Triều Tiên sẽ giải trừ vũ khí hạt nhân?
Mặc dù Triều Tiên đã thông báo ngừng thử vũ khí hạt nhân và đóng cửa các địa điểm thử hạt nhân, song việc giải trừ vũ khí hạt nhân chưa chắc đã xảy ra.
Mặc dù vậy, các nhà lãnh đạo các quốc gia trên thế giới hoan nghênh thông báo nói trên của Triều Tiên. "Triều Tiên đã đồng ý ngừng tất cả các thử nghiệm hạt nhân và đóng cửa một địa điểm thử nghiệm lớn. Đây là tin rất tốt cho Triều Tiên và thế giới - một tiến bộ lớn! Hãy chờ xem hội nghị thượng đỉnh của chúng tôi", Tổng thống Mỹ Donald Trump đăng dòng tweet ngay sau thông báo .
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng lạc quan: "Phía Trung Quốc tin rằng quyết định của Triều Tiên sẽ giúp cải thiện tình hình trên bán đảo Triều Tiên".
Phản ứng của Nhật Bản ít lạc quan hơn và nhắc đến những lời hứa trong quá khứ bị phớt lờ. "Chúng tôi đánh giá cao và hoan nghênh động thái tích cực của Triều Tiên. Chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ liệu việc này có dẫn đến việc giải trừ hoàn toàn vũ khí hạt nhân của Triều Tiên?", Thủ tướng Shinzo Abe nói.
Mặc dù thông báo nói trên của Triều Tiên làm dấy lên hy vọng về việc phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, nhưng các chuyên gia cho rằng mục đích sâu xa của Triều Tiên nhằm giành được những nhượng bộ từ Hàn Quốc và Mỹ trong các hội nghị thượng đỉnh sắp tới.
Trong tuyên bố vừa qua của mình, Bình Nhưỡng cũng cho biết sẽ từ bỏ địa điểm thử nghiệm hạt nhân tại Punggyeri. Nhưng các chuyên gia cho biết địa điểm này đã giúp Triều Tiên thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo khi đã giải quyết được những khó khăn kỹ thuật liên quan đến đầu đạn nguyên tử trong lần thử nghiệm thứ 6 vào tháng 9 năm 2017. Do đó, địa điểm này cũng không còn giá trị sử dụng đối với Triều Tiên.
"Tuyên bố của Triều Tiên không hơn gì một show diễn hòa bình", ông Park Too-jin, Viện trưởng Viện Quốc tế Hàn Quốc nói và cho biết, mục tiêu của Bình Nhưỡng là gây ấn tượng với thế giới bằng việc từ bỏ vũ khí hạt nhân để tạo tiền đề cho các cuộc đàm phán sắp tới nhằm tránh việc Tổng thống Trump đưa ra các yêu cầu cứng rắn với quốc gia này.
Trong khi đó, ông Robert Dujarric, Giám đốc Viện Nghiên cứu châu Á đương đại tại Đại học Temple, cũng tỏ ra nghi ngờ. "Quyết định của Triều Tiên là một chiến lược đàm phán để đảm bảo sẽ có một hội nghị thượng đỉnh có lợi cho Triều Tiên. Điều này sẽ không ảnh hưởng đến cán cân quân sự ở Đông Á", ông Dujarric nhận định.
"Thông báo của Triều Tiên được đưa ra dưới hình thức một quyết định của đảng Lao động Triều Tiên, thay vì chỉ là một tuyên bố, qua đó thu hút nhiều sự chú ý hơn từ công chúng Triều Tiên", ông Lee Jong-wong, Giáo sư tại Trường Cao học châu Á - Thái Bình Dương tại Đại học Waseda, cho biết và nhấn mạnh, cái giá phải trả là quyết định này khó đảo ngược hơn.
Ông Jin Chang-soo, Chủ tịch của Viện Sejong, nhất trí rằng thông báo của Triều Tiên sẽ tạo bước đệm cho một Hội nghị thượng đỉnh giữa quốc gia này và Hàn Quốc, Mỹ trong thời gian tới. "Còn quá sớm để nói rằng Triều Tiên thực sự muốn phi hạt nhân hóa vì những thông báo như vậy", ông Chang-soo nói.
Hội nghị thượng đỉnh liên Triều sẽ diễn ra vào tuần này. Trong khi, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên dự kiến diễn ra muộn nhất vào tháng 6 sắp tới. Đến lúc đó, có thể có nhiều bằng chứng hơn cho thấy quyết định nói trên của Triều Tiên báo hiệu một mục đích khác của Triều Tiên hay các bước cụ thể hướng tới phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.