói.

Trong khi đó, ông Trump đang thúc giục chính quyền của mình rà soát những gì ông coi là thực tiễn thương mại không lành mạnh của Trung Quốc. Ông đe dọa áp dụng mức thuế lên tới 150 tỷ USD đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc để phản ứng lại việc đánh cắp tài sản trí tuệ và chuyển giao công nghệ bắt buộc của Trung Quốc. Bắc Kinh đã trả đũa bằng cách đề xuất thuế quan 50 tỷ USD đối với hàng hoá xuất khẩu của Mỹ vào Trung Quốc và cam kết sẽ hành động thêm nếu cần.

Đặc biệt mới đây, ông Trump đã yêu cầu Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin xem xét các biện pháp hạn chế đầu tư của các công ty Trung Quốc sau khi chính quyền Mỹ công bố kết quả của cuộc điều tra nhằm vào các thực tiễn sở hữu trí tuệ của Trung Quốc vào tháng trước.

Ông Mnuchin có hạn chót đến ngày 21 tháng 5 để đề xuất hành động nhằm giải quyết mối quan ngại về “các khoản đầu tư dẫn đầu hoặc hậu thuẫn bởi Trung Quốc ở Mỹ trong các ngành công nghiệp hoặc công nghệ được coi là quan trọng.

Mặc dù các nhà đầu tư cho đến nay tập trung vào kế hoạch áp đặt thuế quan đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc, nhưng những hạn chế mới có thể làm trầm trọng thêm sự sụt giảm đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ kể từ khi Trump lên nắm quyền, ảnh hưởng đến khả năng huy động vốn của các công ty Mỹ.

Theo dữ liệu của Bloomberg, các vụ M&A của các công ty Trung Quốc ở Mỹ đã giảm từ 53 tỷ USD năm 2016 xuống còn 31,8 tỷ USD vào năm ngoái. 

Các quan chức Bộ Tài chính Mỹ đang làm việc để xác định các lĩnh vực công nghệ, trong đó các công ty Trung Quốc sẽ bị cấm đầu tư, chẳng hạn như bán dẫn và công nghệ viễn thông 5G.

Các công ty được nhà nước Trung Quốc hỗ trợ như Tsinghua Unigroup đã phải từ bỏ kế hoạch mua hoặc đầu tư vào các công ty công nghệ của Mỹ. Tuy nhiên, các công ty tư nhân, dẫn đầu bởi Tencent, Alibaba và Baidu, vẫn đang tích cực hoạt động tại Mỹ.

Tencent đã đầu tư vào hơn 50 công ty tại Mỹ trong 5 năm qua. Các công ty này bao gồm các công ty khởi nghiệp về trí tuệ nhân tạo như ObEN, các công ty công nghệ sinh học như Locus Biosciences và nhà phát triển thiết bị vệ tinh Satellogic USA.

Cẩm Anh