Kịch bản cho liên Triều và lời nguyền của Winston Churchill
Cựu Thủ tướng Anh, Winston Churchill từng nói: “Trên thế giới này không có kẻ thù vĩnh viễn, không có đồng minh vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh viễn”.
Sau Hội nghị thượng đỉnh lịch sử liên Triều, bán đảo Triều Tiên hân hoan chưa từng có, Tổng thống Hàn Quốc, Moon Jae- in miêu tả: “Ánh mắt mùa xuân ngập tràn đất nước”; đáp lại, Kim Jong un nói lời hứa hẹn: “Hôm nay chúng ta đang ở vạch xuất phát, nơi một trang sử mới về hòa bình, thịnh vượng và quan hệ liên Triều bắt đầu”.
Báo giới quốc tế giành nhiều thời lượng để nói về sự kiện này, đa phần hy vọng cái kết có hậu cho một dân tộc hai đất nước. Trong đó, hình ảnh Kim – Moon được mô tả cặn kẽ đến từng chi tiết.
Những điều đó khiến cộng đồng quốc tế không thể không liên tưởng nhiều kịch bản cho hai miền, cầu mong cho 76 triệu dân trên bán đảo Triều Tiên thôi cảnh “nồi da nấu thịt”.
Cách đây mấy tháng, người mơ mộng nhất cũng không thể nghĩ rằng lãnh đạo hai bên sẽ “bắt tay”, chứ đừng nói đến lúc nào đó vĩ tuyến 38 hết tác dụng về mặt địa giới.
Nếu Hàn – Triều thống nhất về một mối, đây thật sự là cú sốc với toàn thế giới, họ sẽ là quốc gia hùng mạnh từ nền tảng kinh tế đứng vị trí thứ 10 thế giới của Hàn Quốc hiện tại và một tiềm lực quân sự không thể xem thường của Triều Tiên.
Xét về địa chính trị, đây sẽ là quốc gia có vị thế, vai trò hàng đầu Châu Á, một thế lực thật sự mạnh mẽ nổi lên trong khu vực Thái Bình Dương. Đương nhiên, sẽ là đối trọng với các nước đang dẫn đầu Châu lục. Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và cả Hoa Kỳ có muốn điều này? Đây là câu hỏi khá thú vị.
Nhưng giấc mơ ấy có phải màu hồng? Nếu muốn xóa bỏ đường biên giới, trước tiên một trong hai bên phải từ bỏ ý thức hệ. Một chi tiết đáng chú ý trong cuộc gặp ngày 27/4 vừa qua, trong khi ông Moon Jea in mang chiếc cavạt màu “hòa bình” thì ông Kim Jong un vẫn trung thành với bộ đồ đại cán có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Thêm một chi tiết khác, truyền thông hào hứng với việc hai ông “chăm sóc” cây thông có tuổi đời 56 năm, mang hàm ý nhớ lại năm 1956 khi nội chiến hai miền nổ ra. Song, đến khi nào hai bên cùng đốn hạ “cây thông 56” thì ý nghĩa xóa bỏ hận thù mới rõ ràng.
Hàn – Triều tuy một dân tộc nhưng hai quốc gia, hai nền văn hóa, hai ý thức hệ, hai con đường riêng biệt…đã hơn 1/2 thế kỷ, xóa bỏ điều đó có dễ dàng? Tất nhiên là không! Kịch bản thống nhất bán đảo Triều Tiên vì thế còn quá xa vời.
Còn hơn thế, mối quan hệ Nam – Bắc hàn không đơn giản chiều theo ý muốn của lãnh đạo hai bên! Nếu trước hội nghị thượng đỉnh, ông Kim đến thăm Trung Quốc thì trong thời gian đó ngoại trưởng Hàn Quốc, Kang Kyung wha đến Mỹ thảo luận vấn đề hạt nhân bất chấp người đồng cấp Rex Tillerson đã bị Trump ban trát bãi nhiệm.
Hàn – Triều có thể bình thường hóa quan hệ? Đây là kịch bản có khả năng xảy ra nhất trong một vài năm, hoặc một vài thập kỷ tới. Triều Tiên sau khoảng thời gian dài xây dựng và bảo vệ đất nước bằng các vụ thử hạt nhân, tên lửa, hạn chế bang giao.
Giờ đây đất nước này gặp khó khăn quá lớn về kinh tế, mọi con đường đều thông qua Trung Quốc, ngày càng ít những đoàn xe cứu trợ đến từ bên kia vĩ tuyến. Và việc tuyên bố đối đầu trực tiếp với Mỹ và đồng minh hoàn toàn không có lợi.
Cách đây mấy tháng chính Kim Jong un lên dây cót chiến tranh bằng một loạt các tuyên bố cứng rắn. Nhưng điều đó không đe dọa được Mỹ và các đồng minh đầy sức mạnh. Vì vậy, ông Kim không còn con đường nào khác phải dịu dọng với Nam Hàn mà cái đích xa hơn là Mỹ.
Hàn Quốc thật sự cần gì? Dĩ nhiên là hòa bình yên ổn của hơn 50 triệu dân trong một đất nước văn minh giàu có, họ không có lý do gì phải căng thẳng với nước láng giềng ngày càng lâm vào khó khăn.
Với kịch bản khã dĩ nhất là bình thường hóa quan hệ bán đảo Triều Tiên, bên có lợi nhất trong thế cuộc này chính là bên đang gặp khó khăn chồng chất. Đây là xu thế của lịch sử mà chính những người lãnh đạo của hai đất nước này không thể kháng cự.
Truyền thông không tiếc lời khen Kim Jong un và Moon Jae in vừa tinh tế vừa đẳng cấp trong ngoại giao. Nhưng thực tế mà nói hai ông đang thực hiện cái gọi là “lợi ích dân tộc”.
Càng ngẫm càng thấy câu nói của cựu Thủ tướng Anh, Winston Churchill càng đúng: “Trên thế giới này không có kẻ thù vĩnh viễn, không có đồng minh vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh viễn”.